LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới – “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. Đó là các bác, các cô là cựu chiến sĩ biệt động, cựu tù chính trị, những người từng tham gia phong trào học sinh sinh viên, đấu tranh đô thị… Họ đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.
Là lính chiến tham gia cánh quân hướng Đông tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 (nay là Quân đoàn 34) - bồi hồi kể về một thời chiến đấu đầy cam go, ác liệt nhưng cũng rất oai hùng.
Hồi ức của vị tướng già 86 tuổi từng cận kề “lằn ranh sinh tử” bắt đầu từ những trận đánh mở màn quyết chiến, để sau đó tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ trận chiến “trinh sát” Phước Long…
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể, sau 5 tháng thành lập, Quân đoàn 4 ra quân trận đầu. Sức mạnh của một đơn vị chủ lực cơ động lập tức được khẳng định khi giành thắng lợi bằng chiến thắng Đường 14 - Phước Long. Ông khi đó là Thiếu tá, Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, là người chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch và cắm cờ trên dinh Tỉnh trưởng Phước Long vào ngày 6/1/1975.
Đây là tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng và thắng lợi này có ý nghĩa chính trị quan trọng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể về những trận chiến có ý nghĩa lịch sử cách đây hơn 50 năm
“Trận đánh này không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn được xem là trận trinh sát chiến lược quan trọng.
Phước Long được xem là cửa ngõ của Đông Nam Bộ, là "bàn đạp" tiến về Sài Gòn. Phước Long được giải phóng chứng minh thực tế chính quyền Sài Gòn đang rệu rã, và là phép thử cho khả năng quay trở lại hay can thiệp của Mỹ vào cục diện là không thể…
Đó cũng là cơ sở để Bộ Chính trị quyết tâm thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam sớm, trước mùa mưa năm 1975” - vị tướng già kể lại.
... Đến “cánh cửa thép" Xuân Lộc
Trong năm 1974-1975, Quân đoàn 4 tiếp tục cùng các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tham gia nhiều trận chiến.
“Trong đó, Xuân Lộc là một chuỗi các trận đánh ác liệt nhất cũng là những thử thách 'khó nhằn' nhất đối với Quân đoàn 4 trên đường tiến vào nội đô Sài Gòn” - vị tướng già khẳng định.
Tướng Doanh cho biết Xuân Lộc là nơi Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi là “cánh cửa thép” bất khả chiến bại, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” nên tăng cường các lực lượng phòng thủ.
Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 6 (Quân khu 7), 2 tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn bộ binh địa phương, cuối chiến dịch được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và đại đội xe tăng. Thiếu tướng Hoàng Cầm là tư lệnh của chiến dịch này.
Lúc 5h40 ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một nửa thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.
Ảnh trái: Ngày 9/4/1975, các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc - căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ảnh phải: Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay khi mất Xuân Lộc, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ảnh: TTXVN
Tại đây, quân ta phải chiến đấu cực kỳ ác liệt, hy sinh mất mát nhiều và cũng là trận đấu khốc liệt nhất của ông Doanh và đồng đội.
Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc - Long Khánh diễn ra thêm ác liệt. Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.
Ta tổ chức đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, cắt quốc lộ 1 và chặn đánh quân tiếp viện từ Biên Hòa, Trảng Bom, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa.
Quân giải phóng phát triển tiến công, đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 18 địch trong Chiến dịch Xuân Lộc tháng 4/1975. Ảnh tư liệu: QĐND
Rạng sáng 15/4/1975, quân ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan 2 chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.
Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20/4/1975, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng.
Điều tiếc nuối trong trận đánh cuối cùng
Theo ông Doanh, điều nuối tiếc nhất ở trận đánh lớn cuối cùng này là đơn vị được trao vinh dự nhận lá cờ từ chỉ huy mặt trận Hoàng Cầm để vào cắm trên nóc dinh Độc Lập, vì từng chiến thắng và cắm cờ trên tòa Tỉnh trưởng Phước Long. Nhưng nhiệm vụ này đơn vị của ông đã không thể thực hiện.
Bởi vì, đêm 29 rạng sáng 30/4/1975, trên đường tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, khi đến cầu Suối Máu, Biên Hòa thì Quân đoàn 4 gặp địch đánh chặn, buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trong suốt đêm đó.
Ông Doanh kể về những trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp
Ông Doanh bùi ngùi kể: "Về nguyên tắc, đánh thọc sâu là không đánh địch dọc đường, nhưng địch chặn đánh nên buộc ta phải phản công".
