Ký ức của những nhà báo tác nghiệp ở vùng giải phóng tại Kiên Giang

Ký ức của những nhà báo tác nghiệp ở vùng giải phóng tại Kiên Giang
6 giờ trướcBài gốc
Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng ký ức, kỷ niệm về những ngày làm phóng viên, điện báo viên chiến trường vẫn in đậm trong tâm trí những người làm báo trên vùng đất Kiên Giang thời điểm giải phóng hoàn toàn thị xã Rạch Giá lúc bấy giờ.
Đó là những tháng ngày tác nghiệp giữa làn bom đạn của địch, cùng sống, cùng chiến đấu với các chiến sỹ và hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định vai trò của phóng viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng.
Thoát chết nhờ… "máu văn nghệ"
Thông tấn xã Giải phóng ra đời với hệ thống tổ chức gắn liền trong Ban Tuyên huấn các cấp. Vì thế, Thông tấn xã Giải phóng cũng đảm trách và hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền trong hệ thống tuyên huấn suốt trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Dù địa điểm trú đóng thay đổi nhiều lần, lãnh đạo cũng như lực lượng phóng viên, nhân viên kỹ thuật thay đổi lớn, nhưng việc tuyên truyền thì không thay đổi.
Ở tuổi 74, nhà báo Ngô Hoàng Vân (sinh năm 1951, hiện ngụ tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) vẫn nhớ như in những năm tháng sống, chiến đấu gian khổ mà hào hùng trong vùng kháng chiến khi là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng.
Nhà báo Ngô Hoàng Vân, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nguyên Trưởng Phân xã Kiên Giang (nay là Cơ quan Thường trú TTXVN tại Kiên Giang) kể lại những tháng năm làm phóng viên chiến trường tại Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Nhà báo Ngô Hoàng Vân cho biết, năm 1964, ông thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng vào làm nhà in tại tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang).
Đến cuối năm 1964, ông được cử đi học trường Lý Tự Trọng ở khu Tây Nam Bộ. Đến cuối năm 1967 ra trường, ông cùng những người khác được lệnh tham gia Tổng tiến công tại thị xã Sóc Trăng.
Tham gia chiến dịch tại đây khoảng 5 -6 tháng (khoảng giữa năm 1968), ông về lại Tỉnh ủy Rạch Giá và tiếp tục công tác trong nhà in Hồ Văn Tẩu. Đến giữa năm 1969, ông chính thức chuyển qua công tác viết tin tại Tiểu ban Thông tin báo chí, thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá và "bén duyên" với các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Theo nhà báo Ngô Hoàng Vân, khi về cơ quan, ông được lãnh đạo phân công làm phóng viên chuyên nắm thông tin từ Tỉnh ủy. Thời điểm này, chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt.
Dù khó khăn, gian khổ nhưng làn sóng điện (điện tín) của Thông tấn xã Giải phóng vẫn hoạt động liên tục, không ngưng nghỉ, để phát đi các bản tin trên các mặt trận.
Những "dòng thông tin" của các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn luôn "chảy," mặc cho mưa bom, lửa đạn của kẻ thù liên tục trút xuống.
Chiến tranh ác liệt, đòi hỏi mỗi phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng phải vừa làm nhiệm vụ nhà báo, vừa đảm bảo an toàn cho các thiết bị, máy móc và tính mạng.
Ông Vân nhớ lại, mùa khô năm 1971, ông cùng ba đồng chí khác đi địa bàn trọng điểm ở huyện Giồng Riềng. Như thường lệ, vào khoảng 7 giờ hằng ngày, sau khi ăn cơm xong, mọi người phải ra điểm trực máy ngoài vườn để làm tin và truyền về.
Lúc này, "máu văn nghệ" chợt nổi lên, ông Vân cầm đàn đánh bài "Làng tôi" cho điện báo viên Nguyễn Thanh Hà hát. Thế nhưng, vừa đàn, vừa hát chưa được nửa bài thì máy bay B52 của Mỹ trút bom xuống, cả tổ bốn người nhanh chóng nhảy xuống hầm trú gần đó, may mắn không có ai bị thương.
Sau khi "hoàn hồn," tất cả ra khỏi hầm trú ẩn thì phát hiện hai cha con nông dân đi làm vườn bị thương rất nặng. Cả tổ nhanh chóng sơ cứu, đưa đến trạm quân y để chữa trị và may mắn cứu sống được cả hai cha con.
Không chỉ làm công tác đưa, truyền tin, nhóm phóng viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ ban ngày ở ngoài vườn hoặc đống rơm, ban đêm vào ấp chiến lược để tham gia thu đảm phụ, tuyên truyền, phát động quần chúng chống giặc…
Sau ngày thống nhất đất nước, ông về làm phóng viên rồi Trưởng Phân xã Kiên Giang (Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Kiên Giang ngày nay), cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Điện báo viên đi… "trộm máy"
Là người chuyển bản tin chiến thắng hoàn toàn tại thị xã Rạch Giá vào ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Thanh Hà (sinh năm 1952), nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kiên Giang có rất nhiều kỷ niệm khi nhắc về một thời làm "tít tít, te te" (chuyển tin tức từ vùng kháng chiến về Ban Tuyên huấn, Trung ương Cục miền Nam).
Tham gia cách mạng từ năm 1965, ban đầu, ông làm giao liên, sau đó được cử đi học Trường Thiếu sinh quân ở Cà Mau. Năm 1967, ông được lệnh rút về vùng kháng chiến U Minh Thượng học lớp điện đài. Sau 8 tháng học, ông trở thành điện báo viên.
