Về Bảo tàng Lịch sử Quân sự, cùng dòng người ngược dấu xưa

Về Bảo tàng Lịch sử Quân sự, cùng dòng người ngược dấu xưa
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 1/5, hàng ngàn người dân, du khách đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội). Không gian từ sân trước tới khu trưng bày đều chật kín, tạo nên một “dòng người về nguồn” giữa những ngày lễ thiêng liêng của dân tộc.
Bên trong bảo tàng, dòng người chật kín từng lối đi. Từ không gian trưng bày thời kỳ dựng nước, lịch sử hiện về sống động trong bước chân hậu thế.
Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 treo trang trọng trên cao cùng nhiều hiện vật lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam.
Xe tăng T-54B số hiệu 843, một trong 2 chiếc xe từng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 được trưng bày trang trọng tại bảo tàng, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan, chụp ảnh. Biểu tượng thép này hiện là Bảo vật quốc gia, vệt bánh xích sống động nhất còn lại từ chiến thắng lịch sử.
Một du khách nước ngoài ghi lại hình ảnh xe tăng 843 như một cách lưu giữ ký ức về ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Dù thời gian đã qua gần nửa thế kỷ, biểu tượng này vẫn khiến cả thế giới phải dừng lại, chiêm ngưỡng và suy ngẫm.
Ba thế hệ trong một gia đình cùng khoác lên mình màu cờ đỏ sao vàng, trang nghiêm và rạng rỡ trong chuyến về nguồn tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhân dịp lễ 30/4 - 1/5.
Trong sắc đỏ rực rỡ, bé gái được bố đưa đi tham quan bảo tàng trong ngày lễ lớn. Gương mặt vẽ quốc kỳ, chiếc nón lá cách điệu cùng ánh mắt tò mò là hình ảnh trong trẻo, đầy tự hào của một thế hệ đang lớn lên cùng lịch sử dân tộc.
Diện bộ quân phục màu xanh cùng lá cờ nhỏ trên tay, em bé như “chiến sĩ tí hon” đồng hành cùng bố mẹ trong hành trình về nguồn. Hình ảnh giản dị nhưng xúc động giữa không gian lịch sử hào hùng.
Trong kỳ nghỉ lễ, nhiều gia đình lựa chọn đưa con em đến bảo tàng để ngược dòng thời gian, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà (ngoài cùng bên trái), cán bộ Học viện Quân y, chia sẻ: "Tôi đưa các con đến bảo tàng không chỉ để tham quan, mà còn để các con cảm nhận được lịch sử của dân tộc. Những hiện vật và câu chuyện ở đây giúp các con hiểu hơn về những hy sinh, nỗ lực của cha ông, từ đó trân trọng hơn những gì mình đang có hôm nay”.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lưu (88 tuổi, Phú Thọ), bố của Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà, chiến đấu tại Quảng Trị, trong kỳ nghỉ lễ đã từ Phú Thọ tới Hà Nội cùng các con. Ông chia sẻ: "Chuyến thăm bảo tàng này không chỉ để ôn lại ký ức chiến đấu của tôi, mà còn là dịp để tôi nhắc nhở các con, các cháu về những hy sinh mà thế hệ đi trước đã bỏ ra để giành lại tự do, độc lập cho đất nước. Tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ rằng hòa bình không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của biết bao gian khổ và sự hy sinh vô bờ bến”.
Lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, vợ chồng ông Hồ Viết Nam (60 tuổi) và bà Hờ Thị Cúc (56 tuổi, Nghệ An) xúc động trước những hiện vật sống động về chiến công của quân và dân ta. “Chúng tôi thật sự ấn tượng, như được tận mắt thấy lại lịch sử đã từng học qua sách vở”, ông bà chia sẻ.
Dịp lễ 30/4 - 1/5, nhiều bạn trẻ tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tham quan, ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa và hiểu sâu hơn về những trang sử hào hùng của dân tộc.
Lê Kiều Trang (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) cùng nhóm bạn đến bảo tàng trong dịp nghỉ lễ. Cô chia sẻ: "Được tận mắt thấy hiện vật, em hiểu sâu hơn về hy sinh của cha ông. Sau này khi đứng lớp, em sẽ kể cho học sinh bằng cảm xúc thật, không chỉ từ sách vở”.
Nguyễn Hải
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ve-bao-tang-lich-su-quan-su-cung-dong-nguoi-nguoc-dau-xua-385710.html