Cố PGS.TS. Trần Ngọc Toản
Sân bay Tân Sơn Nhất với bao nhiêu máy bay bị ta pháo kích, cái hỏng, cái còn nguyên nằm hỗn độn cùng với bao nhiêu quần áo lính, hòm xiểng, xe cộ, đồ đạc đủ thứ vung vãi. Không có thang nên phải bám dây thả từ cửa máy bay để xuống đất. Đã 5 giờ chiều mà cái nóng vẫn còn gay gắt. Trước đó 22 năm trong kháng chiến chống Pháp, chỉ từ Quảng Nam ra đến Việt Bắc, tôi phải hành quân bộ dọc Trường Sơn mất đúng 2 tháng và ngày 10/10/1954 về tiếp quản Hà Nội chỉ từ thị xã Sơn Tây đến Cột Cờ, đường dài khoảng 40 km cũng phải mất 8 giờ, vậy mà nay từ Hà Nội đến Sài Gòn chỉ mất 4 giờ. Chỉ riêng chi tiết đó cũng đã thấy cách mạng Việt Nam đã tiến những bước thần kỳ như thế nào trong những điều kiện xuất phát gần như với 2 bàn tay trắng.
Một chiêc xe jeep không mui chở chúng tôi vào trại David, nơi Ban Liên hiệp đình chiến đóng trụ sở. Tuy Sài Gòn đã giải phóng được 2 ngày nhưng chúng tôi chỉ được ở trong nhà, đề phòng bị bắn lén. Tôi được phát súng và biên chế vào một tổ cùng các cán bộ ở đó để sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh. Đêm đó tuy mệt nhưng không ngủ được vì bao nhiêu tình cảm lẫn lộn, vừa vui mừng, vừa cảnh giác, vừa chờ mong sáng. Vì cái cơ quan mà tôi phải tới không biết ở đâu nên mãi đến trưa 3/5 các đồng chí đóng quân ở Tổng nha Cảnh sát Sài gòn mới đưa tôi đến Ủy ban Quân quản đóng tại Dinh Độc lập. Thành phố đông nghịt người. Cờ mặt trận Giải phóng, cờ đỏ sao vàng đủ cỡ, đủ kiểu, bằng giấy, bằng vải, bằng nilon, bằng kim loại và bằng sơn trực tiếp lên cổng la liệt khắp mọi nơi. Không hề thấy một dấu vết nào của chiến tranh. Mọi người hồ hởi, hòa nhập như trong lễ hội. Bộ quân phục giải phóng quân có giá trị tuyệt với, ai gặp cũng vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ, dẫn đường và không hề có một biểu hiện nào của sự thù địch mặc dù trong thành phố lúc đó còn hàng vạn binh lính, sĩ quan, viên chức của chính quyền Sài Gòn chưa đi trình diện với chính quyền cách mạng. Khi đói bụng có thể ăn cơm với bất cứ đơn vị quân đội nào, chẳng phải báo cơm và thanh toán, cũng chẳng hỏi anh từ đâu đến.
Chiều 3/5 tôi được đưa đến Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (Tổng Cuộc Dầu hỏa) đóng ở một góc của Thảo Cầm Viên. Ở đó có một tiểu đội bộ đội đóng và không gặp ai làm việc. Các chiến sĩ Giải phóng còn trẻ măng, mang dáng dấp thư sinh hơn là những người từng trải trong chiến trận. Họ vui vẻ, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, sống rất giản dị và kỷ luật. Chỗ nghỉ ngơi của họ là nền gạch, trải chiếu liền kề nhau. Tài sản chỉ có những chiếc ba lô, súng đạn, vài quyển sách, một cây đàn măng đô lin và bộ tú lơ khơ tự làm bằng giấy. Rất khó tìm thấy những hình ảnh dữ dội, trang nghiêm kiểu nhà binh trong các phim chiến tranh kinh điển.
Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản đóng ở một góc của Thảo Cầm Viên, nay là Bảo tàng Đia chất
Tôi lại được đưa về Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn nghỉ. Cả khu nhà rộng đã được ban An ninh tiếp quản nguyên vẹn vì nghe nói hôm 29/4 Tổng thống Dương Văn Minh đã cử đúng một vị của ta về làm Tổng trưởng thay cho một tướng cảnh sát Sài Gòn đã di tản.
