Ký ức miền Nam của những người lính an ninh trên quê hương Xô Viết

Ký ức miền Nam của những người lính an ninh trên quê hương Xô Viết
5 giờ trướcBài gốc
Tiếp lửa cho chiến trường miền Nam
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về cơ cấu tổ chức, Ty Công an Nghệ An cơ bản đã được sắp xếp, bố trí theo Quyết định số 132/CPHĐCP ngày 29/9/1961. Với tổng biên chế năm 1965 (năm đầu của chiến tranh phá hoại) là 486 cán bộ, chiến sĩ. Do vị trí, đặc điểm của địa bàn vừa là hậu phương trực tiếp, vừa là trạm trung chuyển nguồn nhân lực, vật lực... của miền Bắc XHCN cho chiến trường miền Nam, vì vậy, Nghệ An là một trong một trong những địa bàn trọng điểm của cuộc chiến tranh phá hoại.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, lực lượng Ty Công an Nghệ An vừa đảm bảo an ninh, trật tự, tổ chức công tác bảo mật, phòng gian, góp phần xây dựng, bảo vệ chính quyền, khôi phục kinh tế; đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Chủ động phát hiện, bóc gỡ nhiều mạng lưới gián điệp và nội gián do kẻ địch cài lại nhằm thực hiện mưu đồ phá hoại và gây rối nội bộ ta; phối hợp với các lực lượng đảm bảo giữ yên biên giới, làm tan rã các nhóm đối tượng phỉ, phản động, bạo loạn ở miền núi...
Lãnh đạo Ty Công an Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ trước khi lên đường chi viện cho An ninh miền Nam.
Bên cạnh đó, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Công an Nghệ An còn phối hợp với các ngành, các cấp trong việc vận chuyển vũ khí, tài liệu, nhu yếu phẩm vào Nam qua các tuyến đường chiến lược như đường Trường Sơn, đường biển... góp phần đảm bảo hậu cần cho chiến trường miền Nam.
Đồng thời, Công an Nghệ An đã tích cực chi viện sức người cho chiến trường miền Nam. Mặc dù, hằng năm Công an Nghệ An đều phải xin Bộ Công an bổ sung biên chế nhưng vẫn hết sức chú ý đến nhiệm vụ chi viện cho An ninh miền Nam, bởi đó không chỉ là chỉ tiêu pháp lệnh mà còn là trách nhiệm tự thân, là nhu cầu tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh nhà. Từ mảnh đất Xô Viết anh hùng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ưu tú Công an Nghệ An đã tình nguyện rời quê hương, hăng hái khoác ba lô lên đường vượt Trường Sơn vào Nam công tác, chiến đấu trên các mặt trận ác liệt như Bình Trị Thiên - Huế, Tây Nguyên, Nam Bộ... Họ là những người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, mang theo lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường, ý chí chiến đấu sắt đá cùng sự đoàn kết gắn bó giữa hai miền Nam - Bắc. Trong số cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam có hai đồng chí là Phó trưởng Ty, hàng chục đồng chí là trưởng, phó ban, phòng, công an các huyện, thị xã... đến nhận công tác tại các ban an ninh từ tỉnh xuống tận cơ sở thuộc các tỉnh từ Bình Trị Thiên đến Cà Mau và Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nắm bắt tình hình thực tế ác liệt của chiến trường miền Nam luôn đòi hỏi cán bộ an ninh phải bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí và quyết tâm chịu đựng khó khăn, gian khổ thì còn phải có kiến thức và trình độ nghiệp vụ chuyên môn sắc sảo để vận dụng vào thực tế công tác và chiến đấu ở chiến trường... Vì thế, lãnh đạo Ty coi việc đào tạo, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị và trình độ nghiệp vụ chuyên môn là việc làm then chốt, có ý nghĩa sống còn. Ngoài việc cử cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng do Bộ Công an tổ chức và triệu tập theo định kỳ hoặc đột xuất, lãnh đạo Ty Công an Nghệ An còn thường xuyên tổ chức tập huấn, mở các lớp đào tạo ngắn hạn với những kiến thức cơ bản mang tính tác nghiệp cụ thể cho số cán bộ, chiến sĩ nằm trong dự kiến được chi viện cho chiến trường miền Nam qua từng đợt, trước khi có lệnh lên đường.
Cán bộ, chiến sĩ Ty Công an Nghệ An chi viện cho An ninh miền Nam chụp ảnh lưu niệm trước lúc lên đường, năm 1965.
Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, các cán bộ, chiến sĩ tham gia chi viện chiến trường miền Nam đã phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, kiên trì, dũng cảm, lăn lộn với phong trào, gắn bó với nhân dân, với địa bàn, giữ đất, giành dân, thích nghi với cuộc sống chiến trường; không sợ khó khăn, gian khổ, dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu. Tính từ năm 1962-1975, Ty Công an Nghệ An chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào 441 cán bộ, chiến sĩ (cả lực lượng CAND vũ trang).
Trong các năm từ 1962-1975, tổng số cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam chiếm tỷ lệ trên 66% so với tổng biên chế hằng năm của Ty Công an Nghệ An. Số cán bộ hy sinh tại chiến trường miền Nam nhiều gấp 6,3 lần số cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An hi sinh trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại Nghệ An.
Viết tiếp bản hùng ca quê hương Xô Viết anh hùng
Trong số hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ty Công an Nghệ An chi viện cho An ninh miền Nam, 63 đồng chí đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ an toàn cho mạng lưới cơ sở cách mạng. Máu của các anh đã hòa vào đất, nêu gương sáng cho lịch sử truyền thống của Công an Nghệ An; được đồng bào miền Nam ruột thịt mãi mãi ghi nhớ, kính phục như các đồng chí: Bùi Huy Giáp, Đỗ Ngọc Huyền, Nguyễn Đức Thung, Lưu Xuân Hội, Trần Minh Viễn, Trần Thanh Hồng...
