Sao đêm nay ông Hữu khó ngủ vậy? Mấy tuần trời nồm ẩm, sờ vật gì cũng thấy nước nhè nhẹt đã qua, tuy còn rét nhưng hanh khô, dễ chịu. Ông trở dậy, đã hơn một giờ sáng. Ông Hữu mở toang cánh cửa sổ. Trăng hạ tuần hơi lu mờ, nhưng cũng đủ để nhìn thấy con phố vắng, dài hun hút, cô đơn về đêm ở quê ông. Ông Hữu trở lại giường, miên man hồi tưởng, mờ ảo hình hài, ký ức trôi về những ngày đáng nhớ của 50 năm trước…
Ông loáng thoáng thấy cụ Nhân gầy yếu hơn xưa… Ông Hữu nghĩ, âu cũng là lẽ thường vì cụ ngót trăm rồi còn gì! Vẫn cái cánh tay áo buông thõng, lủng lẳng ngày ấy vì ông cụ bị mất cả cánh tay trái. Ông cụ Nhân lại gần đầu giường khẽ lay, bằng bàn tay của cánh tay còn lại: Bác về cháu nhé. Ông choàng tỉnh, chới với. Rồi ông dậy, bật điện, pha ấm trà Tân Cương… Ông Hữu lẩm bẩm với chính mình: Làm thôi!
Xuân Ất Mão 1975 cũng có nhiều điều lạ. Mới cuối tháng Giêng mà đã có mưa rào, sấm chớp đùng đùng. Các cụ bảo năm ấy mệnh Thủy - Đại Khê Thủy (nước lớn trong suối lớn). Trong ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, phàm ai có mệnh ấy, linh hoạt, uyển chuyển, dễ dàng ứng biến lắm. Đất nước cũng vậy, năm Ất nào cũng kỳ tích.
Quê ông Hữu ngay dưới chân dãy Tam Đảo, ở phía sườn Đông mạn Thái Nguyên nhìn rõ có 3 ngọn cao vời, ngọn cao nhất 1.143m, cách trung tâm huyện bẩy, tám cây số. Trường cấp 3 huyện nằm ở trung tâm, các học trò cuối cấp trọ học gần trường cho đỡ thời giờ đi lại.
Nhà cụ Nhân cách trường già cây số, mấy anh em trọ học, ôn thi cũng tiện. Năm ấy, cái xóm Đồng Chũng này cũng nghèo như hầu hết làng quê Việt Nam. Chỉ có điều nghèo nhưng rất đỗi thương người. Hai ông bà Nhân, Thanh sinh hạ liền tù tì bảy, tám người con, thành ra cũng nheo nhóc, bần hàn. May nhờ có dòng sông Công sau làng tưới mát, cánh đồng trước làng mầu mỡ, tốt tươi quanh năm nên Đồng Chũng khá hơn các làng khác…
Trong kháng chiến chống Pháp trước đây chẳng nói lại chứ chống Mỹ thì vùng đất này chẳng khác gì chiến trường. Số là những năm Mỹ dùng chiến tranh phá hoại miền Bắc, máy bay giặc từ căn cứ bên Thái Lan sang oanh tạc miền Bắc, khi muốn vào vùng trời Thái Nguyên, Hà Nội, chúng thường bay vọt qua đỉnh Quạt Nan, rồi bay thật thấp dưới núi Tam Đảo để tránh ra đa, trút nhanh bom rồi hoảng loạn bay về. Nhưng cũng vì thế, máy bay địch bị không quân, tên lửa ta đón đánh, cháy, rơi vô số. Thành ra Đại Từ lại là nơi không quân Mỹ nhòm ngó. Cũng những năm tháng ấy, vùng này là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội về huấn luyện và chặn đánh máy bay Mỹ. Đỉnh Quạt Nan cũng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của không quân ta. Đó là vào ngày 30/4/1971, một máy bay Mic 21U do 1 huấn luyện viên Liên Xô tên là YuriPoyarkov và 1 phi công trẻ Việt Nam tên Công Phương Thảo đã hy sinh nơi đỉnh ngọn núi…
Tháng 3 năm 1975, chúng ta bắt đầu đánh lớn trên chiến trường miền Nam. Các chương trình thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam liên tục phát các bản tin chiến sự. Nhà ông Hữu lúc đó không khá giả gì nhưng có chiếc đài 0riongtong bắt sóng rất tốt. Ông Nhân đề nghị mang ra nơi trọ học cho mọi người cùng nghe. Thế là mỗi buổi tối, bác cháu lại trải chiếu ra hè nghe thời sự.