Đánh xong trận này, đến rạng sáng 30/4, đơn vị hành quân tiếp theo đường 1, vào đến cầu Mới (cầu Hóa An hiện nay). Tuy nhiên tại đây, 2 nhịp cầu bị đánh sập, đơn vị buộc phải quay về phía ngã ba Vũng Tàu để tiến quân vào Sài Gòn. Khi vào đến dinh Độc Lập, lực lượng của Quân đoàn 4 đã chậm hơn Quân đoàn 2 khoảng 30 phút, nên không thể cắm cờ như dự định.
Cuộc đời binh nghiệp gắn với chiến trường miền Đông Nam Bộ
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (sinh năm 1939) gia nhập quân đội khi đã 24 tuổi, với sức vóc gầy yếu, chiều cao khiêm tốn 1m55 cùng cân nặng 42kg. Dù vóc dáng quá bất lợi để trở thành người lính chiến nhưng ông lại có quá khứ chiến đấu đầy anh dũng, kiên cường, nhiều lần cận kề với cái chết. Ông hiện là thương binh hạng 2 với tỷ lệ thương tật 78%.
Sinh ra ở huyện ngoại thành Hà Nội nhưng đời binh nghiệp của ông lại gắn liền với chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông từng trải qua nhiều trận đánh lớn - nhỏ, từ giải phóng chi khu Đồng Xoài, Phước Long, chi khu Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Long Khánh… đến những trận đánh trên Đường 13, Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tướng Doanh kể về những trận đánh ác liệt và lần cận kề cái chết
Năm 1966, khi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, trong một trận đánh ở Bình Phước, ông bị thương nặng. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên quấn võng chuẩn bị an táng. Nhưng một chiến sỹ phát hiện chân ông còn ấm nên kịp thời đưa đi cấp cứu…
Đan xen những câu chuyện về trận đánh, vị tướng già thỉnh thoảng ngừng lại, xúc động nhớ đến những đồng đội của mình đã ngã xuống, không tận hưởng được những ngày non sông thống nhất.
“Giây phút lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đất nước được thống nhất là niềm hạnh phúc ngập tràn của cả dân tộc Việt Nam và cá nhân tôi. Chỉ tiếc và thương nhớ các đồng đội đã ngã xuống trên đường tiến vào Sài Gòn” - Tướng Doanh bùi ngùi nói.
Ông Doanh cũng nói rất mừng là ta giành thắng lợi, giữ trọn vẹn Sài Gòn, không đổ nát như những trận chiến khác trên thế giới…
Nỗi niềm ngày quân quản
Sau ngày 30/4/1975, Sư đoàn 7 là 1 trong 3 Sư đoàn thuộc Quân đoàn 4 tham gia làm nhiệm vụ quân quản. Trong đó, Trung đoàn 141 của ông được giao quản lý các địa bàn quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức).
Sau hơn 4 tháng làm nhiệm vụ, với người Chính ủy Trung đoàn lừng danh một thời, đó là khoảng thời gian đầy thử thách khi liên tục diễn ra các cuộc đấu trí căng thẳng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh bên lề hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam" ngày 20/4 vừa qua tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, những tuyên truyền không đúng sự thật của chế độ cũ về cộng sản là trở ngại rất lớn để ta tiếp xúc với nhân dân Sài Gòn. Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự, cướp bóc tài sản của các băng đảng diễn ra thường xuyên.
Trong quá trình đi vận động nhân dân, ban đầu, vì không nắm được tình hình nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ gặp được nhiều người từng làm việc ở chế độ cũ có kiến thức, trách nhiệm cùng vận động, nên khoảng một tháng sau, chính quyền khóm, tổ đoàn kết, tổ dân vận ở phường Tân Định đã được thành lập.
Với ông, trong chiến tranh, cận kề cái chết còn không sợ, vẫn chiến đấu và giành được hòa bình nên nếu không làm tròn nhiệm vụ quân quản, để người dân đói khổ, khó khăn thì rất có lỗi.
"Nhờ sự chân thành, biết nghe và xin lỗi của bộ đội mà những câu chuyện đồn đoán, hiểu lầm về quân giải phóng dần được xóa bỏ" - ông Doanh chia sẻ.
Giờ đây ở tuổi 86, mái đầu đã bạc trắng, đôi chân đã mỏi, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng ông luôn đau đáu món nợ ân tình về những người đồng đội cũ. Nhiều năm qua, ông vẫn đau xót, trăn trở khi nghĩ về việc họ đã hy sinh trên chiến trường, và miệt mài đi tìm kiếm đưa đồng đội trở về với gia đình.
Bảo Anh
Hồ Văn