Trong những năm 1965-1967, trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước đồng minh vào miền Nam Việt Nam, liên tiếp mở 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhằm “tìm diệt” quân Giải phóng cùng cơ quan đầu não lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam và “bình định” miền Nam. Trước tình hình trên, cùng với đồng đội, đồng chí Bùi Văn Giáp (sinh năm 1927, quê quán tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu) đã tình nguyện xung phong và được lãnh đạo Ty Công an Nghệ an cử chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng chí Giáp được tăng cường chi viện cho chiến trường TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), giữ chức vụ Ủy viên Ban An ninh Trung-Nam Bộ, kiêm Trưởng Phòng An ninh khu 8. Tại đây, đồng chí lấy bí danh Vũ Thanh Lâm, thường gọi là Ba Lâm.
Khoảng 4 giờ ngày 29/1/1968 (tức 1/1 Tết Mậu Thân) đồng chí Giáp cùng 2 đồng chí cán bộ an ninh trong đơn vị trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại TP Mỹ Tho. 11 giờ cùng ngày, 3 đồng chí trở về hầm bí mật, khi đi qua cánh đồng tại ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho thì bị địch phát hiện. Chúng cho máy bay trực thăng chở quân xuống địa bàn ấp Mỹ Lương và vùng lân cận tổ chức càn quét, lùng sục, vây bắt ráo riết.
Biết đã bị lộ, 3 đồng chí quyết định mỗi người chạy một hướng để đánh lạc hướng địch. Tuy nhiên, 2 đồng chí đã bị địch phát hiện và giết hại dã man. Đồng chí Giáp chạy về hướng có hầm bí mật, nhanh chóng đốt hết tài liệu và chiến đấu với đám lính càn quét, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau 30 phút anh dũng chiến đấu, khi súng đã hết đạn, đồng chí Giáp bị địch bắt. Kẻ thù đã tra tấn hết sức dã man, tàn bạo nhưng đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết cách mạng, không chịu khai báo, đầu hàng. Địch đã dùng báng súng đánh chết và vứt xác đồng chí lên gò đất, gần nơi hầm bí mật, không cho chôn cất để uy hiếp nhân dân và những người nuôi giấu cán bộ.
Đồn Công an đường sắt ga Vinh tuần tra bảo vệ các chuyến tàu quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1972.
Tối cùng ngày, nhân dân mới tìm được xác đồng chí Giáp, đề phòng địch phát hiện, đã bí mật chôn cất đồng chí, không để lại dấu vết bằng cách san bằng mộ. Gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của đồng chí Ba Lâm đã để lại cho đồng chí, đồng đội, nhân dân xã Mỹ Phong niềm tiếc thương sâu sắc. Với những chiến công anh dũng trên, năm 2001 đồng chí Giáp được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập. Năm 2007, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và Công an tỉnh Tiền Giang, gia đình đã tìm được mộ và đưa hài cốt liệt sĩ Giáp về an táng tại nghĩa trang TP Vinh, sau 39 năm an nghỉ nơi mảnh đất mà đồng chí đã sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Hay, như tấm gương đồng chí Đỗ Ngọc Huyền (sinh năm 1937) - cán bộ Công an TP Vinh. Tháng 5/1968, đồng chí Huyền đã tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam, giữ chức vụ Phó Ban An ninh huyện Quảng Điền. Ngày 7/10/1970, đồng chí Huyền đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xây dựng, móc nối với cơ sở bí mật tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền thì bị lộ, do nội gián mật báo quân địch. Kẻ thù đã cho quân bao vây lục soát, phát hiện ra hầm bí mật. Nhằm bắt sống đồng chí Huyền để khai thác và khuếch trương thanh thế, địch dùng loa kêu gọi đầu hàng và hứa hẹn nhiều ân huệ. Tuy nhiên, đồng chí Huyền đã không hề nao núng, dũng cảm chiến đấu bằng các vũ khí có sẵn (súng, lựu đạn...) đến viên đạn cuối cùng và chấp nhận hi sinh, kiên quyết không đầu hàng địch.
Cay cú trước tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Huyền, tên tỉnh trưởng Thừa Thiên - Huế lúc đó đã đến thị sát tình hình, hèn hạ trả thù bằng cách ra lệnh cho đào mộ đưa xác đồng chí Huyền lên phơi 3 ngày đêm tại khu chợ trung tâm của xã Quảng Phước (nay là thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) để uy hiếp, đe dọa quần chúng nhân dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, gần 1/2 cán bộ, chiến sĩ chi viện đã tình nguyện ở lại các tỉnh phía Nam tiếp tục công tác. Nhiều đồng chí đã trưởng thành và được đề bạt giữ các chức vụ lãnh đạo công an tỉnh đến các ban, phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, thị xã... Có thể nói, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ty Công an Nghệ An đã góp phần quan trọng, cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những cống hiến to lớn ấy, Công an Nghệ An vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 10 đơn vị và 4 cá nhân.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng hình ảnh những người chiến sĩ công an ngoan cường, bất khuất năm xưa vẫn vẹn nguyên trong ký ức dân tộc. Những đóng góp thầm lặng của các anh đã tô thắm thêm truyền thống hào hùng, niềm tự hào bất diệt của quê hương Nghệ An giàu truyền thống cách mạng, trong trang sử ngành CAND và trong dáng hình của một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình hôm nay...
Phạm Thủy
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/ky-uc-mien-nam-cua-nhung-nguoi-linh-an-ninh-tren-que-huong-xo-viet-i767050/