Nhiệm vụ của tôi trong những ngày tiếp theo là tìm hiểu, tổng hợp cơ cấu tổ chức từ Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa, Tổng cuộc Dầu hỏa, các cơ sở thí nghiệm, đào tạo và các công ty dầu nước ngoài có trụ sở ở Sài Gòn. Cần phải nói thêm để bạn đọc hiểu là sau 30 năm chia cắt đất nước và cũng là hệ quả của chính sách chia để trị hàng trăm năm của chế độ thực dân, các từ ngữ dùng ở Miền Bắc và Miền Nam không hoàn toàn giống nhau. Nếu ta gọi là Tổng cục Dầu mỏ thì chính quyền Sài Gòn gọi là Tổng cuộc Dầu hỏa. Trong tổ chức các Bộ ở Miền Bắc có Cục, Vụ, Phòng, Ban thì ở đây gọi là Cuộc, Nha, Sở,... Từ chuyên môn lại càng khác nhau, nếu không có ghi chú bằng tiếng nước ngoài thì không hiểu được. Đối với cả dân tộc, sự thống nhất đất nước trở thành một nhu cầu cấp thiết, nếu không thì nguy cơ tạo ra hai quốc gia khác biệt là hoàn toàn hiện thực. Công việc không biết bắt đầu từ đâu vì Ban Kinh tế Miền cũng không biết giới thiệu tiếp xúc với ai.
Hôm sau các đồng chí an ninh đưa tôi đến Đại học Khoa học Sài Gòn gặp Giáo sư Tiến sĩ Trần Kim Thạch, Trưởng khoa Địa chất, người trước đây đã từng viết bài công kích việc tìm dầu khí ở Nam Việt Nam với lý do là vùng không có triển vọng. Anh Thạch là cơ sở của cách mạng, lại là người Quảng Nam nên ngay từ đầu quan hệ thật là dễ chịu. Anh thanh minh với tôi rằng các bài báo ấy chỉ đáp ứng mục tiêu chính trị theo chỉ thị cấp trên là phải ngăn cản hoạt động tìm dầu chứ không mang tính khoa học. Trong các năm 1974 và đầu năm 1975, nhất là khi Mobil phát hiện dầu công nghiệp ở mỏ Bạch Hổ, chính quyền Thiệu tuyên truyền tạo cho mọi người tâm lý cho rằng Mỹ không rời bỏ Việt Nam, quân đội Mỹ nhất định sẽ trở lại để bảo vệ quyền lợi dầu mỏ khổng lồ của các công ty Mỹ. Trưởng Ban tiếp quản trường Đại học Khoa học Sài Gòn lại là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí, em Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bạn cùng dạy, cùng sinh hoạt một chi bộ với tôi trước đây khi chúng tôi là cán bộ giảng dạy của Khoa Lý – Đại học Tổng hợp Hà Nội nên mọi việc cũng thuận lợi.
Anh Thạch giúp tôi hiểu về chức năng, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa, của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (PMA), tên những người phụ trách “Cuộc Dầu hỏa”. Một tổ chức tư vấn mang tên Geocontrol đóng tại 105 Yên Đổ - Sài Gòn với những người đứng đầu đều là cổ sinh địa tầng như Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiến, Nguyễn Lân Tư, Tạ Trần Tấn, tuyệt nhiên không có người nào là địa chất – địa vật lý dầu khí. Tôi không tiếp xúc được với ai trong số trên vì tổ chức này không còn tồn tại. Ngày sau đó, tôi được đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất để xem một số thùng tài liệu có ghi tên các công ty dầu nước ngoài còn bỏ lại. Trong đống tài liệu ở Bộ Kinh tế, tôi tìm được khá nhiều tài liệu đánh giá khả năng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam của các chuyên gia nước ngoài mà ngày nay vẫn còn có ích.
Thực tập địa chất ngoài trời năm thứ nhất của nhóm sinh viên Rumani, Anbani, Việt Nam và Indonesia. Người hướng dẫn: Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Rumani G.Murgeanu (đội mũ phớt).
Bây giờ thì chúng ta biết các đánh giá của các chuyên gia nước ngoài trước 1975 chỉ căn cứ trên kết quả vài giếng khoan chủ yếu ở bể Nam Côn Sơn và tác giả của nó chưa biết gì về khả năng dầu khí của bể Cửu long (lúc đó cả 2 bể này được gộp làm một và mang tên bể Sài Gòn – Sarawak) nên phần lớn là không chính xác. Mặt khác việc quản lý của chính quyền Sài Gòn đối với các công ty dầu khí nước ngoài rất lỏng lẻo, các thông tin quan trọng từ các giếng khoan của các nhà thầu hoặc là được giữ như một bí mật của họ hoặc là cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm vì không biết tầm quan trọng của nó.
