Người dân hân hoan mừng chiến thắng 30/4 (ảnh tư liệu)
KÝ ỨC 30 THÁNG TƯ
Anh muốn đưa em về miền ký ức
Bốn mươi năm vẫn rạo rực trong lòng
Cả Tổ quốc mình trống mở cờ dong
Mừng chiến thắng hơn hai mươi năm đánh giặc.
Rợp cờ hoa nối từ Nam ra Bắc
Mẹ đón con, vợ nắm chắc tay chồng
Niềm vui vỡ òa cả dưới đất trên không
Lòng náo nức của con Rồng cháu Lạc.
Quét sạch rồi tiếng gầm vang đại bác
Mang yên bình cho câu hát mẹ ru
Dẫu chiến tranh còn vương lại khói mù
Sau giải phóng còn chưa bù mất mát.
Nhưng ít ra cũng tạm lùi trận mạc
Mong hòa bình đem mát mẻ con tim
"Ba mươi tháng Tư" mở ký ức lần tìm
Cái hạnh phúc được tìm trong xương máu.
Kể em nghe để rồi khuyên con cháu
Chẳng có vị ngọt nào dễ đến tự nhiên
Đời chiến binh là vất vả triền miên
Ngày chiến thắng mới mới chỉ "thuyền cập bến"
HỒ NHƯ
Trong mạch nguồn bất tận của thơ ca viết về chiến tranh và hòa bình, bài thơ “Ký ức 30 tháng 4” của tác giả Hồ Như là một tiếng vọng nhẹ nhàng mà sâu lắng, gợi nhớ về những ngày tháng khó quên trong lịch sử dân tộc.
Bài thơ không chỉ tái hiện một thời khói lửa hào hùng mà còn là lời tri ân đối với những con người đã làm nên chiến thắng. Tác phẩm như một nhịp cầu nối giữa những ngày tháng khói lửa và hiện tại yên bình, mở ra không gian suy tưởng, để mỗi người trong chúng ta lắng lại, cảm nhận và biết ơn. Mở đầu bài thơ là lời gọi mời tha thiết:
Anh muốn đưa em về miền ký ức
Bốn mươi năm vẫn rạo rực trong lòng
Hai câu thơ đầu, tác giả đã khơi gợi một miền ký ức thiêng liêng. Từ “muốn đưa em về” không chỉ là hành động của người kể, mà còn là tâm nguyện chung của bao thế hệ mong được trở lại, được sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng của ngày đất nước thống nhất. Cảm xúc trong thơ không bi lụy mà ấm áp, sâu lắng, thể hiện qua cụm từ “vẫn rạo rực trong lòng”.
Dù nhiều năm đã qua nhưng ký ức ấy vẫn cháy âm ỉ trong tim mỗi người con đất Việt. Từ cảm xúc riêng, bài thơ mở rộng ra không gian rộng lớn của cả dân tộc:
Cả Tổ quốc mình trống mở cờ dong
Mừng chiến thắng hơn hai mươi năm đánh giặc
Một hình ảnh tráng lệ được vẽ nên với âm thanh trống hội, màu sắc cờ hoa rợp trời. Ngày 30 tháng 4 không chỉ là mốc son lịch sử, mà còn là một lễ hội chiến thắng của dân tộc. Niềm vui ấy không của riêng ai, mà là kết tinh của bao thế hệ đã hy sinh. Cụm từ “hơn hai mươi năm đánh giặc” gợi nhắc đến sự trường kỳ và gian khổ của cuộc kháng chiến, đồng thời khẳng định giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do. Bức tranh chiến thắng tiếp tục được mở rộng bằng những hình ảnh đời thường, gần gũi.
Rợp cờ hoa nối từ Nam ra Bắc
Mẹ đón con, vợ nắm chắc tay chồng
Niềm vui vỡ òa cả dưới đất trên không
Lòng náo nức của con Rồng cháu Lạc
Không khí của một ngày hội lớn hiện ra qua từng vần thơ. Từ miền xuôi đến miền ngược, thành thị đến nông thôn, niềm vui lan tỏa khắp nơi. Có giọt nước mắt đoàn tụ, có cái nắm tay chan chứa yêu thương sau những năm tháng xa cách. Tác giả không để cảm xúc trôi theo niềm vui đơn thuần. Bài thơ chuyển sang những cung bậc sâu lắng hơn khi nhắc đến những mất mát không thể đong đếm.
Quét sạch rồi tiếng gầm vang đại bác
Mang yên bình cho câu hát mẹ ru
Dẫu chiến tranh còn vương lại khói mù
Sau giải phóng còn chưa bù mất mát
Chiến tranh có thể kết thúc bằng một ngày toàn thắng nhưng hậu quả của nó thì còn kéo dài mãi. “Khói mù” ở đây không chỉ là khói bom mà còn là biểu tượng cho những vết thương lòng, những nỗi đau chưa thể nguôi ngoai. Dù đất nước đã thống nhất nhưng những người mẹ mất con, người vợ mất chồng… vẫn mang trong mình khoảng trống không thể lấp đầy. Chính sự đối diện với sự thật ấy đã làm nên chiều sâu của bài thơ.
Nhưng ít ra cũng tạm lùi trận mạc
Mong hòa bình đem mát mẻ con tim
Ba mươi tháng Tư mở ký ức lần tìm
Cái hạnh phúc được tìm trong xương máu
“Tạm lùi trận mạc” là một cách diễn đạt đầy tính biểu tượng. Đằng sau sự lặng lẽ ấy là bao tổn thất, nhưng cũng là niềm mong mỏi về một vùng bình yên. Hạnh phúc, vì thế, không tự nhiên có mà phải được đánh đổi bằng hy sinh, bằng máu xương. Đó là thông điệp mà bài thơ muốn gửi gắm một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Những câu cuối của bài thơ như một lời nhắn gửi đến thế hệ mai sau.
Kể em nghe để rồi khuyên con cháu
Chẳng có vị ngọt nào dễ đến tự nhiên
Đời chiến binh là vất vả triền miên
Ngày chiến thắng mới chỉ thuyền cập bến
Bài thơ khép với mhững lời thủ thỉ, tâm tình của tác giả. Nhà thơ muốn nhắn gửi cho thế hệ trẻ rằng chiến thắng là thành quả của bao gian khổ. Cuộc sống hòa bình hôm nay cần được trân trọng.
Bài thơ “Ký ức 30 tháng 4” của Hồ Như không đơn thuần là bài ca ca ngợi chiến thắng. Nó là tiếng nói của một người từng đi qua mất mát, thấu hiểu những giá trị thiêng liêng của hòa bình. Với giọng thơ chân thành, hình ảnh gần gũi, cấu tứ mạch lạc, tác phẩm đã góp phần làm sâu sắc thêm dòng thơ viết về chiến tranh - hòa bình, một chủ đề luôn sống mãi trong lòng thi ca Việt Nam.
LÂM OANH