Máy bay B52 của Mỹ đầu tiên bị bắn rơi tại Hà Nội năm 1972. (Ảnh tư liệu)
Ngày ấy tôi đang học lớp 4, nhà ở xóm Gốc Vối, xã Cao Ngạn (Đồng Hỷ), giáp thị trấn Núi Voi của TP. Thái Nguyên. Dọc con đường qua xóm, xe chở hàng hóa quân sự từ nước bạn về ra bến Giềng vượt sông Cầu chạy suốt ngày đêm.
Những ngày cuối tháng 12-1972, chính quyền tổ chức cho người già, trẻ em sơ tán vào các hang đá Núi Voi. Hang sơ tán lớn nhất là hang núi máng 12, sâu tới cả cây số, có thể chứa được hàng nghìn người. Trước cửa hang là bãi đất rộng có nhiều cây cổ thụ cành lá xum xuê. Ban ngày ít người nên hang lạnh lẽo, tối đen. Ban đêm chật kín người trên các sạp tre, phản gỗ. Mỗi gia đình có một ngọn đèn dầu nên khá dễ đi và vui mắt. Trong hang vui như hội, mọi người cười nói rôm rả, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Buổi đầu mấy cụ già chất củi gộc đốt lửa sưởi. Chỉ được một lúc do thoát khí kém, ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở nên đành thôi.
Đêm đầu sơ tán, tôi và mấy đứa bạn chỉ nhếnh nháng vào hang một lúc cho có rồi ra ngoài tán chuyện. Trời lạnh, gió hun hút thổi, áo bông dày cộp không ngăn nổi cái rét cắt da cắt thịt. Không thể đốt lửa sưởi vì các chú công an đã nhiều lần nhắc phải đề phòng máy bay Mỹ phát hiện trút bom, hoặc phóng tên lửa. Thằng Hải nhà cách đó một đoạn rủ cả bọn vào vườn nhổ sắn tìm chỗ kín nướng ăn, bởi theo hắn bom bỏ chưa chắc chết, rét quá có khi chết. Kiếm được mấy củ, chúng tôi tới ngôi miếu hoang dưới chân núi đốt lửa nướng. Ngôi miếu xây bằng gạch, mái ngói đã sập nhưng cây cối che khuất, tha hồ đốt lửa.
Sắn vừa chín, còi báo động vang lên riết róng. Chúng tôi không quay về hang mà ra gốc cây nhội bên đường xem bộ đội chiến đấu. Chỉ một lát, chớp giật liên hồi, mặt đất rung chuyển dữ dội. Pháo phòng không vạch lên trời những lằn lửa đỏ rực. Các quầng sáng bùng lên, mặt đất như con thuyền trên sóng. Những tiếng nổ gần làm chúng tôi ngã dúi vào nhau…
Tiếng máy bay xa dần, tiếng súng cũng ngưng, một bên trời rừng rực lửa cháy. Đêm ấy, ngồi sưởi mãi mỏi, chúng tôi sang chuồng trâu gần đó ngủ. Chuồng trâu phía trên chất đầy rơm khô nằm cũng ấm áp. Biết tôi không vào hang trú ẩn, bà và mẹ tôi mắng cho một trận nên thân. Có thằng trong nhóm còn bị ăn đòn.
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày những hiện vật lịch sử tại Khu di tích quốc gia địa điểm lưu niệm 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.
Một chiều muộn, mấy chiếc xe tải đỗ lại dưới vòm cây cổ thụ bên ngoài hang. Bố tôi và các chú tự vệ được điều đi ứng cứu trở về xuống xe, người bê bết bùn đất và vết máu. Bà con xúm lại hỏi han. Bố tôi cởi chiếc mũ sắt, chậm rãi: “Trận B52 đêm qua, người chết, bị thương nhiều. Báo động mọi người cần vào bên trong hang, không được chủ quan…”.
Thông tin máy bay Mỹ ném bom rải thảm vào các nhà máy, khu dân cư làm nhiều người chết đã lan truyền từ sáng, giờ mọi người mới được nghe trực tiếp. Một bác rơm rớm nước mắt: “Chắc họ nghĩ đêm Noel nó ngừng ném bom nên về dọn dẹp nhà cửa”. Chú tự vệ vết máu còn dính trên mặt, xót xa: “Người chết bọn tôi mang ra đặt bên vệ đường. Nhiều người thân thể nát bét, xương thịt bó vào mảnh bạt, manh chiếu chở đi chôn”. Bà tôi vội hỏi: “Không có quan tài sao?” “Chết nhiều quá. Gom hết cũng chỉ đủ quàn thi thể bộ đội, thanh niên xung phong... ”. Cầm bát nước ai đó đưa, bố tôi kể ở Lưu Xá, một đại đội thanh niên xung phong trúng bom, nhiều người hy sinh. Mãi sau này tôi mới biết đó là Đại đội 915, Đội 91 thanh niên xung phong Bắc Thái.
Có lẽ để tránh tổn thất, công nhân mỏ hết giờ làm việc cũng được yêu cầu sơ tán vào hang. Chiếc phản của bà tôi kê lọt thỏm trong hốc, lại có hõm thạch nhũ đặt ngọn đèn dầu. Tôi nếu không cùng mọi người chơi tam cúc, tú lơ khơ lại nằm đọc sách. Mỗi khi báo động, mấy thằng bạn kéo tôi lẻn ra cửa hang xem máy bay Mỹ thả bom và bộ đội chiến đấu. Sự chết chóc không làm chúng tôi sợ hãi.
Trong 12 ngày đêm sơ tán, những bữa cơm của các gia đình đến giờ nghĩ đến, tôi vẫn bị ám ảnh. Mảnh ni lông, tàu lá chuối làm mâm cơm chung. Nhà ai cơm cũng độn ngô, khoai, sắn hay mì sợi, nhiều người còn cẩn thận nắm lại cho nhuyễn, khi ăn dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ. Thức ăn là muối vừng, mắm tôm, sang lắm có mấy khúc cá khô.
Một ngày trước khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, sáng đó tôi đang nhóm lửa bên ngoài hang cho mấy bác đun nước phục vụ những người sơ tán thì còi báo động. Ngỡ như thường lệ còi thường lắng một lúc máy bay Mỹ mới lao đến. Tôi chưa kịp dụi tắt bếp đã nghe những tiếng nổ đinh tai nhức óc và tiếng súng đồng loạt vang lên. Chạy về đến cửa hang, mấy chú công nhân bảo nó phóng tên lửa hay rốc két gì đó rồi mới lao vào trút bom. Ngày hôm đó báo động liên tục. Bom nổ khắp nơi. Buổi tối vào hang, không khí bỗng nhiên trầm lắng, một số người sụt sùi: May dân đi sơ tán, nhà cửa tan hoang, bộ đội hy sinh nhiều.
Mỗi lần đi qua những nơi bị bom Mỹ tàn phá năm xưa, kí ức 12 ngày đêm cuối năm 1972 như làn gió lạnh thổi về từng chặp. Sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh dần khuất lấp, chỉ còn vài hố bom hoặc công trình cũ để lại làm chứng tích. Với tôi và bạn bè đồng trang lứa, năm tháng ấy như một sự trải nghiệm với những bài học sâu sắc về tình người, tình đời.
Phan Thái