Trung úy Ngô Minh Thơ ngồi xe lăn, do vết thương chiến tranh tái phát, về dự kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô đón chuyến tàu Không số đầu tiên (28/11/1964-28/11/2024). Ảnh: TRẦN QUỚI
Những ký ức chưa xa
Trước thềm xuân Ất Tỵ 2025, tôi cùng anh hùng Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu Không số với 12 chuyến hải trình từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có 3 lần cập bến Vũng Rô thành công, thăm thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô và thăm người anh cả trung tá Hồ Thanh Bình, Đại đội trưởng K60 - đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô 60 năm trước.
Tôi, người lính giải phóng từ làng Cát (xã Hòa Hiệp trước đây toàn cát là cát) ra đi năm 1964, được sự dìu dắt trực tiếp của các anh, trở thành chiến sĩ Đại đội K60 mở bến và bảo vệ bến Vũng Rô năm 1965.
Chuyến tàu Không số thứ tư cặp bến Vũng Rô đêm 15/2/1965 bị lộ. K60 cùng đồng đội chống trả ngoan cường các đợt tấn công dữ dội của địch, chịu nhiều hy sinh tổn thất và bản thân tôi bị thương tích nặng. Đồng đội đưa tôi về cứu chữa ở trạm xá dã chiến Miền Đông và chuyển về tuyến sau bệnh xá xã Hòa Thịnh, rồi bệnh viện huyện Y13. Sau khi lành vết thương, tôi được cấp trên phân công về Tiểu đoàn đặc công 30 phân khu Nam (thuộc Quân khu 5) tham gia chiến đấu ác liệt ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Đầu năm 1972 trong trận đánh vào sân bay Đông Tác, bị pháo địch truy kích trên đường rút quân, tôi bị thương nặng ở phần đầu, bất tỉnh, bị địch bắt giam đày ra nhà tù Phú Quốc.
Sau Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973), tôi được trao trả ở sông Thạch Hãn (Quảng Trị), được cấp trên đưa ra miền Bắc chữa thương và học tập chính trị, văn hóa. Là thương binh, tôi được ưu tiên cử đi học để tạo nguồn cán bộ cho miền Nam, nhưng tôi tha thiết được trở lại chiến trường, về lại đơn vị cũ trực tiếp cầm súng giải phóng quê hương.
Tôi về lại Tiểu đoàn đặc công 30 như nai về suối cũ. Đơn vị đóng quân ở phía Bắc dốc Chanh (huyện Tuy Hòa 1). Đầu năm 1974, cấp trên điều động tôi về Tỉnh đội Phú Yên nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 96.
***
Ly rượu đoàn viên giữa ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025 với Đại đội trưởng Hồ Thanh Bình (đơn vị K60) kính mến đã gần tuổi bách niên cùng vị thuyền trưởng tàu Không số huyền thoại Hồ Đắc Thạnh và người đồng đội, đồng hương làng Cát thân thiết thiếu tá Ngô Văn Định làm sống dậy những ký ức đã phủ bụi thời gian hơn nửa thế kỷ. Không lâu sau, đầu xuân Ất Tỵ 2025, khi trên giường bệnh do những mảnh đạn còn trong người làm vết thương cũ tái, tôi ngậm ngùi nghe tin thủ trưởng Hồ Thanh Bình đã thanh thản ra đi vào cõi trường sinh.
Hằn sâu trong câu chuyện hàn huyên cuối cùng ấy, người chỉ huy K60 đáng kính dặn tôi noi gương anh hùng Hồ Đắc Thạnh, cố gắng nhớ và ghi lại về đời bộ đội trong những năm tháng chưa xa, một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hơn nửa thế kỷ trước.
Tôi, người lính giải phóng quân bình dị như muôn ngàn đồng đội đã trải đạn, trải đời, nhiều phen sinh tử trong khói lửa chiến tranh. Cuộc đời trải qua bao biến cố thăng trầm mang trong người còn lắm vết thương, cố gắng ghi lại một đôi điều về những ngày đảm nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 96 (Tỉnh đội Phú Yên) như một nén hương lòng tri ân “nghĩa Đảng tình dân”, dâng lên đồng đội, đồng bào đã vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất mẹ, để có ngày mừng vui kỷ niệm đất nước thống nhất hôm nay.
CCB Ngô Minh Thơ (thứ hai từ phải qua) cùng Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh (bìa trái), thiếu tá Ngô Văn Định (bìa phải) thăm trung tá Hồ Thanh Bình, nguyên Đại đội trưởng K60 trước tết Ất Tỵ. Ảnh: TRẦN QUỚI
Trận phục kích diệt cụm xe tăng địch tại Núi Một - Củng Sơn ngày 24/3/1975
Sau khi quân ta tiến công và làm chủ Buôn Ma Thuột, địch hốt hoảng rút lui chiến lược, toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo đường số 7 về co cụm ở duyên hải.
Thực hiện mệnh lệnh của Sở Chỉ huy tiền phương tỉnh Phú Yên, do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân (Chín Cao) và Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu (Hai Văn) trực tiếp chỉ huy, các LLVT tỉnh Phú Yên chặn đánh địch tháo chạy trên đường tỉnh lộ 7.
Tiểu đoàn 96 được Sở Chỉ huy tiền phương giao nhiệm vụ hành quân thần tốc đến Hòn Một - điểm cao, cách trục đường số 7 khoảng 7km, có giá trị khống chế, bảo vệ phía Nam chi khu Củng Sơn. Tiểu đoàn 96 được giao nhiệm vụ chốt chặn, phối hợp với Sư đoàn 320 truy kích địch rút xuống Phú Yên. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 96 giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 và Đại đội 3 tổ chức phục kích đánh bộ binh và xe cơ giới địch.
Ngày 20/3/1975, quân chủ lực địch từ Phú Bổn theo đường 7 kéo xuống quận lỵ Củng Sơn gồm liên đoàn 6 biệt động quân, Thiết đoàn 19, Tiểu đoàn 22 thuộc Liên đoàn 23 biệt động quân. Địch co cụm tại Hòn Một gồm 31 xe tăng M41 và M47 để tiếp tục mở đường cho cuộc rút lui về Tuy Hòa.
Tiểu đoàn 96 bắt liên lạc với bộ đội chủ lực Sư đoàn 320 từ Phú Bổn truy kích địch. Ngày 23/3/1975, Tiểu đoàn 96 hành quân về phía Đông Củng Sơn 3km, chuẩn bị chiến trường, chọn địa điểm phục kích cách Hòn Một chừng 1km về phía Đông, hợp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực sẵn sàng tiến công tiêu diệt xe tăng địch.
Các Đại đội 1, Đại đội 2, Đại đội 3 của Tiểu đoàn 96 được trang bị B40, B41, thủ pháo, súng AK, lựu đạn và được tăng cường một súng DKZ 75mm và một súng cối 82mm.
Đúng 14 giờ 20 ngày 24/3/1975, chỉ huy Tiểu đoàn 96 ra lệnh các mũi đồng loạt nổ súng tiến công địch, đánh chiếm khu vực cụm xe tăng ở Hòn Một.
Sau 25 phút chiến đấu, quân ta bắn cháy 7 xe tăng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Quân lính địch còn sống sót hoảng hốt bỏ cả xe pháo tháo chạy tán loạn.
Sau khi diệt cụm xe tăng, Tiểu đoàn 96 phối hợp chặt chẽ với Sư đoàn 320 siết chặt vòng vây, tiến công đánh chiếm trận địa pháo 105mm. Đến 17 giờ, ngày 24/3/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ quận lỵ và chi khu Củng Sơn. Đồng chí Phạm Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ quân quản khu vực Củng Sơn vừa được giải phóng.