Về triển vọng vùng đồng bằng sông Cửu Long, tờ trình của ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng Cuộc trưởng ngày 29/12/1973 viết rằng: “...Với bề dày lớn của lớp trầm tích do từ hàng không (aeromagnetism) cung cấp, chuyên viên Liên hiệp quốc nhận định rằng vùng đồng bằng Cửu Long có những yếu tố thuận lợi để tìm kiếm dầu. Do đó cần có những khảo sát chi tiết hơn để có đủ điều kiện dự đoán triển vọng...”. Bên lề tờ trình còn có bút tích của ông Phạm Kim Ngọc, Bộ trưởng Kinh tế chính quyền Sài Gòn: Cấp đặc nhượng cả trong đất liền và ngoài biển cùng một lúc; Chuẩn bị ngay các thủ tục để chuẩn bị gọi thầu.
Với nội dung trên có thể thấy năm 1973 chính quyền Sài Gòn còn rất tin tưởng vào kết quả bình định, lấn chiếm vùng giải phóng cũng như sự bền vững của chế độ. Về phương diện khoa học, ngày nay ta biết các kết quả phân tích từ - trọng lực của Tiến sĩ Hồ Mạnh Trung ở đồng bằng Cửu Long là rất sai nhưng triển vọng ở phần chứa đá vôi trung sinh ở phía Tây Nam cũng như các hố sụt lún đệ tam rất sâu ở phần duyên hải phía cửa sông Tiền, sông Hậu đến nay chúng ta cũng chưa có thông tin gì mới.
Đến khoảng 7/5/1975, đoàn của ông Lê Văn Đức đến Sài Gòn. Tôi lại về với đoàn cùng với anh Sớm, anh Trung tiếp tục kiểm kê, đánh giá sơ bộ các tài liệu còn lưu giữ tại lưu trữ, trao đổi với các anh Vĩnh, Sơn cũng như những nhân viên cũ còn ở lại và tiếp tục công tác để giúp đoàn báo cáo lên Chính phủ hoạch định chủ trương tiếp theo nhằm xây dựng, phát triển nhanh ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng các quan chức cũ của Tổng cuộc Dầu hỏa rất ngỡ ngàng khi làm việc với chúng tôi. Lúc đầu họ nghĩ rằng chúng tôi là những người lính hòa nhã, dễ mến nhưng chẳng biết gì về chuyên môn của họ. Tổ chức quản lý dầu khí của chính quyền Sài Gòn về danh nghĩa thì rất đồ sộ (Ủy ban Quốc gia, Hội đồng Quản trị Quốc gia, Tổng cuộc,...) nhưng số lượng cán bộ chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay và công việc của họ mới là quản lý hành chính lại chưa toàn diện, đồng bộ cho nên họ chưa có điều kiện đi sâu vào quản lý kỹ thuật – kinh tế. Cũng vì thế mà chủ trương, chính sách đối với dầu khí còn hết sức mông lung.
Về phần chúng tôi, nhờ thấm nhuần chính sách đoàn kết của Bác Hồ, hoàn toàn không có một thái độ phân biệt đối xử nào đối với các nhân viên chế độ cũ và nói chung trong bất cứ một con người Việt Nam nào cũng có lòng yêu nước nên chỉ sau một thời gian ngắn mọi người đều hòa hợp với nhau và công việc triển khai không gặp khó khăn gì đáng kể.
Suốt tháng 5/1975, chúng tôi làm việc rất hăng say và nắm gần như đầy đủ các thông tin về dầu khí ở phía Nam có đến lúc ấy, kể cả ý đồ xây dựng căn cứ dịch vụ, nhà máy lọc dầu ở Vũng Tàu, Côn Đảo, tình hình cảng Nhà Bè cũng như tình hình phân phối sản phẩm dầu, khí hóa lỏng (LPG) trên thị trường Miền Nam.
