Ký ức của người lính tình nguyện Việt Nam khi trở lại chiến trường xưa

Ký ức của người lính tình nguyện Việt Nam khi trở lại chiến trường xưa
3 giờ trướcBài gốc
Chiến thắng Cánh đồng Chum năm 1972 đã trở thành biểu tượng sinh động của tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt - Lào. Chính vì vậy, mỗi dịp trở lại chiến trường xưa, cựu chiến binh Trần Đình Dần cũng như rất nhiều đồng đội của mình đều xúc động nhớ lại ký ức về năm tháng chiến đấu gian khổ trên đất nước bạn Lào.
Cựu chiến binh Trần Đình Dần xúc động nhớ lại ký ức về năm tháng chiến đấu gian khổ trên đất bạn Lào.
Ngay khi đặt chân tới thị xã Phonesavanh, tỉnh Xiengkhouang, ông Trần Đình Dần đã đến ngay Cánh đồng Chum - nơi cách đây 53 năm, ông và đồng đội cùng chung chiến hào với quân đội Pathet Lào tham gia vào các trận đánh bảo vệ Cánh đồng Chum Xiengkhouang. Với ông, cuộc chiến như mới đi qua. Bởi tại đây, ông vẫn nhớ chính xác, rõ ràng vị trí, khu vực quân ta và địch giao tranh trong suốt cuộc chiến ác liệt.
Ông Dần nhớ lại: "Kỷ niệm ở chiến trường này rất nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là vào mùa mưa năm 1972, địch huy động 76 tiểu đoàn nhằm tái chiếm Cánh đồng Chum. Trước vòng vây của quân địch, chúng tôi vẫn vững tâm thực hiện chiến dịch phòng ngự chủ động để đánh địch. Ngày 30/8, trung đoàn của tôi đã phối hợp với các đơn vị của Lào tổ chức tấn công, dồn địch xuống bờ sông và đã giành thắng lợi to lớn".
Gần 10 năm lăn lộn khắp các chiến trường ở Lào (1964-1973), Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào luôn cho rằng, Cánh đồng Chum Xiengkhouang là một trong những chiến trường khốc liệt nhất, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về quân sự và chính trị, nơi liên quân Việt - Lào và địch giành giật nhau từng điểm cao, từng tấc đất mét hào. Và trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Xiengkhouang đã giúp ông hiểu hơn về nghĩa tình liên minh chiến đấu Việt – Lào cũng như sự gắn bó, tình cảm giữa các chiến sĩ quân tình nguyện và người dân địa phương.
Ông Trần Đình Dần và Nguyễn Tiến Long (đầu tiên và thứ hai từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa.
Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào chia sẻ: "Cùng với sự nuôi dưỡng của Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam, những đơn vị quân tình nguyện gắn bó hết sức sâu sắc và chặt chẽ với nhân dân địa phương, cho nên cùng với việc nuôi dưỡng của dòng máu, sữa mẹ và hạt gạo Việt Nam, thì cũng có dòng sữa, hạt gạo và nghĩa tình của nhân dân Lào".
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, phát huy truyền thống của quân đội cách mạng, chủ nghĩa yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nước bạn Lào chiến đấu anh dũng. Các anh đã từ giã quê hương làng xóm để đến với chiến trường Lào nóng bỏng. Trong cuộc chiến đó rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mọi nẻo đường của đất nước Lào, máu của các anh đã chảy hòa chung với máu của quân và dân Lào.
Cánh đồng Chum Xiengkhouang, di sản văn hóa thế giới thứ 3 của Lào.
Là chiến sĩ đặc công sang chiến trường Lào vào năm 1968, ông Hà Văn Đức, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La có dáng người nhỏ, gầy. Mặc dù ở tuổi 78, nhưng giọng nói vẫn sang sảng. Hai hàng huân huy chương Việt Lào lấp lánh trên ngực ông đã thể hiện sự cống hiến cho nền độc lập của hai dân tộc. Ông tâm sự không thể nào quên vào giây phút sinh tử khi bị thương được đồng đội cứu và chính những người đồng đội đó lại hy sinh trong trận chiến.
"Có những trận chiến rất ác liệt, khi vào chiến đấu có hàng trăm người, nhưng khi lui ra chỉ còn chục người. Chúng tôi rất cảm phục những người đồng đội đã hy sinh, mà nhiều đồng đội hiện nay vẫn chưa tìm được xác. Tại Xiengkhouang, tôi đã đi rất nhiều mỏm đồi mà trước đây đồng đội tôi đã hy sinh nhưng tìm vẫn chưa thấy" - Ông Hà Văn Đức nói.
Chỉ riêng tại chiến trường Cánh đồng Chum Xiengkhouang đã có khoảng 15.000 Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại đây. Đã gần 50 năm kể từ ngày hai đất nước giành được độc lập nhưng những trang sử hào hùng về những năm tháng cùng chung chiến hào, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, hy sinh cho nhau để mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc, ấm no cho nhân dân hai nước đã trở thành biểu tượng “có một không hai” của tình đoàn kết quốc tế, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Trần Tuấn/VOV-Vientiane
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/ky-uc-cua-nguoi-linh-tinh-nguyen-viet-nam-khi-tro-lai-chien-truong-xua-post1131192.vov