Trận cầu Lò Giấy ngày 17/3/1975
Trước đó, ngày 17/3/1975, Tiểu đoàn Bộ binh 96 được Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên chỉ đạo tiến công khu vực cầu Lò Giấy (thôn Định Thọ, xã Hòa Định), cách trung tâm Tỉnh đường chính quyền Sài Gòn 15km về phía Tây. Khu vực cầu Lò Giấy là địa bàn hoạt động quen thuộc của Tiểu đoàn Bộ binh 96, tiếp giáp với vùng giải phóng căn cứ của Huyện ủy Tuy Hòa 2.
Cầu Lò Giấy nằm trên trục đường số 7 bắc qua mương dẫn thủy dài 7m, rộng 4m. Địch bố trí ở đây một đại đội bảo an, Tiểu đoàn 220, kết hợp với các trung đội dân vệ đóng quân từ cầu Lò Giấy đến cầu Đúc khống chế đoạn đường 7 từ đèo Dinh Ông đến chợ Phong Niên.
16 giờ ngày 16/3/1975, tại phía Đông núi Ông La, Tiểu đoàn 96 xuất phát hành quân về phía Đông núi Hương (Hòa Mỹ) và đến vị trí tập kết. 5 giờ sáng 17/3/1975, Đại đội 3, Tiểu đoàn 96 hành quân đến cách bìa làng khoảng 50m. Phát hiện địch ở cầu Lò Giấy, tôi lệnh các xạ thủ B40, B41, cối 60mm nổ súng giòn giã.
Các cuộc vận động tiến công, khu vực cầu Lò Giấy, thôn Cẩm Thạch của Tiểu đoàn 96 thực hiện đúng ý định chỉ đạo của Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên, buộc địch bị động lúng túng đối phó phán đoán sai hướng tác chiến chủ yếu ở đường 5.
Khoảng 5 giờ 30, được Đại đội 2 phát triển dọc hai bên đường 7 đánh vào phía Đông cầu Lò Giấy, Đại đội 3 tiến công như chẻ tre từ trên xuống, đánh vào xóm Bầu Tròn, phát triển vào xóm Rộc, hình thành hai mũi khép chặt vòng vây khu vực xung quanh cầu Lò Giấy. Tiểu đoàn trưởng 96 chỉ huy Đại đội 1 phát triển qua cánh đồng trống đánh vào xóm cầu Lò Giấy, đồng thời lệnh cho đội hỏa lực DKZ, đại liên 12,8mm bắn áp chế địch sát bìa làng phía bắc cầu Lò Giấy.
5 giờ 45 ngày 17/3/1975, quân ta làm chủ trận địa, thu vũ khí, bắt tù binh và tổ chức lui quân về các vị trí chốt giữ tiếp tục đánh địch phản kích ban ngày.
Sau chiến thắng cầu Lò Giấy, Sở Chỉ huy tiền phương lệnh cho Tiểu đoàn 96 cơ động lực lượng lên thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây chặn đánh Tiểu đoàn bảo an 219 của địch từ Hòa Phong (huyện Tuy Hòa 1) vượt sông Ba sang khu vực thôn Cẩm Thạch phản kích, chi viện cho Tiểu đoàn bảo an 220.
Các cuộc vận động tiến công khu vực cầu Lò Giấy, thôn Cẩm Thạch của Tiểu đoàn 96 thực hiện đúng ý định chỉ đạo của Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên, buộc địch bị động lúng túng đối phó phán đoán sai hướng tác chiến chủ yếu ở đường 5.
***
Ngày 1/4/1975, Tiểu đoàn 96 (chuyên về chiến thuật bao vây tiến công, liên tục được huấn luyện đến cấp đại đội) cùng các đơn vị bạn gồm Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn trợ chiến 189, các đại đội đặc công, công binh cùng lực lượng các Huyện đội, Thị đội Tuy Hòa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực (Sư đoàn 320) tiến công thần tốc, giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên, mở ra trang sử mới cho quê hương trong bản hùng ca chung của đất nước.
NGÔ MINH THƠ (Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 96)