Tác giả và cựu chiến binh Nguyễn Tửu
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Ký ức của 71 năm trước như hiện về, ông Tửu nhìn vào khoảng mênh mông trước mặt tiếp tục câu chuyện: “Trước ngày lên đường đi chiến dịch, Đảng bộ tiền phương họp xác định lập trường giai cấp, xác định vị trí tiên phong cho cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch ĐBP). Chỉ thị ngắn gọn của “Anh Ngọc” (Bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cho chiến dịch là: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”. Sau đó, chúng tôi được lệnh chuẩn bị hành trang lên đường. Lúc đó, cấp trên chưa phổ biến thời gian của chiến dịch Trần Đình vì sợ lộ bí mật quân sự. Tôi được cấp trên cấp cho một chiếc xe đạp mới toanh hiệu Lin-côn của Pháp để tiện việc đi lại. Đơn vị đi tiền trạm, trên đường hành quân, qua Đèo Khế, dốc rất cao và dài, lên dốc phải xuống xe dắt bộ, xuống dốc phải buộc cành cây kéo lê đằng sau và phải dùng phanh dép lốp cao-su để giảm tốc độ.
Đơn vị hành quân đến Yên Bái, tôi gửi xe đạp vào nhà dân để cùng anh em đi cấp phát lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 để hôm sau bộ đội vượt qua phà Âu Lâu vượt sông Hồng sang chiến trường Tây Bắc, Điện Biên. Đơn vị tiếp tục hành quân, chúng tôi theo Sư đoàn 316 vượt đèo Pha Đin. Quân ta tấn công dữ dội vào cứ điểm Nà Sản, địch cuống cuồng rút chạy về phía thị xã Lai Châu, Sư đoàn 316 tiếp tục truy kích địch, xác giặc ngổn ngang dọc đường. Đơn vị tôi vận động dân quân và bà con địa phương thu gom chiến trường, bắt giữ tù binh, hàng binh và chôn xác giặc. Địch rút về co cụm, cố thủ ở cứ điểm ĐBP, Ban Quân nhu tiền phương phân công chúng tôi đi từng bản, mường vận động Nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm và tham gia dân công đi phục vụ chiến trường.
“Trong chiến dịch Trần Đình, tôi đã tận mắt chứng kiến những hy sinh đến đau lòng của đồng đội. Ở trạm quân nhu cách Tuần Giáo khoảng 30km, sáng hôm ấy ra bờ suối rửa mặt, tôi thấy cảnh tượng ba cô gái thanh niên xung phong bị dính bom napan được anh em đưa từ hỏa tuyến ra trạm quân y, đang nằm thoi thóp trên ba chiếc cáng làm bằng dù pháo sáng. Cả ba cô bị cháy gần hết, đầu không còn tóc, máu me khắp người. Tôi thấy quá xót xa, lập tức yêu cầu anh em tải thương đưa gấp ra trạm quân y hậu phương, nhưng sau đó ba cô gái vì bị thương quá nặng nên đã anh dũng hy sinh. Trong chiến đấu, sống - chết là lẽ thường, nhưng trường hợp ba cô thanh niên xung phong này còn quá trẻ, cũng không biết họ tên gì, tuổi đời bao nhiêu, quê quán ở đâu, làm tôi rơi nước mắt, một thoáng suy nghĩ bản thân mình có còn sống cho đến ngày chiến thắng nữa hay không? Cảm giác đó bất chợt làm tôi bâng khuâng nhớ nhà, nhớ bố mẹ...”. Đến đây, giọng ông Tửu như chùng xuống.
Là đơn vị quân nhu tiền phương, ngoài nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men cho bộ đội, chúng tôi còn được trên giao cho một nhiệm vụ nặng nề là phải cấp phát lương thực, thực phẩm cho tù binh, hàng binh. Sau mỗi trận đánh, tù binh, hàng binh được gom về một chỗ, dưới sự quản lý của bộ đội ta. Sau khi ta diệt cứ điểm đồi Him Lam, Độc Lập và bức hàng cứ điểm Bản Kéo, tù binh bắt được rất nhiều. Hồng Cúm là điểm chốt ta chặn giặc chạy trốn sang phía thượng Lào. Tất cả tàn quân địch chạy đến đây đều bị ta bắt sống, số lượng lên đến hàng ngàn tên. Đây là đội quân đánh thuê ô hợp gồm quân viễn chinh các nước, các binh đoàn lê dương Pháp, lính Âu - Phi, quân ngụy đủ các màu da, sắc tộc...
Ông kể thêm câu chuyện: Trong khi bộ đội dẫn giải tù binh Pháp từ Hồng Cúm trở về, một tên đã lấm lét dúi vào tay anh bộ đội một nắm đồng quan Pháp và ngỏ ý xin cho hắn chạy thoát sang Lào. Anh bộ đội nghiêm mặt chĩa súng và mắng thẳng vào mặt tên tù binh nọ bằng tiếng Pháp: “Tao là Bộ đội Cụ Hồ, không tham lam, hèn nhát như lính thực dân bọn bây đâu!”. Tên tù binh hoảng quá, quỳ lạy xin tha mạng.
Trong chiến dịch, tôi được Ban Quân nhu tiền phương trao nhiệm vụ và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, được cấp trên biểu dương, khen thưởng ngay tại mặt trận ĐBP. Là người lính trận, nhiều lần vào sinh ra tử, nhưng tôi và các đồng đội đã ôm nhau khóc vì vui mừng quá đỗi khi nghe tin tướng Đờ-cát tuyên bố đầu hàng và chiến dịch ĐBP kết thúc thắng lợi.
Vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ
Trong cuộc đời của mình, điều vinh dự lớn nhất của tôi là những lần rất tình cờ được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất, ngay sau chiến thắng lịch sử ĐBP, tôi phụ trách đoàn xe vận tải hậu cần chở hàng lên Tuyên Quang. Đến bến phà, chiếc xe đi đầu bị mắc lầy không thể nào lên phà được, làm cho cả đoàn đều bị kẹt theo. Chúng tôi không quan tâm gì xung quanh mà chỉ lo hô hào nhau tập trung kéo xe lên, nhưng kéo mãi không lên được vì xe chở hàng quá nặng. Bỗng từ đâu có tiếng nói đầm ấm, trong sáng vang lên: “Các chú phải dùng thế và lực mới được!”. Lúc đó, tất cả chúng tôi đều quay lại và nhận ra Bác và hô to: "Bác Hồ, Bác Hồ!". Tất cả anh em chạy đến vây quanh Bác. Bác bỏ chiếc khăn che mặt ra, tôi thấy Bác gầy quá, đầu đội chiếc mũ nan rộng vành, mặc bộ đồ kaki bạc màu, chân đi đôi dép lốp cao su đã mòn. Đây rồi, “vị thánh” Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với phong cách giản dị và gần gũi.
Bác cười vui vẻ: “Các chú phải tập trung giải phóng phà nhanh lên để Bác còn đi họp chính phủ đấy”. Thế là chúng tôi và các đồng chí bảo vệ Bác cùng anh em vào vị trí, người kéo, người đẩy, người dùng đòn bẩy để cứu xe vượt lầy. Xong việc, Bác bước vội lên xe com măng ca, Người vẫy tay và nói: “Bác đang vội - chào các chú, Bác đi đây”. Từ đó, mỗi khi gặp những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, tôi thường nhớ lời Bác dạy, luôn vận dụng “thế và lực” để vượt qua.
Sau năm 1954, hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, tôi lúc đó vẫn là phái viên quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng và kỹ thuật quân trang, quân dụng ở các xí nghiệp sản xuất thuộc Bộ Quốc phòng. Vào buổi sáng hôm ấy, tôi về Xí nghiệp X40, chuyên may quân phục cho toàn quân ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội để làm việc. Đến trạm gác, tôi đưa giấy giới thiệu xin làm việc với ban giám đốc. Đồng chí bảo vệ mời tôi vào phòng khách - nơi có hai người lạ mặc thường phục đang ngồi. Bảo vệ rót nước mời tôi và nói: Các đồng chí vui lòng đợi ở đây, nội bất xuất, ngoại bất nhập nhé.
Tôi ngạc nhiên, thường ngày đến xí nghiệp là tôi vào thẳng phòng ban giám đốc. Lần này tôi hỏi thì được trả lời đây là lệnh của trên. Sau đó ít phút có tiếng còi xe hơi, barie mở, hai đồng chí khách chạy ra và tôi cũng theo sau, nhìn thấy hai chiếc com măng ca đi vào. Xe của Bác không vào phòng giám đốc mà đi thẳng xuống khu bếp ăn của cán bộ, công nhân viên. Bác đi thăm tất cả nơi ăn chốn ở, rồi đến khu sản xuất và nói chuyện với toàn thể cán bộ, công nhân viên chức của Xí nghiệp X40. Tôi đứng gần và ngắm nhìn Bác, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam. Bác có một tác phong hết sức giản dị, Người nói chuyện với anh em thân mật, gần gũi và dễ hiểu. Bác căn dặn anh chị em xí nghiệp cần tăng cường lao động sản xuất để góp phần cho bộ đội ta ăn no mặc ấm, đánh thắng ngoại xâm...
(Ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Tửu, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Huế).
Nguyễn Văn Hùng