Nhà giáo Vũ Hữu Giao chia sẻ về những cuốn giáo trình mà ông còn giữ từ thời kháng chiến.
Lớp học ở trong rừng
Ông Hoàng Văn Đô (sinh năm 1944) là cán bộ giảng dạy tại Trường Cơ khí luyện kim từ năm 1964. Dù đã ngoài tuổi 80, có chút nặng tai, song ông Đô vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng dạy học khi đất nước chưa yên tiếng súng. Năm 1965, trước những đợt tấn công dữ dội của Mỹ nhằm phá hoại hậu phương miền Bắc, ông Đô cùng các thầy, cô giáo phải sơ tán về sườn Đông của dãy Tam Đảo (nay là xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên). Để có lớp học, có nhà để ở, thầy và trò Nhà trường phải đi vào tận rừng sâu tìm gỗ, tre, nứa, lá.
“Lúc ấy, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những lớp học được dựng lên từ bàn tay của thầy và trò. Tất cả bàn ghế đều làm bằng tre, nứa kê lên. Bảng viết dùng những miếng gỗ có thớ mịn, đẽo thật phẳng ghép lại, treo lên thân cây. Phấn viết của học viên có khi là những viên đá màu được nhặt trên núi về. Để có chỗ nằm nghỉ, chúng tôi đóng cọc tre làm giường rồi đan phên làm chiếu. Đói, rét và thiếu thốn nhưng chẳng ai kêu than lấy nửa lời. Chính những lớp học ấy đã đào tạo được bao thế hệ trưởng thành, phục vụ cách mạng, kháng chiến…” - ông Hoàng Văn Đô hồi tưởng.
Năm 1971, khi đang tham gia giảng dạy, ông Đô được điều động vào quân đội, tại đơn vị D45, Đoàn pháo binh sông Cả, tham gia chiến đấu giúp đỡ nước bạn Lào. Vốn là giáo viên kỹ thuật, ông được biên chế vào trạm sửa chữa của đơn vị. Trong thời gian này, ông vừa thực hiện nhiệm vụ vừa hướng dẫn đồng đội kỹ thuật sửa chữa. Và thế là, những “lớp học” lại xuất hiện nơi mặt trận. Không còn phấn trắng, bảng đen, cũng không cần lý thuyết, ông Đô “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn cho mọi người trên thực tế những chiếc xe bị sự cố giữa đường.
Nhà giáo Hoàng Văn Đô chia sẻ về bài thơ do ông sáng tác về những ngày đi sơ tán dạy học ở sườn Đông Tam Đảo.
Bài thơ của nhà giáo Hoàng Văn Đô viết về những năm tháng gian khổ đi sơ tán dạy học.
Ông nhớ lại: Lúc đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ, chỉ một chút sơ suất là sẽ bị địch phát hiện, bắn phá, xe mà bị cháy thì người cũng đi luôn. Do vậy, chúng tôi phải ngụy trang rất kỹ cho xe trong quá trình sửa chữa; sửa xe vào ban đêm thì đèn cũng không được bật, chỉ được sờ men theo từng bộ phận…
Tất cả… vì lòng yêu nước
Tham gia dạy học trong kháng chiến chống Mỹ, rồi có thời gian dài làm ở Nông trường chè sông Cầu (Đồng Hỷ), đến giờ khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà Đoàn Thị Loan (sinh năm 1937) vẫn cho rằng cuộc đời bà đẹp nhất là những năm tháng dạy học.
Bà Loan kể: Khi tôi học xong lớp 4, lúc đó khoảng 17 tuổi thì các bác trong làng thấy biết chữ, lại nhanh nhẹn nên bảo ra dạy lớp bình dân học vụ cho những người lớn tuổi, chủ yếu là các bà, các mẹ. Sau đó một thời gian thì tôi chuyển sang dạy lớp “i tờ” (lớp vỡ lòng) cho các cháu nhỏ. Cứ chập choạng tối, từ những ngõ xóm, bìa rừng lại thấy ánh sáng ngọn đuốc như bầy đom đóm của học sinh đến tham gia lớp học ban đêm. Từ trẻ đến già ai cũng nhiệt tâm tham gia để tiếp tục đẩy lùi “giặc dốt”. Còn chúng tôi, ai nấy đều miệt mài dạy, một lòng truyền đạt những kiến thức đã được học đến mọi người. Các lớp học đều miễn phí, chẳng có ai nghĩ tới công sá gì…
Những nhà giáo thời kháng chiến cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa.
Khi chúng tôi hỏi kỷ niệm mà bà nhớ nhất trong quá trình dạy học của mình, bà Loan cười hiền: Có lần, giữa trưa hè oi ả tôi dạy học liên tục nên mệt quá, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thì thấy các học trò vây quanh, luôn tay quạt cho cô giáo. Những kỷ niệm tưởng chừng như bình dị nhưng lại khắc sâu trong tim tôi. Cho đến tận bây giờ, khi gần 90 tuổi, nhưng mỗi khi có dịp gặp lại học trò cũ, tôi vẫn dang tay ôm chúng vào lòng như những ngày còn ở lớp “i tờ”.
Giống như bà Đoàn Thị Loan, ông Vũ Hữu Giao (sinh năm 1938), nguyên là Trưởng phòng Quản lý sinh viên, Đại học Nông lâm Thái Nguyên cũng có không ít những kỷ niệm với học trò của mình. Ông Giao chia sẻ: Có những đợt Trường phải cho sinh viên nghỉ học hàng tháng vì thiếu lương thực. Nhìn học trò đói quá, nhiều em không đủ sức khỏe để học tập mà thương. Sống bằng lương thực hạn chế, có em còn bị suy dinh dưỡng hoặc ốm do điều kiện vệ sinh kém. Đau lòng đấy nhưng cũng không biết làm sao khi cả thầy và trò đều cực khổ.
Rồi cơ sở vật chất cũng thiếu thốn. Nhà lớp học thì được dựng sơ sài, ban đêm thì lạnh, mưa thì dột, gió hắt. Lúc bấy giờ, giáo trình học tập cũng cực kỳ thiếu thốn, nhiều sinh viên học chung một giáo trình là chuyện thường. Có những môn sinh viên không có giáo trình, tôi phải viết lên bảng để học trò chép tay lại lấy tư liệu học tập… - ông Vũ Hữu Giao
Trong suốt những năm tháng kháng chiến khó khăn, gian khổ, những thầy, cô giáo như ông Vũ Hữu Giao, bà Đoàn Thị Loan, ông Hoàng Văn Đô vẫn kiên trì, miệt mài “gieo chữ”. Nhiều nhà giáo Thái Nguyên đã ngã xuống vì bom đạn, nhưng trước khi hy sinh, họ vẫn kịp trao lại những cuốn sách, trang giáo án cho đồng nghiệp, thậm chí dùng thân mình để che chắn cho học sinh khỏi bom rơi, đạn lạc. Những lớp học trong rừng sâu hay dưới hầm trú ẩn vẫn liên tục được tổ chức. Không chỉ dạy chữ, các thầy, cô giáo còn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, giáo dục, trở thành biểu tượng cho sự dũng cảm và lòng yêu nghề, yêu Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng với những người trong cuộc, ký ức về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy như mới hôm qua. Đến nay, ngành Giáo dục và đào tạo của tỉnh đã phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng, gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Và trên chặng đường vẻ vang ấy ghi đậm dấu ấn của biết bao thế hệ nhà giáo, trong đó có những nhà giáo thời kháng chiến.
Thu Huyền