Cụ Nhân cả đời không ra khỏi xóm Đồng Chũng nên diễn biến chiến sự do học trò Hữu giải thích: - Ta mở màn chiến dịch từ Tây Nguyên là quá chuẩn bác ạ. Những nhà chiến lược quân sự từng nói rằng ai làm chủ được Tây Nguyên sẽ làm chủ được cả dải đất duyên hải… Địch bị đánh bất ngờ ở Buôn Ma Thuột là trúng kế ta… Địch bỏ Tây Nguyên tháo chạy rồi bác ơi. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tùy nghi di tản rồi… Giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi… Phi công yêu nước Nguyễn Thành Trung lái máy bay địch thả bom Dinh Độc Lập. Những phóng sự, ký sự nức lòng người nghe của Cao Tiến Lê, Ngọc Đản, Vĩnh Quang Lê, Hoàng Nhuận Cầm… Ca khúc "Đường chúng ta đi" của Huy Du do Doãn Tần thể hiện vô cùng hào sảng…
Sáng 30-4, ông Hữu vẫn lên lớp, trưa đạp xe về Đồng Trũng, ông Nhân ra tận cánh đồng đầu làng, vừa thấy bóng Hữu, ông hét lớn: Giải phóng Sài Gòn rồi nhé, chiến thắng rồi nhé… Chiều mùng 8 tháng 5 năm 1975, bà Thanh, vợ cụ Nhân đi chợ về, bà bảo mấy trò trọ học: - Mai xã, huyện tổ chức mit tinh mừng chiến thắng. Hợp tác xã mổ lợn, mỗi khẩu được chia 3 lạng, mời các cháu cùng ăn.
Tầm 11 giờ trưa mùng 9 thì bà Thanh mang thịt về. Bà bảo mọi nhà tranh nhau lấy mỡ để ăn dè. Bà lấy hai cân tư ba chỉ và thịt chân giò. Bà bảo tội gì, về rang ăn mừng cho thỏa thuê… Bữa cơm dọn ra 2 mâm gỗ đặt trên 2 chiếc chiếu đôi. Mấy hôm trước có mưa rào nên rau muống xanh non, nhân có mỡ, bà Thanh làm cả món rau muống luộc và rau muống xào tỏi. Bà cấy được sào lúa Dự giống lúa cũ 6 tháng, năng suất thấp nhưng cơm cực thơm ngon, nhân có thịt nên tối qua bà xay một thúng thóc. Thịt lợn bà thái con chì, ướp xì dầu Tân Việt Hoa, rang chảo gang múc mỗi mâm hai bát. Cụ Nhân lấy chai rượu ngũ da bì để dành từ lâu trịnh trọng tuyên bố lễ ăn mừng chiến thắng bắt đầu…
Là hậu phương của cuộc kháng chiến chống Mỹ, người Hùng Sơn cũng như mọi địa phương miền Bắc thời ấy cùng một lúc tham gia nhiều việc. Nuôi dậy con em khỏe mạnh để nhập ngũ đi chiến đấu; trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và tăng gia sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Những phong trào “Ba sẵn sàng, ba đảm nhiệm”. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… ra đời. Cụ Nhân bảo: Góp lợn, góp gạo càng nhiều càng tốt cho Nhà nước là nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Và, ông Hữu bảo: Chúng tôi ăn một bữa cơm ngon và đồ rằng sẽ chẳng bao giờ ngon thế.
Cái đêm ông lẩm bẩm: Làm thôi! Ý chừng là tháng 5 này, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất, ông về lại Đồng Chũng, dọn một bữa cơm y chang bữa cơm ăn mừng chiến thắng năm ấy. Chỉ giản dị là ký ức, hoài niệm, là tri ân thôi.
Sáng sau, trên Facebook Nguyễn Duy Kế có dòng tin: Vĩnh biệt cha, ông nội các cháu… Trước linh sàng cụ ông 98 tuổi, ông Hữu lẩm bẩm: Vĩnh biệt cụ, người nông dân thuần khiết lặng lẽ góp công vào thắng lợi của dân tộc bằng sức lao động cần lao và những ký ức rất đẹp của con cháu.
Truyện ngắn của Hữu Minh