Nhịp vang đánh thức tiềm năng du lịch

Nhịp vang đánh thức tiềm năng du lịch
6 giờ trướcBài gốc
Xã Cư Pơng hiện có gần 2.900 hộ với hơn 12.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Êđê chiếm hơn 65%. Không gian văn hóa cồng chiêng, một phần không thể tách rời trong đời sống cộng đồng được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Những người gìn giữ "báu vật"
Tại buôn Khal, lễ mừng nhà mới cuối năm 2024 đã trở thành một dịp đặc biệt khi cả buôn cùng tụ họp, lắng nghe âm thanh cồng chiêng gửi gắm ước vọng an lành, mùa màng bội thu.
Mỗi dịp lễ tết, mừng nhà mới hay lễ hội truyền thống, tiếng chiêng lại vang lên, ngân dài theo nhịp điệu của thầy cúng, hòa quyện cùng khói bếp, rượu cần, tạo nên một không gian linh thiêng và đậm chất sử thi
Nghệ nhân Y Kua Niê (buôn Tlan) chia sẻ: “Mỗi lần đánh chiêng, dù ở sân khấu lớn hay nhỏ, là cơ hội để chúng tôi lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc đến với du khách. Âm vang của cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà là tiếng nói của linh hồn Tây Nguyên”.
Bên cạnh việc biểu diễn trong các lễ hội, nhiều gia đình Êđê tại Cư Pơng còn gìn giữ những bộ chiêng như báu vật. Gia đình ông Y H’Loăt Êban (buôn Ea Túk) hiện có hai bộ chiêng cổ, một bộ được truyền lại từ cha mẹ, bộ còn lại ông mua từ năm 1989 với giá hơn 1 cây vàng thời đó, một minh chứng cho giá trị và niềm tự hào văn hóa.
Bên cạnh đó, ông còn mua thêm trống hgơr để phục vụ các nghi lễ truyền thống. Dù được trả giá cao, ông vẫn quyết không bán, với mong muốn trao truyền lại cho con cháu như một phần của di sản.
Câu lạc bộ chiêng – nhịp cầu đến du lịch
Nhằm bảo tồn di sản quý báu này, xã Cư Pơng đã thành lập Câu lạc bộ chiêng Kram 25 thành viên từ 11 đến 40 tuổi, câu lạc bộ tập luyện định kỳ vào mỗi cuối tuần và trở thành đại diện quen thuộc của huyện Krông Búk tại các liên hoan văn hóa cồng chiêng, diễn tấu nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh.
Đặc biệt, nhóm còn được mời biểu diễn phục vụ khách du lịch khi đến tham quan thác nước và trải nghiệm văn hóa bản địa tại xã Ea Sin. Hoạt động này không chỉ quảng bá hình ảnh văn hóa Êđê mà còn mang lại thu nhập cho thành viên câu lạc bộ, tạo động lực để lớp trẻ gắn bó với nghệ thuật truyền thống.
DU khách đến với Cư Pơng được nghe thanh âm của cồng chiêng, được thưởng thực rượu cần của đồng bào Tây Nguyên
Từ năm 2018 đến nay, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở 6 lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên, truyền lửa cho thế hệ kế cận. Các đội chiêng còn được hỗ trợ 1 bộ chiêng kram và 1 bộ chiêng đồng từ các cấp ngành,nguồn động viên thiết thực cho hành trình giữ gìn và phát triển di sản.
Với bề dày văn hóa và tinh thần gìn giữ truyền thống sâu sắc, xã Cư Pơng đang đứng trước cơ hội phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Những giá trị văn hóa bản địa không chỉ tạo nên sự khác biệt trong hành trình khám phá Tây Nguyên mà còn khơi dậy cảm xúc chân thực từ du khách khi được hòa mình vào nhịp sống, nhịp chiêng nơi đại ngàn.
Việc kết hợp biểu diễn cồng chiêng với du lịch sinh thái, ẩm thực, trải nghiệm đời sống cộng đồng đang là hướng đi đầy triển vọng. Mỗi buôn làng với một bản sắc riêng, mỗi âm thanh chiêng vang lên là một lời mời gọi khám phá vẻ đẹp Tây Nguyên nguyên sơ mà đậm đà bản sắc.
Nếu được quy hoạch và đầu tư đúng hướng, Cư Pơng có thể trở thành điểm đến độc đáo trong bản đồ du lịch trải nghiệm vùng cao nguyên, góp phần lan tỏa giá trị di sản cồng chiêng, kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, đến với bạn bè quốc tế.
HƯƠNG GIANG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/nhip-vang-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-128987.html