'Kỳ tích vùng cao' từ ngôi trường nội trú Nậm Pồ

'Kỳ tích vùng cao' từ ngôi trường nội trú Nậm Pồ
8 giờ trướcBài gốc
Bứt phá ngoạn mục
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường PTDTNT THPT Nậm Pồ có 104/104 học sinh cuối cấp dự thi và đỗ tốt nghiệp. Điểm trung bình các môn thi đạt 6,68, tăng 0,25 điểm so với năm trước, đưa trường bứt phá từ vị trí thứ 9 (kỳ thi năm 2024) lên hạng 3 trong xếp hạng trung bình thi toàn tỉnh, chỉ sau 2 ngôi trường có bề dày truyền thống là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (7,11 điểm) và Trường Phổ thông DTNT tỉnh (6,97 điểm). Trường là một trong số ít cơ sở giáo dục vừa tăng điểm trung bình thi vừa tăng thứ hạng.
Biểu đồ do nhà trường cung cấp.
Không chỉ vậy, Trường ghi nhận 2 bài thi điểm 10 và 7 điểm 9,75. Toàn trường có hơn 70% học sinh đạt tổng 3 môn (tổ hợp xét tuyển đại học) từ 21 điểm, trong đó khoảng 30% đạt 24 điểm trở lên, cao nhất là 28 điểm. Thầy Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng nhà trường tự hào chia sẻ: “Kết quả thi năm nay vượt trên cả kỳ vọng. Cả thầy và trò cùng tưng bừng niềm vui”.
Em Lường Thị Ngọc Tình, lớp 12C1 vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc vỡ òa vui sướng khi tra cứu điểm thi. Tổ hợp C00 mà em dự định xét tuyển đại học có điểm Ngữ văn 8,75, Lịch sử 8,75, Địa lý 9,5. Ngọc Tình cho biết: “Kết quả này gần đúng như những gì em đã tính toán sau khi thi, có môn Ngữ văn là cao hơn mong đợi và những lần thi thử”. Với điểm thi trên, Ngọc Tình tự tin nộp nguyện vọng vào Đại học Sư phạm Hà Nội, chạm gần hơn đến ước mơ trở thành cô giáo vùng cao.
Những thành tích trên của học sinh nói riêng, nhà trường nói chung là kết quả của cả 3 năm dạy và học kiên trì, nỗ lực. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Tập cho biết: “Kết quả bứt phá nhưng không hề bất ngờ đối với nhà trường. Chúng tôi đã dự đoán được từ trước bởi cả quá trình chuẩn bị cho kỳ thi hết sức chu đáo và kỹ lưỡng. Các lần thi thử do trường tổ chức luôn cho kết quả lần sau cao hơn lần trước. Tại kỳ thi thử cuối cùng do Sở chủ trì, trường cũng xếp hạng 4 toàn tỉnh”. “Bí quyết” để bứt phá của trường là một mùa ôn thi quyết liệt và một môi trường giáo dục đầy yêu thương, trách nhiệm.
“Công thức” cải thiện điểm số
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018 với cấu trúc đề thi thay đổi, có các dạng câu hỏi mới. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, trường đã chú trọng học đến đâu chắc đến đấy, ôn thi theo mô hình phân hóa, sát trình độ từng nhóm học sinh. Trọng tâm được đặt vào các tổ hợp môn có lợi thế, giúp học sinh tối ưu hóa điểm số.
Trường chú trọng học đến đâu chắc đến đấy, ôn thi theo mô hình phân hóa, sát trình độ từng nhóm học sinh.
Trường phát động và triển khai sôi nổi kế hoạch “70 ngày bứt phá – chinh phục Kỳ thi” từ đầu tháng 4, với khung thời gian học tập được lên kế hoạch cụ thể theo từng tuần, từng giai đoạn. Học sinh tập trung tối đa cho môn thi, các chủ đề trọng điểm, đồng thời làm quen với đề thi bám sát định hướng mới của Bộ GD&ĐT.
Lịch sử là một trong các môn tự chọn có đông học sinh đăng ký dự thi và đạt điểm cao nhất của trường. Điểm trung bình môn Lịch sử đạt 7,75, tăng vượt trội 1,27 điểm so với năm trước, xếp thứ 2 toàn tỉnh. Năm học trước điểm trung bình môn thi này của trường đạt 6,48 điểm. Năm nay lần đầu thi theo chương trình mới, lại có một số dạng đề khác trước, chưa rõ xu hướng, độ khó. Vậy nên ban đầu, nhà trường chỉ đặt mục tiêu điểm trung bình môn Lịch sử là 6,5. Kết quả vượt xa mong đợi.
Để đạt được mức điểm ấy, cô Hoàng Thị Huệ, giáo viên môn Lịch sử, trực tiếp ôn thi cho các em chia sẻ: “Yếu tố đầu tiên là sự nỗ lực học tập của học sinh. Hầu hết các em đều chăm chỉ, chủ động tự học và hoàn thành đầy đủ các yêu cầu cô đưa ra. Về phía giáo viên, chúng tôi không ngừng tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu kỹ nội dung, hình thức đề thi để có thể hướng dẫn sát thực tế, đúng hướng cho học sinh. Cũng từ đó xây dựng kế hoạch và phương pháp giảng dạy chặt chẽ, bám sát năng lực học sinh và định hướng đề thi”.
