Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, em Phan Thị Hà - nữ sinh dân tộc Thái đã xuất sắc đạt điểm xét tốt nghiệp 8,36, trong đó 3 môn khối C00 đạt 27,5 điểm (Văn 9; Sử 9,25; Địa 9,25), trở thành thủ khoa toàn trường. Đây được coi là thành tích hiếm có của Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh.
Không chỉ đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp Quốc gia, Hà còn là một học sinh học giỏi toàn diện, là tấm gương, truyền cảm hứng cho các học sinh dân tộc thiểu số ở trường noi theo. Bởi đằng sau thành tích học tập đáng nể của Hà là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nữ sinh này. Em đã vượt khó để chạm tay gần hơn với ước mơ là trở thành một cô giáo.
Nữ sinh dân tộc Thái Phan Thi Hà với thành tích học tập ấn tượng, em đạt 27,5 ở khối C00. Ảnh: NVCC
Phan Thị Hà trú thôn 2, xã Hương Bình, tỉnh Hà Tĩnh, bố mẹ là nông dân, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài mấy sào ruộng, bố em quanh năm lên rừng mưu sinh, mẹ đi giúp việc, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ, nuôi chị em Hà ăn học.
Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ngay từ nhỏ, Hà xác định chỉ có việc học mới thay đổi được số phận. Em quyết tâm học hành chăm chỉ với ước mơ trở thành một cô giáo để có thể quay về gieo chữ cho những em nhỏ ở nơi bản làng mình sinh ra.
Hà cho biết, từ năm lớp 6 em đã vào Trường THCS & THPT dân tộc nội trú tỉnh để học tập. Con đường từ nhà đến trường heo hút, xa xôi nên em phải xa bố mẹ, học cách tự lập.
“12 tuổi em đã xa nhà vào học ở trường, không có bố mẹ bên cạnh chăm sóc, nhiều lúc em rất tủi thân. Biết hoàn cảnh gia đình mình đang khó khăn, bố mẹ phải đi làm thuê vất vả nên em phải tự chăm sóc bản thân, tự cố gắng học tập”, Hà tâm sự.
Trong những năm tháng học THCS và THPT ở Trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh, Hà được nhiều giáo viên nhận xét là một học sinh ham học, chăm chỉ. So với nhiều học sinh khác, Hà nổi bật với sự thông minh, nhanh nhẹn.
Hà vượt khó trong học tập nên suốt nhiều năm học qua, em là học sinh giỏi toàn diện, là một bí thư chi đoàn năng nổ, trách nhiệm suốt 3 năm THPT, đi đầu trong các hoạt động phong trào.
Phan Thị Hà sôi nổi trong các hoạt động đoàn, đội của trường. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, Hà từng được trao học bổng Vallet (học bổng do Tổ chức Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam cùng Giáo sư Odon Vallet tài trợ, dành cho học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc); đạt giải Ba cuộc thi “nét đẹp nữ sinh dân tộc thiểu số” và được vinh danh “học sinh 3 tốt” của trường.
Chia sẻ với VietnamNet, em Phan Thi Hà cho hay, sau có kết quả kỳ thi tốt nghiệp, mẹ đang bận đi làm thuê, bố lên rừng bốc vác gỗ keo. Em báo tin mừng đến bố mẹ qua điện thoại với tâm trạng vui mừng xen lẫn nước mắt.
Đạt 27,5 điểm ở khối C00 bản thân em rất vui mừng nhưng không quá bất ngờ. Kết quả đó là một sự nỗ lực dài của bản thân trong suốt 7 năm theo học ở ngôi trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh. Điểm số đó là một món quà mà Hà tri ân đến bố mẹ và thầy cô đã nuôi dưỡng, dìu dắt trong thời gian qua.
Chia sẻ về dự định tương lai, Hà cho biết em sẽ đăng kí nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, để thực hiện ước mơ bấy lâu là sinh viên sư phạm, trở thành cô giáo lịch sử trong tương lai.
Phan Thi Hà là người truyền cảm hứng, tiếp lửa cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC
Ông Phan Văn Hợi, bố Hà chia sẻ, gia đình ông là một nông dân, rất vất vả, không có điều kiện cho cho con đi học thêm, chỉ biết gửi gắm con ở các thầy cô trong trường nội trú. Ngoài thời gian đi học ở trường, mỗi khi tranh thủ về nhà Hà còn phụ bố mẹ công việc đồng áng, chăm sóc các em.
"Cảm ơn con đã nỗ lực không ngừng", ông Hợi chia sẻ.
Ông Hợi nói thêm, sắp tới Hà vào đại học sẽ rất tốn kém nên vợ chồng ông cố gắng ai thuê gì làm đó, để lấy tiền nuôi con ăn học.
Thầy Đặng Thái Mân, Hiệu trưởng Trường THCS &THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết: Dù hoàn cảnh khó khăn song em Hà đã vượt khó học giỏi, là một học sinh chăm ngoan, gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của lớp, của trường.
"Với thành tích và kết quả đáng tự hào, em là hình mẫu học sinh toàn diện, là tấm gương, là người truyền cảm hứng cho những ước mơ của các bạn học sinh dân tộc thiểu số", thầy Mân chia sẻ thêm.
Đậu Tình