Kỹ thuật can thiệp bào thai để nâng chất lượng dân số

Kỹ thuật can thiệp bào thai để nâng chất lượng dân số
18 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp thực hiện đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi ngay tại phòng sinh. Ảnh: BVCC.
Vừa qua, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh cho em bé bị tim bẩm sinh nặng, được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III từ trong thai kỳ.
Sản phụ N.T.L (Hà Tĩnh) ở tuần 20 của thai kỳ được phát hiện thai nhi có bất thường về tim. Tim của thai nhi thường đập khoảng 120-160 lần mỗi phút, nhưng tim của thai chỉ khoảng 30-40 nhịp/phút. Đây là một tình trạng block nhĩ thất độ III rất nguy hiểm.
Chị L. tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Qua hội chẩn, TS.BS Đinh Thúy Linh - Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) nhận định, thai nhi có tiên lượng nặng, tim to, có tình trạng block nhĩ thất cấp III, nhịp thất chậm 30-40 lần/phút. Với tình trạng bệnh rất nặng, sản phụ được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 để theo dõi sát sao tình trạng thai nhi.
Mặc dù khoảng cách địa lý giữa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương rất ngắn, nhưng nhưng với tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của bé, việc chuyển viện ngay sau sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể dẫn đến tình trạng trụy tuần hoàn, suy tim, thậm chí tử vong. Nhận định rõ tính cấp thiết của vấn đề, với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết. Các bác sĩ của cả hai bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để thực hiện ca phẫu thuật một cách an toàn và hiệu quả.
Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thực hiện ca mổ lấy thai, em bé nặng 2.800g cất tiếng khóc chào đời. Ngay khi cất tiếng khóc, nhịp tim của em bé rất thấp 30-35 lần/phút. Ngay lập tức, êkip phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim cho em bé. Sau những phút giây căng thẳng, máy tạo nhịp tim đã được đặt thành công. Tình trạng của em bé dần ổn định, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau sinh 1 tháng, trẻ đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn và sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Đây là ca bệnh thứ hai thành công với sự phối hợp Sản - Nhi để đặt máy tạo nhịp tim ngay sau sinh. Trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có kết quả rất khả quan, em bé hiện được 11 tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh. Điều này cho thấy, sự tiến bộ của y học đã mang đến những hi vọng mới cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.
Thời gian qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nói riêng và ngành sản – phụ khoa nước ta nói chung đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và can thiệp bào thai, nhiều chuyên gia y tế lạc quan cho rằng, tương lai của lĩnh vực sản khoa tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang đến những giải pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho một thế hệ khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Mới đây, TS.BS Mai Trọng Hưng - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thông tin, bệnh viện đang có đề tài nghiên cứu xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện quy trình can thiệp trước sinh thoát vị cơ hoành bẩm sinh (CDH) bằng kỹ thuật gây bít khí quản qua nội soi thai nhi tại bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu sẽ lựa chọn 15 sản phụ được chẩn đoán CDH bẩm sinh tham gia trong thời gian từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2027.
“Phẫu thuật nội soi thai nhi, đặc biệt là can thiệp trước sinh bằng phương pháp nội soi qua da (FETO), đã nổi lên như một can thiệp đầy hứa hẹn cho CDH nặng và trung bình. Mặc dù còn nhiều thách thức, các tiến bộ liên tục đang hứa hẹn mang lại kết quả cải thiện. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng được quy trình kỹ thuật gây bít khí quản qua nội soi thai nhi điều trị thoát vị cơ hoành bẩm sinh tại bệnh viện trên địa bàn Hà Nội” - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết.
TS.BS Phan Thị Huyền Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội lý giải, CDH là dị tật bẩm sinh với tỷ lệ gặp khoảng 1/2200 thai kỳ. Đây là một khiếm khuyết ở cơ hoành do màng khoang ngực bụng đóng không hết khi 9-10 tuần, các tạng tiêu hóa lên khoang ngực, gây ra tình trạng thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi gây ra tình trạng suy hô hấp và tỷ lệ tử vong cao.
Theo BS Thương, có khoảng 30-50% trường hợp bào thai bị thoát vị hoành bẩm sinh được đình chỉ thai trước 24 tuần, tỷ lệ sống trung bình là 37,7%. Nếu trẻ chào đời, tình trạng này sẽ gây di chứng lâu dài cho trẻ sống như phụ thuộc oxy, hen, giãn phế quản... Việc điều trị sau sinh có hiệu quả kém và trẻ có di chứng kéo dài do tình trạng thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi, đặc biệt với trường hợp thoát vị hoành trung bình và nặng. Do đó, việc can thiệp trước sinh bằng phương pháp nội soi qua da (FETO) được xem là một can thiệp đầy hứa hẹn cho trường hợp CDH nặng và trung bình.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ky-thuat-can-thiep-bao-thai-de-nang-chat-luong-dan-so-10297360.html