Tình hình chính trị, an ninh ngày càng ổn định. Nhưng cũng có những đêm chúng tôi ngủ tại nhà của một tướng Sài Gòn, Bộ trưởng chiêu hồi, nơi hiện nay là nhà khách của Bộ Công Thương, nửa đêm phải sơ tán vì có tin dưới nhà còn có hầm ngầm mà ta chưa biết có còn lực lượng quân đội Sài Gòn ngoan cố nào còn sống dưới đó không. Về sinh hoạt, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc sống của thời chiến. Sống giữa Sài Gòn đầy hàng hóa chứ không thiếu thốn như ở Miền Bắc nhưng bữa cơm chỉ có canh rau muống với mì chính, cá con kho mặn, thỉnh thoảng mới có mỡ xào rau. Tối vẫn ngủ võng và địa điểm thì luôn thay đổi. Không có tiền bạc phụ cấp nên không hề biết mùi vị các loại thức ăn hay hoa quả đặc sản của miền Nam và cũng chẳng mua thứ gì cho vợ con, gia đình, bè bạn. Cuối tháng 5, chúng tôi chuyển ra ở khách sạn Continental và mới bắt đầu có chế độ ăn uống tương đối ổn định nhưng vẫn còn rất thanh đạm. Ở đây chúng tôi còn phát hiện một khẩu súng lục bỏ ngoài cửa sổ, dấu tích của những ngày hoảng loạn cuối cùng của các sĩ quan chính quyền Sài Gòn hoặc nước ngoài.
Đầu tháng 7/1975 tôi trở ra Bắc bằng đường bộ cùng với đoàn của Bộ Công an và có dịp ngắm nhìn non sông gấm vóc liền một dải sau những hy sinh mà cả dân tộc phải chịu đựng để giành lại độc lập, tự do từ những thế lực đế quốc, thực dân sừng sỏ nhất trên thế giới. Không lâu sau ngày Tổ quốc thống nhất, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, tiền thân của Petrovietnam được thành lập, mở đầu một trang sử mới rất hào hùng của ngành dầu khí Việt Nam.
Sắp tới, chúng ta sẽ kỷ niệm trọng thể 50 năm thành lập Petrovietnam. Những kỷ niệm trên đây là một món quà tặng các thế hệ trẻ để mọi người thấy rằng trong cuộc chiến đấu giải phóng Miền Nam, các nhà lãnh đạo của nước ta không phải chỉ lo giải quyết các vấn đề quân sự mà quan tâm rất toàn diện, chú ý đến việc phục hồi, xây dựng kinh tế, xây dựng đội ngũ chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới không kém phần ác liệt nhằm xóa bỏ nghèo nàn, tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giành lại phần thời gian bị các thế lực đen tối, thù địch cướp đi trong quá khứ. Trong cuộc chiến đấu này, lớp người đi trước hoàn toàn tin tưởng vào tài năng, ý chí của thế hệ tiếp nối hiện tại và tương lai. Chắc chắn rằng Petrovietnam sẽ xuất hiện nhiều anh hùng trong một thời đại mới.
Trên tàu khoan Tam Đảo
Trời mênh mông
Biển mênh mông
Những giàn khoan rực rỡ cờ hồng
Đứng kiêu hãnh và tràn đầy trí tuệ
Những dòng dầu thẳm sâu lòng đất mẹ
Tuôn trào lên miên man.
Đàn cá heo nhào lộn hân hoan
Quanh bóng tháp khoan tàu Tam Đảo
Nắng sớm, sương chiều sao mà kỳ ảo
Trăng đêm tròn mắt ngọc, biển long lanh
Điện bừng lên. Đảo nổi đẹp như tranh
Mùi mực nướng pha thêm hương dầu khí
Những kỹ sư thông minh, chăm chỉ
Đọc từng trang sử đá xa xưa
Những công nhân dầu dãi nắng mưa
Cần mẫn ngày đêm gọi dòng, điều áp
Đem hết tim mình hiến dâng Tổ quốc
Xây vinh quang trên sóng Thái Bình Dương
Xóa đói nghèo, lạc hậu, đau thương
Để đất nước vươn vai Phù Đổng
Tiếp bước cha anh điểm tô cuộc sống
Dân chủ, văn minh, hạnh phúc, tự do.
Đảo Côn Sơn một vệt xa mờ
Bao liệt sĩ đang vẫy tay trìu mến
Chào Bạch Hổ, chào Rồng, chào Tương lai đang đến
Chào bạn bè Xô Viết
Chào PetroVietnam
Niềm tự hào hòa sóng biển trào dâng.
Buồng 519 – Tàu Tam Đảo cùng Kỹ sư trưởng Trofimov
Đêm 23/5/1991
Cố PGS.TS Trần Ngọc Toản
Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam