Bài 1: Mở toang “cánh cửa thép” hướng ĐôngBài 2: Dồn địch trên hướng Đông Nam, bảo vệ các cây cầu tiến vào Sài GònBài cuối: Vươn lên từ gian khó
Từ một vùng bị chiến tranh tàn phá, Đồng Nai đã nỗ lực vươn lên, luôn nằm trong tốp những địa phương phát triển đi đầu của cả nước.
Mô hình phát triển kinh tế tư nhân đạt nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại huyện Trảng Bom. Ảnh:N.Hà
Những người bước ra từ cuộc chiến vẫn mong muốn thế hệ hôm nay sẽ viết tiếp câu chuyện hòa bình, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, khát khao vươn lên xây dựng, phát triển, cống hiến để những hy sinh xưa kia thực sự nở hoa độc lập, kết trái tự do…
Nhiều kết quả đáng mừng
Đến hết quý I-2025, GRDP của tỉnh tăng hơn 6,8%; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp đạt trên 7,2 ngàn tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2024. Các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, thương mại dịch vụ, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đều tăng. Thu ngân sách đạt hơn 19,2 ngàn tỷ đồng…
Đặc biệt, với những vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá năm xưa giờ đã phát triển trở thành các vùng cây trái, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như: Xuân Lộc, Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom.
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho biết: “Kế thừa truyền thống anh hùng, sau nửa thế kỷ đi qua, Long Khánh có những thay đổi to lớn, là một trong 2 địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn
mới. Hiện nay, cả 4/4 xã của thành phố đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; toàn thành phố có 6 khu dân cư kiểu mẫu”.
Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh nhìn nhận: “Những bài học từ thắng lợi của Chiến thắng Trảng Bom mãi còn nguyên giá trị trong tiến trình xây dựng, phát triển Trảng Bom, là tiền đề để thế hệ hôm nay viết tiếp câu chuyện hòa bình, dành nhiều thành tựu nhằm tri ân cha ông đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Trảng Bom cũng là địa bàn luôn làm tốt chính sách người có công với cách mạng”.
Tri ân và biết ơn
Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Long Khánh Phạm Quốc Thân, người trực tiếp chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 341 tham gia mở “cánh cửa thép” hướng Đông, cho rằng với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, khi hoàn thành mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc,
trong đội hình của Sư đoàn 341, đơn vị ông bàn giao lại cho lực lượng địa phương, tiếp tục tiến về giải phóng Dầu Giây, nhanh chóng về Trảng Bom, đánh lên Biên Hòa, tiến quân vào Sài Gòn…
Ông Thân và nhiều cựu chiến binh từng một thời vào sinh ra tử, đều vui mừng trước sự phát triển của tỉnh, cũng như sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với người có công.
Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Đồng Nai có hơn 3,5 ngàn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do
của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân được phong liệt sĩ; hơn 11 ngàn thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Tỉnh Đồng Nai có trên 1,1 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Xương máu và tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng đã góp phần tô đậm thêm truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Công lao đó mãi mãi được Đảng, Nhà nước, Nhân dân trân trọng ghi ơn, để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc.
Tri ân và biết ơn với sự hy sinh to lớn của cha ông cho độc lập, tự do của Tổ quốc, Phó bí thư Huyện đoàn Long Thành Trần Trọng Tâm cho biết, thời gian qua, Huyện đoàn đã tổ chức các hoạt động tri ân người có công; tổ chức thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ; chỉ đạo các cơ sở Đoàn quan tâm chăm sóc gia đình mẹ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng neo đơn… Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông, kế thừa trong
xây dựng tổ chức Đoàn, xây dựng thế trẻ gương mẫu, xung kích đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế…
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết: “Kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng của ông cha, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân huyện Trảng Bom luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng, phát triển, nâng cao đời sống người dân, tri ân gia đình người có công.
Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Trảng Bom, tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trảng Bom thành lập 8 đoàn do các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà, động viên thăm hỏi 2 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và các cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Trảng Bom, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hoạt động này nhằm tri ân, đền ơn đáp nghĩa với thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập và thống nhất đất nước”.
Nguyệt Hà
Ông TRẦN VĂN PHÚ, ngụ phường Xuân An, nguyên chiến sĩ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh cũ:
Nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc
Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh từ tháng 6-1971 đến ngày 21-4-1975, đã phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn đánh hơn 70 trận, tiêu diệt và làm bị thương hơn 1 ngàn tên địch, bắn rơi và phá hủy 8 máy bay, nhiều vũ khí các loại, đánh sập 24 lượt cầu cống. Đội còn sưu tầm hơn 3 ngàn quả bom, pháo lép của địch để tháo gỡ, lấy hơn 5 ngàn kg thuốc nổ chế tạo hơn 1,2 ngàn quả mìn, nhiều khối thuốc nổ làm “bệ phóng bom bay” tiêu diệt địch...
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 27-4-2012, Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông NGUYỄN MINH HOÀNG (ngụ khu phố Bảo Vinh A, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh):
Chỉ cần được sống 3 ngày khi giải phóng đã mãn nguyện
Vào thời điểm diễn ra Chiến dịch 12 ngày đêm giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh, tôi là Bí thư Đoàn xã Bảo Vinh, Ấp đội trưởng Đội Tự vệ mật Bảo Vinh. Thời điểm đó, Bảo Vinh là vùng “da beo” xen kẽ giữa cách mạng và chính quyền Sài Gòn nên ban đêm chúng tôi băng rừng rải truyền đơn, xóa cờ ba que mà địch vẽ trên tường và dùng lựu đạn đánh địch. Đời sống người dân lúc đó vô cùng cơ cực. Chúng tôi chỉ mong được sống trong hòa bình tầm 3 ngày thì có chết cũng
cam lòng.
Chị HUỲNH KIM PHƯỢNG, Bí thư Đoàn xã Long Phước, huyện Long Thành:
Phát huy sức trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, mở ra một mốc son mới trong lịch sử dân tộc. Được sống trong thời kỳ hòa bình, mỗi cán bộ, đoàn viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung phải ra sức học tập, phấn đấu, phát huy sức trẻ xây dựng quê hương, góp phần vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Ông VŨ NHƯ Ý, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành:
Tạo đà vững chắc cho phát triển
Để có được niềm vui ngày thống nhất, rất nhiều ông cha ta đã phải hy sinh xương máu. Vì vậy, thế hệ ngày nay dù làm gì, ở đâu, vẫn phải luôn biết trân trọng, tri ân quá khứ, biết ơn công lao của các anh hùng, liệt sĩ. Làm được điều này mới tạo đà vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai…