Tối 8/7, chương trình Câu chuyện từ những bài ca mang đến cuộc trò chuyện xúc động với những hồi ức thiêng liêng về ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương với sự tham gia của NSND Thu Hiền và cựu chiến binh Ngô Hữu Minh.
Là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, lời thơ Đằng Giao, ra đời năm 1956, Câu hò bên bờ Hiền Lương không chỉ là ca khúc, mà còn là biểu tượng của khát vọng thống nhất, của tình yêu quê hương và niềm tin vào tương lai. Sau gần 7 thập kỷ, ca khúc vẫn giữ nguyên sức sống mãnh liệt.
NSND Thu Hiền.
63 năm cùng 'Câu hò bên bờ Hiền Lương'
NSND Thu Hiền nhớ như in lần đầu hát ca khúc này năm 16 tuổi, ngay tại mảnh đất mà dòng sông Bến Hải chia đôi. Đến năm 1972, bà có mặt trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tiếp tục cất lên tiếng hát bất khuất. Đến nay, bà đã gắn bó với ca khúc này 63 năm.
"Mỗi lần thể hiện ca khúc này, hình ảnh cả một thời, khoảnh khắc khi đất nước chia cắt như quay trở lại", NSND Thu Hiền tâm sự.
Bà kể về những ngày khó khăn khi phải hát bằng chiếc loa bóp Trung Quốc cũ kỹ. Do thiết bị đã hỏng, bà phải vừa hát vừa bóp chiếc loa để có tiếng, trong khi anh chính trị viên cầm roi đứng cạnh nhắc nhở. "Mải bóp loa thì không hát được, mà muốn hát thì lại không bóp được", bà nhớ lại tình huống dở khóc dở cười khi ấy.
NSND Thu Hiền và ca sĩ Huyền Trang thể hiện "Câu hò bên bờ Hiền Lương":
Đặc biệt, bà kể về những chiếc "micro" được làm từ hộp đồ hộp của địch: "Những ống đồ hộp ngày xưa của bên kia, người ta ăn rồi vứt thì mình nhặt làm micro để hát".
Những hình ảnh đau thương nhất trong ký ức của NSND Thu Hiền là khi hát trong hầm trú ẩn, trong địa đạo cho các anh bộ đội bị thương. Bà nhớ lại những giây phút nghẹn ngào khi nhìn thấy ánh mắt của họ.
"Hát làm sao cho đồng chí đấy nghe vì không có thuốc mê để mổ. Thực sự, lúc đấy tôi chẳng biết bài nào ra bài nào, cứ câu nọ lạc sang câu kia. Có những anh cứ mở mắt nhìn chúng tôi nghe hát. Có anh sống và cũng có anh mãi mãi ra đi nhưng mắt các anh vẫn mở và vẫn có một nụ cười, một niềm tin để lại cho chúng tôi. Những kỷ niệm ấy thật không bao giờ quên", bà kể.
Những lá cờ không bao giờ gục ngã
Cựu chiến binh Ngô Hữu Minh, Đại tá thuộc Tiểu đoàn 47 của đặc khu Vĩnh Linh chia sẻ những trải nghiệm chiến đấu khốc liệt tại khu vực cầu Hiền Lương. Ông nhớ lại: "Cứ vào Nam đánh khoảng 1 tháng rồi lại ra bờ Bắc củng cố xây dựng lực lượng rồi lại tiếp tục bí mật đưa lực lượng vào". Chủ yếu các đồng chí tác chiến trên hàng rào điện tử McNamara.
Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nghệ sĩ đã cất lên những lời hát không chỉ bài hát bên bờ Hiền Lương mà còn những bài hát khác để "nâng bước chúng tôi vào trận đánh một cách nhẹ nhàng".
Đại tá Ngô Hữu Minh.
Đặc biệt, ông kể hình ảnh lá cờ Tổ quốc luôn phấp phới trên cột cờ Hiền Lương. Để giữ được hình ảnh Tổ quốc luôn tươi sáng và tung bay phấp phới trên ngọn cờ ở bờ bắc Hiền Lương, có những người chiến sĩ may cờ suốt mấy chục năm để đảm bảo luôn có lá cờ mới tươi đẹp trên cột cờ. Mục đích là để người dân ở phía bên kia bờ Nam thêm lòng tin tưởng và hướng về hậu phương lớn miền Bắc trong thời kỳ đó.
NSND Thu Hiền cũng sống dưới địa đạo cùng với các mẹ, nói cờ luôn phải may mới liên tục. Máy bay địch liên tục ném bom và lá cờ thường xuyên bị cháy và rách. Thế nhưng, mỗi sáng thức dậy, khi nhìn thấy lá cờ bên kia vẫn cao vút, mọi người lại cố gắng may lá cờ của mình to hơn và cao hơn nữa. Việc may cờ rất khó khăn, phải bắt đầu từ những miếng vải nhỏ rồi to dần, theo từng tháng ngày như vậy.
Bà cảm động chia sẻ rằng mỗi người dân Vĩnh Linh khi ấy là một anh hùng. Khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc, mọi người đều cảm thấy thiêng liêng và tràn đầy niềm tin.
Những nhân chứng lịch sử và câu chuyện đau thương: