Ký ức người lính thắp lửa trái tim thế hệ trẻ

Ký ức người lính thắp lửa trái tim thế hệ trẻ
một giờ trướcBài gốc
Và đó cũng là những câu chuyện sống mãi với thời gian, thắp sáng ngọn lửa yêu nước trong trái tim nhiều thế hệ miền núi Sơn La.
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất cài trên ngực luôn là món quà vô giá, ghi dấu một thời hào hùng với cựu chiến binh Đoàn Đình Điểu, hiện đang sinh sống ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La.
Bước qua tuổi 75, nhưng ký ức ngày vừa tròn 20, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Điểu - người con của một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Thành phố Hà Nội).
Cựu chiến binh Đoàn Đỉnh Điểu phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
"Lúc bấy giờ tôi học xong rồi, thấy hào hứng quá, thế là anh em trong xóm có mấy người cũng ở độ tuổi đấy cùng nhau đi khám sức khỏe, tôi còn phải kiễng chân lên để đủ điều kiện nhập ngũ... Được đơn vị trong chiến trường nhận, thế là tôi hành quân lên đường, đi dãy Trường Sơn, đúng một tháng mười ngày đến đơn vị." - ông Điểu nhớ lại.
Được biên chế về đơn vị xạ thủ M-79, thuộc Tiểu đoàn 2, Sư đoàn bộ binh 968, Quân khu 4, từ năm 1971 đến 1973, ông Đoàn Đình Điểu tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Lào; tiếp đó là chiến dịch Tây Nguyên, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuật, tạo ra bước ngoặt lịch sử, quan trọng cho đại thắng mùa xuân.
Đến tháng 4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Đồng Dù (Củ Chi), nhằm tạo thế có lợi để quân ta tổng tiến công vào Sài Gòn. Ngày 29/4/1975, được lệnh tiên phong mở đường, bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc, ông Điểu và đồng đội đã xung phong mở đường và yểm trợ cho lực lượng chủ lực tiến công:
"Cả sư đoàn 968 chúng tôi được lệnh mở 4 cửa, cửa phía Tây, Tây Nam, phía Đông Nam, phía Bắc. Chúng tôi tràn vào đấy, đại đội của tôi tiếp cận đào hầm, đào hố, bởi vì khu đấy không có cây cối xung quanh, đằng sau là rừng cao su, còn đằng trước toàn đồng ruộng thôi... Thế là đơn vị tôi mở cửa, ba lần mới mở được." - ông Điểu kể.
Có mất mát, có hy sinh, nhưng ông Đoàn Đình Điểu cùng đồng đội vẫn kiên cường chiến đấu, đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của địch và làm chủ căn cứ Đồng Dù; góp phần to lớn cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Ký ức của người lính đã truyền ngọn lửa tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay
Dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng khoảnh khắc nghe tin báo chiến thắng, non sông nối liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà vẫn vẹn nguyên trong trái tim những người lính trong chiến dịch cũng như đồng đội trên khắp mọi miền.
Cựu chiến binh Đỗ Mạnh Cường, ở phường Mộc Sơn, thị xã Mộc Châu, Sơn La – khi ấy đang là bộ đội tình nguyện giúp đỡ nước bạn Lào, nhớ lại: Cảm xúc của 50 năm trước như vỡ òa trong tâm trí tôi, niềm vui chiến thắng của cả nước, mong muốn của nhân dân, của bộ đội hai miền giống nhau cả, lúc bấy giờ hạnh phúc, vui sướng không tả siết được, có người cười, có người khóc, vui đến thế... Cho đến ngày nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm 30/4 chúng tôi vẫn hạnh phúc, cảm xúc như ngày hôm qua...
Và kể từ ấy, ký ức về một thời chiến đấu không tiếc máu xương và niềm hạnh phúc ngày chiến dịch toàn thắng của những anh hùng cách mạng đã trở thành bài học lịch sử vô giá, chạm tới trái tim nhiều thế hệ nơi rẻo cao, biên giới Sơn La hôm nay.
Vun đắp hành trang kiến thức, lòng yêu nước cho học trò
"Con cảm thấy rất là hạnh phúc khi được sống trong hòa bình như hôm nay. Vì thế con càng biết ơn cha ông đã hi sinh xương máu để chúng con được sống bình yên." - Bùi Thảo Linh, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, thị xã Mộc Châu nói.
Ngô Bảo Ngọc, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, thị xã Mộc Châu cũng chia sẻ: Qua câu chuyện của các cựu chiến binh, chúng con có thêm rất nhiều kiến thức, chúng con cảm thấy rất tự hào về cha ông, về truyền thống cách mạng. Con xin hứa sẽ học tập thật tốt để tiếp bước cha ông.
Không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử được tái hiện sống động trên khắp các địa phương, trường học ở tỉnh miền núi Sơn La, từ những cuộc gặp gỡ, chia sẻ thân tình của các cựu chiến binh, đến đa dạng các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, sinh hoạt truyền thống hướng về ngày hội thống nhất non sông...
Nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng về ngày hội non sông được tổ chức
Thầy giáo Quách Công Cường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chiềng Sơn, thị xã Mộc Châu cho biết: Chúng tôi xây dựng chủ đề ngày giải phóng miền Nam 30/4 trong tiết sinh hoạt dưới cờ, mong muốn giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử, các anh hùng dân tộc, với trang sử hào hùng của đất nước. Từ đó khơi gợi niềm tự hào, hình thành cho các em tinh thần yêu nước và giúp các em hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình với đất nước.
Cùng với những trang sách, bài học từ câu chuyện lịch sử của lớp thế hệ cha ông đã vun đắp hành trang quý giá cho các thế hệ nơi vùng cao biên giới; để lớp trẻ sinh ra trong hòa bình sẽ lớn lên cùng lịch sử, tiếp nối ngọn lửa cách mạng, viết tiếp câu chuyện vẻ vang của đất nước, quê hương.
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/ky-uc-nguoi-linh-thap-lua-trai-tim-the-he-tre-post1194219.vov