Ký ức về những tháng ngày kháng chiến
Ở tuổi gần 80, với ông Lê Xoàn, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Phân khu 23 Long An, ký ức về những tháng năm hào hùng của người chiến sĩ làm công tác tuyên huấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn vẹn nguyên.
Trong thời kỳ 1960 - 1975, Ban Tuyên huấn Phân khu 23 Long An hoạt động trên nhiều lĩnh vực như thông tấn báo chí, in ấn, văn nghệ, tuyên truyền, giáo dục. Với nhiệm vụ trọng tâm là đả thông tư tưởng, củng cố niềm tin, khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng. Đồng thời, họ là những chiến sĩ trực tiếp quay những thước phim, viết những bài báo, tuyên truyền chiến thắng từng trận của quân và dân Long An.
Ông Lê Xoàn xem lại cuốn sách Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Long An (1930 - 2010)
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta diễn ra vô cùng ác liệt, công tác tuyên huấn trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ban Tuyên huấn Phân khu 23 Long An có địa bàn hoạt động rất khó khăn, các chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch. Có những thời điểm, chúng ta làm chủ trận địa tư tưởng với lực lượng báo chí rất mạnh, có giai đoạn địch đàn áp ác liệt, nhiều cán bộ tuyên huấn bị bắt tù đày, thậm chí hy sinh.
Ông Xoàn kể, năm 1970, tại căn cứ Văn phòng Huyện ủy Bến Thủ, trên cù lao Mỹ Phước, xã Mỹ An Phú (nay là xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa), Tiểu ban tuyên truyền đang khẩn trương chuẩn bị tài liệu, khẩu hiệu, truyền đơn cho một đợt tuyên truyền quan trọng thì bất ngờ bị địch bao vây, tấn công.
“Lúc đó, chúng tôi đang họp bàn kế hoạch in ấn thì địch bất ngờ càn vào. Tình thế buộc anh em phải sơ tán tài liệu, tìm đường rút lui. Nhiều cán bộ trong tiểu ban đã bị bắt, bị tra tấn và hy sinh để bảo toàn bí mật cách mạng. Chúng tôi không trực tiếp cầm súng nhưng từng bước chân trên mặt trận tuyên truyền đều có thể đối mặt với hiểm nguy. Mỗi trang tài liệu, mỗi dòng chữ phát đi là lý tưởng, sự dấn thân bằng cả trí tuệ, máu và nước mắt của những người chiến sĩ không mang quân hàm” - ông Xoàn nghẹn ngào chia sẻ.
Ông Lê Xoàn (thứ 2, trái sang) công tác tại Ban Tuyên huấn Phân khu 23 Long An năm 1970
Ban ngày, địch tuần tra, kiểm soát gắt gao thì các tiểu ban, cán bộ trong đơn vị chuyển sang hoạt động ban đêm, bảo đảm thư kêu gọi, truyền đơn, băng rôn, khẩu hiệu đến được các ấp chiến lược. Các nội dung tuyên truyền được viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, hun đúc lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc.
Ông Xoàn cho biết: “Mỗi lần dời cơ quan đến chỗ mới, cán bộ tuyên huấn vừa lách địch, vừa phải tìm chỗ xây dựng căn cứ, hầm trú ẩn, tìm nơi cất giấu máy đánh chữ, khuôn in, các giấy tờ và đồ dùng quan trọng khác, vừa tập trung nhiệm vụ phát hành tờ tin, truyền đơn, mệnh lệnh, lời kêu gọi của cấp trên,…”.
Trải qua những năm tháng gian lao ấy, ông Lê Xoàn vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, ghi nhận cho những đóng góp của ông trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.
Gặp lại đồng đội cũ – những người giữ lửa tư tưởng giữa chiến trường
Trong ký ức của bà Võ Phương Lan (còn gọi là Bảy Lan) luôn khắc ghi một điều, người cán bộ tuyên huấn, ở bất kỳ thời điểm nào cũng phải giữ cho mình một lập trường kiên định, một trái tim trong sáng, một tấm lòng vì dân, gần dân, trọng dân.
Tại buổi gặp mặt truyền thống của Ban Tuyên huấn Phân khu 23 Long An, bà Lan xúc động nói: “Tuy đã đi qua hơn nửa cuộc đời nhưng khi được gặp lại những đồng đội từng kề vai sát cánh trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, tôi như sống lại một thời tuổi trẻ đầy dấn thân và lý tưởng”.
Tròn nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, những người từng làm công tác tư tưởng ở Phân khu 23 Long An giờ đã già yếu, tóc bạc, da mồi. Nhiều người trong số họ đã về với đất mẹ, nhiều kỷ vật quý giá thất lạc theo năm tháng. Thế nhưng, những ký ức một thời vẫn còn nguyên vẹn, sống động, thiêng liêng và đầy hào khí.
Buổi họp mặt năm nay diễn ra trong không khí ấm cúng, chan hòa nghĩa tình. Dẫu không còn đông đủ như xưa nhưng từng ánh mắt, từng cái bắt tay siết chặt, từng câu chuyện cũ kể lại bằng giọng nói run run vẫn thấm đẫm niềm tự hào.
Bà Võ Phương Lan (hàng đầu, thứ 3, phải sang) tại buổi họp mặt truyền thống tuyên huấn Phân khu 23 Long An
Họ không chỉ hội ngộ với đồng đội mà còn trở về với chính mình, những con người của một thời tuổi trẻ dấn thân, hy sinh và kiên cường không mỏi. Những người làm công tác tuyên truyền trẻ như chúng tôi xúc động khi lắng nghe những chia sẻ ấy, để hiểu rằng công tác tuyên huấn trong chiến tranh không chỉ là làm báo, truyền đơn mà còn mang sự thật được giấu trong cuộn phim, mang niềm tin gửi gắm vào từng con chữ.
Chính trong những tháng năm gian lao ấy, những người cán bộ tuyên huấn trở thành biểu tượng sống động của sức mạnh tư tưởng, là minh chứng rõ nét cho vai trò then chốt của công tác tuyên truyền, cổ vũ, định hướng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bà Lan kể lại, ngày ấy, công tác tuyên huấn luôn bám sát thực tiễn, gắn với khẩu hiệu hành động xuyên suốt: “Toàn dân đánh giặc”. Chính phương châm đó đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân, cùng nhau tạo dựng nên giá trị trường tồn của Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” - tám chữ vàng làm rạng danh vùng đất anh hùng, mà trong đó, Ban Tuyên huấn Phân khu 23 Long An có phần đóng góp không nhỏ.
Ký ức có thể phai nhòa theo năm tháng nhưng lý tưởng cách mạng, tinh thần dấn thân và lòng trung kiên của người cán bộ tuyên huấn sẽ mãi là ngọn lửa không tắt, được thế hệ hôm nay gìn giữ, kế thừa và tiếp nối./.
Hoài Yên