Đến năm 1969, ông chính thức về Tiểu ban Báo chí tuyên truyền và là một trong những mắt xích quan trọng trong quy trình truyền phát tin về Thông tấn xã Giải phóng.
Ông Hà chia sẻ, trung bình một bản tin phát về Thông tấn xã Giải phóng khoảng 15 phút, quan trọng nhất là khi điện về anh em ở Thông tấn xã Giải phóng phải nhận được tín hiệu, phía bên kia nói được, ở đây mới phát.
Cái cực của anh em làm công việc này là mỗi khi ra chiến trường phải vác trên vai nguyên bộ máy nặng khoảng 32kg. Khi có tin tức, anh em phải tìm chỗ ẩn nấp, kéo ăng-ten lên, ngồi bệt xuống đất, để máy trên đùi và phát tin; ban đêm phải giăng mùng, đốt đèn dầu ngồi ở mọi tư thế để phát, làm sao cho thông tin về Thông tấn xã Giải phóng một cách sớm nhất.
Vì muốn thông tin được truyền tải nhanh chóng và tốt hơn, ông Hà từng liều mình đi trộm bộ máy truyền tin của… cấp trên.
Ông Hà kể lại: Một hôm khi ông đang ở vùng kháng chiến ấp Vĩnh Trung - vùng U Minh Thượng thì có đoàn cán bộ Ban Thông tin ở trên về, đem theo mấy thiết bị mới.
"Thấy là mê," ông gặp một đồng chí trong đoàn (bạn thân) nói xin và cho biết nếu không được sẽ "trộm". Nói là làm, đợi đêm xuống, ông ngụy trang rồi lẻn vào nơi ở của các đồng chí Ban Thông tin và nhanh tay "trộm máy" đem về nơi đóng quân đào hố cất giấu.
Sáng hôm sau, cả khu vực vùng đóng quân được lệnh đi điều tra vụ mất trộm máy, nhưng không tìm được. Không lâu sau thấy ông Hà sử dụng bộ máy mới với cân nặng hơn chục kg đi theo các đồng chí vào vùng kháng chiến, ai nấy đều cười trừ.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác với ông Hà là vào mùa khô năm 1973, sau khi máy phát bị hỏng, ông cùng hai đồng nghiệp đi 3 tháng theo tuyến biên giới giáp nước bạn Campuchia lên tới Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) để nhận máy mới.
Đường trở về bao phen vất vả khi quân địch chặn trên tuyến biên giới. Ròng rã hơn 3 tháng, ông và đồng đội mới về lại vùng căn cứ U Minh Thượng.
Nói về ký ức những ngày chuẩn bị giải phóng thị xã Rạch Giá - nơi đóng quân đầu não của địch và kỷ niệm khi chuyển bản tin chiến thắng hoàn toàn thị xã, ông Hà cho hay, trước ngày thị xã giải phóng khoảng một tháng, ông cùng anh em Thông tấn xã Giải phóng được phân công theo Ban Chỉ huy tác chiến của tỉnh lên khu vực Bệ Dày Heo (vùng ven Rạch Giá) và khu Tràm Dưỡng (Hòn Đất) để chuẩn bị.
Sau khi đánh úp đồn Tà Bết, khoảng 7 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, các lực lượng giải phóng tiến vào thị xã Rạch Giá. Khi đến Tắc Ráng, nghe lời kêu gọi đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng của Tỉnh trưởng, phóng viên Phạm Xuân Yên viết bản tin, ông Hà tức tốc chuyển về Thông tấn xã Giải phóng, lúc ấy vào khoảng 8 giờ 30 phút.
"Lúc đó vừa mừng, vừa lo vì phải bắt được sóng nào nhanh nhất có thể, để chuyển về Trung ương Cục miền Nam. Rất may, sau khi bản tin vừa xong cũng bắt được sóng để truyền về. Khoảng 15 phút sau, tin giải phóng tỉnh Rạch Giá được phát," ông Hà kể.
Nhà báo Nguyễn Thanh Hà, nguyên điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng, kể lại ký ức về những chuyến vừa hành quân vừa phát tin về Thông tấn xã Giải phóng ở Trung ương cục miền Nam. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Sau khi truyền bản tin cuối cùng về Thông tấn xã Giải phóng, ông Nguyễn Thanh Hà được cử đi học nghiệp vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công về Phân xã Kiên Giang (Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Kiên Giang hiện nay).
Sau đó, ông về Ty Văn hóa và sang làm tại Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang, giữ chức vụ Phó Giám đốc rồi Giám đốc, đến năm 2013 thì nghỉ hưu.
Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng tư tưởng, góp phần mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sỹ thực thụ.
Ngay từ khi ra đời, Thông tấn xã Giải phóng luôn đảm trách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền trong hệ thống tuyên huấn địa phương. Nhiều phóng viên, điện báo viên Thông tấn xã đã nằm lại trên vùng đất U Minh Thượng; nhiều người mất một phần thân thể, bị tù đày ra Côn Đảo, Phú Quốc, bị phơi nhiễm chất độc da cam… Riêng Thông tấn xã Giải phóng ở vùng kháng chiến 5 lần bị địch càn tiêu diệt tập thể, 16 đồng chí đã hy sinh.
Để có một dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, kịp thời chuyển tải những thông tin lãnh đạo của Đảng ta đến chiến sỹ, nhân dân miền Nam, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hy sinh như người lính./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/ky-uc-cua-nhung-nha-bao-tac-nghiep-o-vung-giai-phong-tai-kien-giang-post1034247.vnp