Theo đó, ngay từ đầu năm học, cô Huệ đã chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, mỗi chủ đề đều có bài tập rèn luyện tương ứng. Cô thiết kế các bài tập, câu hỏi dựa trên dạng đề thực tế, phân loại theo nhóm học lực để giao nhiệm vụ phù hợp. Sau đó, kiểm tra việc thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm.
Học sinh nỗ lực, thầy cô tận tâm là "công thức" thành công của Nhà trường.
Cùng với trang bị kiến thức vững vàng cho học sinh, cô Huệ cùng các thầy cô ôn thi học sinh cuối cấp nói riêng, nhà trường nói chung còn có phương pháp động viên, tiếp sức cho học sinh một cách tích cực và hiệu quả, để các em tự tin bước vào kỳ thi với nỗ lực cao nhất.
Khích lệ kịp thời - “liều thuốc tinh thần”
Trường Phổ thông DTNT huyện Nậm Pồ có một “văn hóa động viên” đặc biệt – không đợi đến khi có thành tích xuất sắc mới tuyên dương, mà ghi nhận cả những bước tiến nhỏ của học sinh yếu, miễn là các em có sự cố gắng.
Trong suốt năm học, đặc biệt là đợt ôn thi nước rút, giáo viên cùng ban giám hiệu thường xuyên trực tiếp đến lớp hoặc khu nội trú trò chuyện, gặp gỡ, động viên học sinh, khen thưởng học sinh có tiến bộ. “Có em từ điểm 3 lên được 5, chúng tôi cũng tuyên dương công khai, để các em khác thấy rằng nỗ lực nào cũng đáng được ghi nhận” – Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
Những ngày gần sát kỳ thi, Hiệu trưởng gửi “tâm thư” cho các sĩ tử, nhắn nhủ “Thầy biết rằng lúc này các em đang mang trong mình bao lo toan, hồi hộp, kỳ vọng và cả những áp lực. Nhưng thầy muốn các em hãy bình tâm lại, hít thở thật sâu và tự nhủ “Mình đã cố gắng rồi, và mình sẽ làm được”... Hãy sử dụng thời gian còn lại một cách thông minh, tuyệt đối đừng lãng phí cho những việc vô nghĩa, càng không so sánh hay hoài nghi bản thân. Mỗi em là một ngôi sao riêng biệt, có con đường riêng để tỏa sáng...”
Trường tổ chức gặp mặt động viên, "thưởng nóng" cho học sinh trước Kỳ thi.
Nhắc đến thầy cô, em Lường Thị Ngọc Tình rất biết ơn và trân trọng. Nhà Tình ở cách trường 60km, từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4, em ở lại trường cho đến khi thi xong, thầy cô thay cha mẹ chăm lo, khích lệ em trước ngưỡng cửa quan trọng. “Mỗi ngày lên lớp thầy cô đều động viên chúng em cố gắng ôn luyện. Cách mấy ngày, các thầy trong Ban giám hiệu lại đến tận lớp hỏi han, quan tâm, nhắc nhở chúng em giữ gìn sức khỏe, vững tin hơn nữa. Chính điều đó khiến em nỗ lực phấn đấu giành điểm tốt” – Tình chia sẻ.
Không chỉ động viên “suông”, thầy cô Trường Phổ thông DTNT Nậm Pồ còn tự bỏ tiền túi “treo thưởng” học sinh đạt điểm cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp, từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng mỗi mức điểm. Dự kiến cá nhân thầy hiệu trưởng cũng trích hơn nửa tháng lương để thưởng học sinh, với lời động viên – lời hứa mỗi điểm 10 thưởng 1 triệu đồng, điểm 9,75 thưởng 700.000 đồng... Đây không chỉ là phần thưởng vật chất mà còn là sự công nhận kịp thời nỗ lực của các em, tiếp thêm động lực phấn đấu cho chính các em và học sinh khóa sau của trường.
Là ngôi trường nội trú đóng trên địa bàn biên giới, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn, thầy cô Trường Phổ thông DTNT Nậm Pồ thay phụ huynh chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh, đồng hành sát sao trong cả học tập lẫn đời sống. Mặc dù các em đều đã tốt nghiệp, nhưng giai đoạn này Nhà trường vẫn tiếp tục cử giáo viên tư vấn, hướng dẫn, định hướng cho các em điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào các trường đại học phù hợp với kết quả đạt được.
Kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là một cột mốc quan trọng, ghi nhận bước tiến vượt bậc về chất lượng giáo dục ngôi Trường Phổ thông DTNT huyện Nậm Pồ non trẻ (đi vào hoạt động 7 năm, 5 khóa học sinh tốt nghiệp). Song, niềm vui ấy không dừng lại ở những con số. Đó còn là động lực, là niềm tin để học sinh dân tộc thiểu số nơi vùng biên thêm khát vọng vươn cao. Và từ nơi bản làng xa xôi, những ước mơ được chắp cánh…
Nguyễn Hiền
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/giao-duc/ky-tich-vung-cao-tu-ngoi-truong-noi-tru-nam-po