Với cựu chiến binh Trần Hữu Thể (SN 1938, hiện trú tại thôn Xuân Lộc 1, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), ký ức về trận đánh năm ấy vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Nơi ông cùng đồng đội từng đổ mồ hôi, máu xương cho nền độc lập hôm nay, đã trở thành mảnh đất ông gắn bó suốt nửa thế kỷ qua - Đức Lập.
Một thời tuổi trẻ gửi lại chiến trường
Hưởng ứng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cuối năm 1961, người lính trẻ Trần Hữu Thể tình nguyện nhập ngũ. Tháng 2.1962, ông vào Nam chiến đấu, hành quân qua nhiều chiến trường khốc liệt từ miền Trung đến Tây Nguyên. Cuối năm 1974, đơn vị ông có mặt tại Đức Lập - mảnh đất chiến lược, hiểm yếu, nơi mở đầu cho trận đánh quyết định vận mệnh đất nước.
Cựu binh Trần Hữu Thể ân cần kể lại về những kỷ vật còn sót lại trong trận đánh Đức Lập
Đức Lập khi ấy là vùng núi hoang sơ, hiểm trở, dân cư thưa thớt, phần lớn là các cứ điểm của địch. Để giữ bí mật, bộ đội phải đóng quân sâu trong rừng. Thiếu thốn, bệnh tật, đói khát là điều thường trực. Nhưng vượt lên tất cả, trong tâm trí người lính là lòng quyết tâm sục sôi: “Phải đánh giặc, phải giải phóng quê hương”, ông Thể xúc động nhớ lại.
Trên đường hành quân, những người lính không biết mình sẽ đánh ở đâu, đánh trận nào - chỉ có mệnh lệnh là tiến lên, gặp địch là đánh. Chỉ đến khi chiến thắng vang dội, họ mới biết nơi mình vừa góp phần giải phóng là Đức Lập - cứ điểm quan trọng trong tuyến phòng thủ của địch ở Tây Nguyên.
Theo hồi ức của ông Thể, Đức Lập sở dĩ được lựa chọn làm điểm mở màn chiến dịch bởi nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị. Địch xây dựng ở đây căn cứ quân sự Đồi 722 (thuộc thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) kiên cố, được ví như “sào huyệt” giữa Tây Nguyên.
Từ năm 1968 đến đầu 1975, nhiều đợt tiến công vào cứ điểm này đã được tổ chức. Rạng sáng 9.3.1975, bộ đội chủ lực phối hợp quân dân địa phương đồng loạt tiến công. Chỉ sau hơn một ngày, đến trưa 10.3, Đức Lập và các vùng lân cận hoàn toàn được giải phóng, tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
“Ngày ấy, đánh ngày đánh đêm, đói khát cũng đánh, thương tích cũng đánh. Ai cũng mang trong lòng niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng”, ông Thể nhớ lại.
Hạnh phúc giản dị giữa khói lửa chiến tranh
Giữa chiến tranh ác liệt, người lính già vẫn lưu giữ một ký ức đặc biệt - câu chuyện tình yêu cảm động của vợ chồng ông. Nhiều năm bặt tin chồng, bà đã vượt hàng nghìn cây số từ Hà Tĩnh vào Nam tìm ông. Cuộc hội ngộ giữa chiến trường không chỉ đem lại niềm hạnh phúc vô bờ, mà còn gieo mầm cho một mầm sống - người con trai duy nhất mang tên Nam, như ước nguyện về một miền Nam hòa bình, thống nhất.
Mỗi khi nhắc đến trận đánh Đức Lập, cựu binh Trần Hữu Thể luôn mang những kỷ vật này ra khoe với mọi người như một hồi ức đầy gian khổ, đầy khí phách của những người lính trong trận đánh này
Ngày ông Nam tiến, chiến tranh loạn lạc, vợ chồng xa cách, không tin tức. Sau nhiều năm, chỉ vì nhớ ông mà vợ ông “liều” vào Nam để tìm tin tức về chồng. “Chuyến đi tìm chồng của bà ấy còn có 5 người vợ khác của đồng đội. Việc vợ vượt hàng nghìn cây số đi tìm chồng, thăm chồng trong chiến tranh loạn lạc được xem là một điều lạ, chưa từng có. Sau này hòa bình lập lại, tôi hay đùa, may mà bà ấy liều nên may mắn có được đứa con, chứ chiến tranh ác liệt, bỏ mạng lúc nào cũng không biết. Tôi coi đây là duyên lớn, cái số”, ông Thể cười nói.
Rồi ông kể, khi bà ấy tìm được ông, vợ chồng gặp nhau giữa chiến trường mừng tủi không kể xiết. Sau một thời gian, vợ ông Thể mang thai và phải về quê nhà. Trước lúc về, vợ chồng ông Thể bàn bạc, dù con trai hay con gái cũng đều đặt tên con là Nam. Sau đó, ông Thể tiếp tục chinh chiến, bặt vô âm tín, vợ ông một mình tần tảo nuôi con khôn lớn, chờ chồng trở về. “Nam là đứa con duy nhất của vợ chồng tôi. Việc đặt con tên Nam cũng chính là ước mong của chúng tôi khi vào Nam chiến đấu giải phóng miền Nam đã thành”, ông Thể hạnh phúc nói.
“Việc bà ấy liều mình vào chiến trường là chuyện hiếm có. Tôi vẫn nói vui, nhờ cái ‘liều’ đó mà mới có được thằng Nam”, ông cười hiền từ.
Dù tuổi cao, mắt mờ, tóc bạc, mỗi năm đến ngày giải phóng Đức Lập, ông Thể vẫn tự mình leo lên đồi 722 - nơi từng là chiến địa, nay là đài tưởng niệm - để thắp nén nhang cho đồng đội. Với ông, mảnh đất này là nơi ông gửi trọn tuổi xuân và cả cuộc đời binh nghiệp.
Trong ngôi nhà nhỏ, ông giữ gìn cẩn thận những vật dụng cũ như chiếc thìa, bi đông, cà mèn - không chỉ là vật kỷ niệm, mà là ký ức sống động của một thời máu lửa. “Chúng tôi đã sống một thời đáng sống. Thanh xuân ấy không hoài phí, vì nó góp phần làm nên mùa xuân đất nước hôm nay”, ông Thể tự hào chia sẻ.
Cách đây 50 năm, trận đánh Đức Lập diễn ra từ rạng sáng 9.3.1975 đã chính thức mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh. Chiến thắng Đức Lập cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng lớn quân địch, tạo bước ngoặt quyết định, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Thu Hường