Thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, cuối năm 1939 Tỉnh ủy Hà Nam họp mở rộng (tại Cổ Viễn, Bình Lục), truyền đạt những nội dung cụ thể về củng cố cơ sở đảng, thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế, phương hướng củng cố, phát triển các tổ chức quần chúng. Hội nghị đã kiện toàn Ban Tỉnh ủy mới, cử đồng chí Trần Tử Bình làm Bí thư. Sau Hội nghị Cổ Viễn, phong trào cách mạng trong tỉnh có nhiều chuyển biến, cán bộ và các chi bộ rút vào hoạt động bí mật, các tổ chức quần chúng hợp pháp trong thời kỳ 1936 - 1939 được chuyển sang tổ chức phản đế, nội dung, hình thức hoạt động thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Thời kỳ 1930-1939 là thời kỳ đấu tranh không mệt mỏi của đảng viên, quần chúng cách mạng và nhân dân Hà Nam để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng. Các chiến sỹ cộng sản Hà Nam luôn phát huy vai trò xung kích của người đảng viên cộng sản làm nòng cốt, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển theo xu thế cách mạng chung cả nước. Mặc dù thực dân Pháp dùng nhiều phương kế hòng dập tắt phong trào, song Đảng bộ Hà Nam luôn vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng; kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền giác ngộ, thu hút quần chúng, xây dựng lực lượng, lãnh đạo đấu tranh phù hợp với từng hoàn cảnh; duy trì sự lãnh đạo của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng phát triển. Những thắng lợi này tập dượt cho quần chúng phương pháp đấu tranh chính trị, củng cố niềm tin cho đảng viên, quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, làm nền tảng tư tưởng cho giai đoạn cách mạng tiếp theo. Giữa lúc đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào, đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng và khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân.
Trước sự phát triển của tình hình trong nước và quốc tế ngày càng có lợi cho cách mạng, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật trở về nước, chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ 10 đến 19/5/1941 để quyết định những vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 truyền đạt tới địa phương đã giúp phong trào Hà Nam chuyển biến nhanh chóng và không ngừng phát triển.
Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô đã đánh tan phát xít Đức. Phát xít Nhật cũng bị đẩy vào tình thế khốn cùng. Ở Đông Dương, mâu thuẫn Nhật - Pháp đã gay gắt tới cực điểm. Thực dân Pháp đang nung nấu quyết tâm khôi phục lại quyền thống trị của chúng ở xứ Đông Dương. Để tránh mối hậu họa bị quân Pháp đánh vào sau lưng khi quân Đồng minh kéo vào, đêm 9/3/1945 Nhật bất ngờ làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương.
Trước tình hình trong nước, thế giới chuyển biến hết sức mau lẹ, ngay đêm 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, nhận định: Cuộc đảo chính Nhật - Pháp đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang đi đến chín muồi nhanh chóng.
Thời gian này phong trào cách mạng trong tỉnh càng phát triển mạnh mẽ, nhiều nơi thành lập các đội Tự vệ Cứu quốc, tổ chức nhiều lớp huấn luyện quân sự. Ngoài rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ, một số nơi còn tổ chức mít tinh quần chúng, tuyên truyền ảnh hưởng Việt Minh, vạch mặt Nhật - Pháp. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân liên tiếp nổ ra khiến chính quyền thực dân phải nhượng bộ.
Đầu tháng 5/1945, Ban cán sự lâm thời tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị mở rộng tại Cao Mật (Kim Bảng). Những cán bộ về dự hội nghị được quán triệt đường lối của Trung ương, nghiên cứu sâu sắc Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; Nghị quyết của Hội nghị Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ tháng 4/1945. Trên cơ sở phân tích kỹ đặc điểm tình hình địa phương, Hội nghị Ban cán sự lâm thời tỉnh Hà Nam quyết định những nhiệm vụ quan trọng trước mắt :
1. Tổ chức mít tinh, biểu tình, treo cờ đỏ sao vàng, rải truyền đơn, dán biểu ngữ với nội dung đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu Mặt trận Việt Minh.
2. Tổ chức phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói, thu bằng triện của lý trưởng, vận động quần chúng không nộp thuế, đồng thời răn đe lý trưởng không được thu thóc thuế.
3. Ra tờ báo Quyết Chiến để tuyên truyền, hướng dẫn và cổ vũ phong trào.
4. Phát triển, củng cố Tự vệ Cứu quốc, tổ chức lớp huấn luyện quân sự, thu thập vũ khí để trang bị cho lực lượng tự vệ.
Trước những diễn biến hết sức thuận lợi của cách mạng thế giới và trong nước, ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, khẳng định những điều kiện khởi nghĩa ở trong nước đã chín muồi. Quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ, toàn dân tộc đang sôi nổi đợi chờ giờ khởi nghĩa giành độc lập. Ngay đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa và truyền ngay đến các địa phương.
Trưa 13/8/ 1945, khi biết tin phát xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam đã nghĩ ngay tới Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, tiên đoán giờ phút này là thời cơ tốt nhất để giành chính quyền. Đồng chí Lê Thành, Trưởng ban Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam đã trao đổi, thống nhất trong toàn Ban Cán sự, cấp tốc triệu tập Hội nghị Ban Cán sự mở rộng và cũng là Hội nghị đại biểu Việt Minh tỉnh quyết định kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Hà Nam. Hội nghị mở tại Lũng Xuyên (Yên Bắc, Duy Tiên) đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời để chỉ đạo quần chúng nhân dân vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nam kể từ khi bắt đầu đến khi giành thắng lợi hoàn toàn chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 20 đến 24/8) nhưng đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng và tổ chức chỉ đạo của đảng bộ. Trong suốt 15 năm hoạt động liên tục, kiên cường, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, có những lúc tổ chức đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt, số còn lại phần lớn bị mất liên lạc với cấp trên. Mặc dù đảng bộ còn rất ít đảng viên, nhưng do nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, lại được nhân dân hết lòng đùm bọc, che chở, đảng viên đã kiên trì tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng đấu tranh, tìm mọi cách khôi phục lại các cơ sở của Đảng để làm hạt nhân lãnh đạo phong trào. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Hà Nam được Xứ ủy luôn luôn quan tâm chỉ đạo, cử cán bộ về tăng cường giúp đảng bộ mau chóng trưởng thành.
Đảng bộ đã đáp ứng đúng khát vọng của quần chúng, nhất là những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Giữa lúc cuộc sống của quần chúng đang bị đói khổ, cùng cực, Đảng bộ đã phát động quần chúng, tập hợp quần chúng vào trận tuyến đấu tranh với những mục đích thiết thực, phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân; đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh vô địch của các tầng lớp nhân dân Hà Nam trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945.
(Còn nữa)
(Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam 1927-1975)
.