Thật vậy, ngay từ ngày thành lập cho đến nay, lịch sử vẻ vang 95 năm của Đảng ta gắn chặt với hai chữ “cách mạng”, mở ra liên tiếp những kỷ nguyên mới thắng lợi rực rỡ, với mục đích, lợi ích cuối cùng và duy nhất là vì Dân, cho Dân!
Cách mạng mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và trực tiếp lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng trưởng thành, kiên định con đường cách mạng vô sản để “cứu nước và giải phóng dân tộc”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội.Ảnh: Tư Liệu
Ở tuổi 15, chính đảng non trẻ ấy lãnh đạo toàn dân làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 long trời lở đất, khai sinh ra nhà nước công nông, chính thể cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai tiếng “Việt Nam” từ đấy đường hoàng xuất hiện trên bản đồ thế giới và không lâu sau, chính đất nước nhỏ bé này đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954.
Từ 1954 đến 1975, Đảng ta lãnh đạo đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thực hiện cải cách ruộng đất, chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến bị xóa bỏ triệt để, khối liên minh công nông được củng cố, kinh tế - xã hội được khôi phục và từng bước phát triển, số người đi học tăng gấp hơn 5 lần; từ chỗ chỉ có hơn 70 bệnh viện, bệnh xá tăng lên hơn 1.000 bệnh viện, bệnh xá; thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức ở miền Bắc tăng gần 60% so với năm 1945…, những nền móng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bước đầu được xây dựng.
Có thể nói, ngày 3-2-1930 đặt mốc khai mở một kỷ nguyên mới chói lọi của dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ trong vòng 45 năm, Đảng ta đã tập hợp rộng rãi nhất, phát huy mạnh mẽ nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh thời đại vùng lên đập tan ách thống trị của đế quốc, phong kiến; xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột; giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc và tiến lên xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa, giải quyết thành công yêu cầu lịch sử và hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến lược. Một nước Việt Nam mới nhanh chóng nên hình hài và không ngừng lớn mạnh!
Cách mạng để thống nhất, đổi mới, phát triển
Chiến thắng 30-4-1975 một lần nữa ghi dấu son trong lịch sử dân tộc ta và Đảng ta. Nhưng, những gì chúng ta phải đối mặt sau đó cũng thật nặng nề, khốc liệt: Hậu quả chiến tranh thật to lớn; đất nước bị bao vây, cấm vận, chưa kể lại phải chiến đấu bảo vệ biên cương; nền kinh tế bao cấp thời chiến với năng lực, trình độ quản lý hạn chế… có nguy cơ kéo lùi tất cả.
Trưa ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, đánh dấu chính thức giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu
Một lần nữa, Đảng ta tỏ rõ bản lĩnh cách mạng, nhận diện đúng mục tiêu mới: Thắng “giặc” đói nghèo, lạc hậu; phát triển đất nước; làm bạn với thế giới.
Hiểu rõ nội tại, tỉnh táo trước thời cuộc, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm, sai lầm - đặc biệt là bệnh chủ quan, duy ý chí - và thống nhất quyết tâm đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế, điều tiết kinh tế theo chuyển động thị trường.
Sức mạnh toàn dân được khơi dậy, sức lao động ở tất cả các thành phần kinh tế được giải phóng mạnh mẽ, nên chỉ sau một thập kỷ, nước ta thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu như 4 năm đầu đổi mới, tăng trưởng GDP bình quân hằng năm là khoảng 4,4% thì đến năm 2000, Việt Nam đã bứt phá với tốc độ tăng GDP tới 7%; quy mô nền kinh tế vọt từ chừng 4 tỷ USD ở thời điểm bắt đầu đổi mới lên hơn 430 tỷ USD năm 2023, với GDP bình quân đầu người tăng 58 lần. Với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023, Việt Nam được thế giới xem là mẫu mực trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ có vậy! Để thoát khỏi bao vây, cấm vận, Đảng ta chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Đến năm 2025 này, Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm của những diễn đàn, tổ chức quốc tế lớn và quan trọng nhất như Liên hợp quốc, WTO, ASEAN, APEC… Và trong số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao, Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện với 12 nước, quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước và quan hệ đặc biệt với 3 nước.
