Các đại biểu tham quan Trưng bày "Đất nước trọn niềm vui”.
Chiều 23/4, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui”, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Phát biểu khai mạc Trưng bày, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: Cách đây tròn 50 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, sau 55 ngày đêm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.
Đó là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là một trong những trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu.
“Với trưng bày chuyên đề: “Đất nước trọn niềm vui”, Ban tổ chức mong muốn giúp công chúng hiểu thêm về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong lịch sử dân tộc. Qua đó, khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bồi đắp niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày.
Với hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, nội dung Trưng bày chuyên đề được bố cục theo ba phần:
Phần I: “Khát vọng hòa bình” mở đầu Trưng bày với bối cảnh sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Theo tinh thần Hiệp định, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền nam-bắc và sẽ thống nhất bằng một cuộc Tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956. Tuy nhiên, với âm mưu hất cẳng Pháp để xâm chiếm miền nam Việt Nam, biến miền nam thành phòng tuyến ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định, từng bước leo thang xâm lược Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết không thỏa hiệp, quyết tâm đấu tranh để thống nhất đất nước. Giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cả nước đã biến đau thương thành sức mạnh, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi quân sự, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Các em học sinh tham quan Trưng bày.
Phần II: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975” thể hiện nội dung: Sau Hiệp định Paris, Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa vẫn ngoan cố, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết. Ngược lại, ta kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và liên tiếp giành những thắng lợi vang dội.
Đầu năm 1975, xác định thời cơ chiến lược đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, với nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”, quân và dân ta đã đập tan bộ máy ngụy quyền do Mỹ dựng lên, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Phần III: "Việt Nam - vươn tới những tầm cao” khẳng định: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong 10 năm đầu sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém.
Đường lối Đổi mới được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đề ra đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam.
Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Trưng bày vỏ hộp xà phòng Mỹ được bà Lê Thị Nuôi dùng để đựng tài liệu chuyển đi các nơi.
Tham quan Trưng bày, công chúng có cơ hội được tiếp cận nhiều tài liệu, hiện vật sinh động gắn với những câu chuyện cảm động như: bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ bằng máu của chính mình khi ông bị thương hai mắt trong trận đánh căn cứ Nước Trong ngày 28/4/1975; bức ảnh “Đoàn tụ ngày giải phóng” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long ghi lại giây phút xúc động người tử tù cách mạng Lê Văn Thức trở về từ Côn Đảo ôm chầm lấy mẹ tại căn cứ Rạch Dừa, Vũng Tàu, ngày 5/5/1975…
Đặc biệt, trong số đó, có những hiện vật gốc lần đầu tiên được giới thiệu, như: chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ được bà Lê Thị Nuôi - cán bộ công tác tại nhà in bí mật số 157 Nguyễn Trãi, Sài Gòn - sử dụng để vận chuyển các tài liệu quan trọng một cách an toàn qua các chốt kiểm tra gắt gao của địch; hay bộ quần áo complê của ông Bùi Văn Chiếu, chiến sĩ biệt động Sài Gòn mặc trong thời gian hoạt động cách mạng, tham gia nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là trận đánh Tổng nha Cảnh sát ngày 16/8/1965…
Trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 23/4/2025 đến 10/8/2025.
TRANG ANH