Thực tế ấy cho chúng ta quyền tự hào mà khẳng định: Đảng ta một lần nữa giành thắng lợi rực rỡ bằng cuộc cách mạng mang tên “Đổi mới”, đưa đất nước vượt thoát đói nghèo, lạc hậu; tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế lớn chưa từng có. Một nước Việt Nam độc lập, một dân tộc Việt Nam tự do đã có thế và lực mới vững chắc để thực hiện khát vọng to lớn hơn: Vươn mình!
Cách mạng để vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Để bảo đảm thắng lợi trong kỷ nguyên mới này, với ý chí mạnh mẽ và quyết tâm sắt đá “quán triệt và hành động khẩn trương, quyết liệt, biến nhận thức thành hành động cụ thể, ý chí thành hiện thực”, một lần nữa, Đảng ta tiên phong phát động hàng loạt cuộc “cách mạng” mới.
Trước hết, đó là “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền”; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ” để “đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ”. Song hành với đó là rà soát, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách nhằm mở rộng tối đa không gian phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cao nhất cho mọi hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: Viết Thành
Cuộc cách mạng thứ hai là tinh gọn bộ máy, nhằm xây dựng cho được một hệ thống chính trị "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"; xóa bỏ tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, trùng lắp, chồng chéo, chưa đồng bộ, bất hợp lý…
Tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, trong đó, “chạy là cả hàng phải chạy, không lộn xộn, không chờ đợi ai”. “Bây giờ là thời cơ, bây giờ là cơ hội, chúng ta muốn phát triển phải nhẹ đi mới bay được cao”. Ngay sau khi Tổng Bí thư phát “hiệu lệnh”, từ Trung ương đến địa phương, tới cơ sở bừng bừng khí thế, vào cuộc khẩn trương.
Gương mẫu đi đầu, cuối tháng 12-2024, 13 cơ quan Đảng, Đoàn thể Trung ương đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bộ máy của Chính phủ cũng sắp xếp dự kiến giảm 5 bộ, cơ quan cùng với giảm 4.250 đầu mối bên trong các bộ, cơ quan.
Nhận thức rõ “sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu”, Tổng Bí thư tiếp tục kêu gọi “phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Người đứng đầu Đảng đề nghị: “Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Tổng Bí thư Tô Lâm với đại biểu cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, lao động Thủ đô. Ảnh: Viết Thành
Một cuộc cách mạng nữa cũng đã được Tổng Bí thư phát động là “tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa”. Theo Tổng Bí thư, cuộc cách mạng này phải “bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển; loại bỏ cơ chế “xin-cho” và tư duy bao cấp…”
Đồng thời với “cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả” là “thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân”; cơ cấu lại nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, “chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, và xây dựng con người Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng môi trường sống trong lành”.
“Đảng ta là cách mạng…”, trước mỗi lần Đảng ta quyết định làm cách mạng đều đã nắm rõ thách thức, nắm chắc thời cơ và bởi vậy, luôn luôn thắng lợi. Bằng thế và lực từ 95 năm qua, hội tụ thành quả của 2 kỷ nguyên rực rỡ, Đảng ta và nhân dân ta, đất nước và dân tộc ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lịch sử, dứt khoát không thể bỏ lỡ: Vươn mình, bứt phá nhanh hơn, cao hơn, xa hơn để đạt tới “quỹ đạo” nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045!
Với tinh thần quyết liệt, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “chỉ tiến không lui”, mạnh mẽ vào cuộc chiến đấu mới!
Đảng ta là cách mạng, là tiến công, là đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác!
Lương Chí Công