Ký ức và kỳ vọng về tuyến đường sắt răng cưa

Ký ức và kỳ vọng về tuyến đường sắt răng cưa
3 giờ trướcBài gốc
Ngoài đoạn đường sắt nối từ Ga Đà Lạt đi Trại Mát dài khoảng 7km được khai thác để phục vụ du lịch bắt đầu từ năm 1990 tới nay, phần còn lại của tuyến đường sắt này đã trở thành ký ức. Qua hơn nửa thế kỷ tồn tại với thời gian, giờ đây, công trình mang dấu ấn đặc trưng của Cao nguyên Lâm Viên một thời chỉ còn lại những nhà ga, những hầm chui hoang phế và xuống cấp nghiêm trọng...
Tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km, xây dựng trong 30 năm (1902-1932), gồm hai đoạn từ Tháp Chàm đến Krongpha (Sông Pha) và từ Krongpha đến Đà Lạt
Đây là 1 trong 2 tuyến đường sắt leo núi duy nhất trên thế giới chạy bằng răng cưa. Cùng với Pinlatus-Bahn tại Thụy Sĩ, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành công nghiệp đường sắt thế giới
Đoạn kỳ vĩ nhất của tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt chính là 8,2 km đường răng cưa từ Eo Gió xuống Krongpha, vượt con đèo Ngoạn Mục nối giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng
Để vượt qua đỉnh đồi Eo Gió xuống Krongpha, những trụ cầu bằng đá cao hơn 20m bắc qua con suối Đa Nhim đã được xây dựng vững chắc. Nay, những trụ đá này đã trở thành phế tích, gợi nhớ những chuyến tàu huyền thoại nối liền hai vùng đất "hoa và biển"
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt do người Pháp xây dựng, có 5 hầm chui với kết cấu đá chẻ, bê tông cốt thép. Hiện nay, hầm số 1, 2 nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hầm số 3, 4, 5 nằm trên địa bàn Lâm Đồng. Trong ảnh là hầm chui số 5, một phía miệng hầm cỏ mọc um tùm
Cung đường bằng tàu hỏa kỳ vĩ đầy tự hào và thơ mộng này phải ngừng hoạt động vào năm 1969 vì chiến tranh. Trải qua bao thăng trầm và đã có nhiều dự án muốn khôi phục lại tuyến đường sắt này nhưng chưa khả thi, để lại những công trình hoang phế đầy nuối tiếc giữa rừng. Trong ảnh là hầm chui số 2 nằm trên đỉnh đèo Ngoạn Mục (thị trấn D'Ran, huyện Đơn Dương). Từ hầm chui này, đoàn tàu huyền thoại bắt đầu hành trình đổ đèo Sông Pha xuống Ninh Thuận trên đường ray răng cưa độc đáo
Hầm chui số 4 có chiều dài 126m, độ cao 6,6m, rộng 4,6m. Hầm chui này đến nay vẫn còn nguyên vẹn, ít bị rạn nứt, thấm dột. "Hầm chui tàu hỏa xây dựng đã gần 100 năm nhưng kết cấu vẫn rất chắc chắn, bền bỉ qua thời gian, thật hiếm có" - Ông Cao Văn Minh (62 tuổi, trú xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) có nhà ở cạnh Hầm chui số 4 tấm tắc
Hàng trăm con dơi trú ngụ trong hầm chui. Ông Minh chia sẻ hàng đêm đều cùng 2 chú chó đi kiểm tra hầm xe lửa để không cho người dân bắt dơi trong hầm
Đã gần 50 năm từ khi đoàn tàu ngưng chạy, nhưng những ray răng cưa, tà vẹt vẫn còn lại với thời gian
Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Liễu (77 tuổi, ngụ xóm Ga, Thôn 3, thị trấn D'Ran) vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh về đoàn tàu bánh răng cưa
Hàng chục năm qua, bà Liễu và nhiều hộ dân vẫn sinh sống trong khuôn viên Nhà ga trạm Eo Gió đã xuống cấp nghiêm trọng. Họ đã trở thành những nhân chứng cho những ký ức đẹp chưa thể phai mờ về tuyến đường sắt này
Gia đình chị Vân, một trong 8 gia đình sinh sống tại khu vực bán vé Nhà ga trạm Eo Gió tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt, là gia đình cuối cùng ở lại đây. Hiện, gia đình chị đang vận chuyển đồ đạc để tới nơi ở mới sau 14 năm sống trong khu nhà ga cổ này
Cạnh Nhà ga trạm Eo Gió là khu sửa chữa, vợi hàng hóa. Dù vẫn còn nguyên vẹn dáng dấp nhưng dấu vết thời gian cũng đã in hằng lên công trình này. Giờ đây, khu vực này được người dân tận dụng làm kho chứa vật dụng nông nghiệp, phân bón
Ông Huỳnh Ngọc Cường (71 tuổi, người dân thị trấn D'Ran) chia sẻ đã gắn bó với Nhà ga trạm Eo Gió từ ngày còn nhỏ, đến nay ga đã rêu phong bụi mờ. "Ngày xưa, mỗi khi tàu dừng, nhà ga rất nhộn nhịp. Người dân trong làng thường mang trái cây, nông sản ra ga bán cho khách" - ông Cường nhớ lại
Tại Nhà ga trạm Xuân Thọ, hiện nay, các công trình cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Qua hơn nửa thế kỷ, người dân trồng cà phê, xây nhà cửa san sát rất khó định hình ranh giới của nhà ga, đường ray năm xưa
Mái nhà ga đổ nát
Sân ga đọng nước
Nét hoang phế phủ kín Nhà ga trạm Xuân Thọ
Hiện tại, Ga đường sắt Đà Lạt quản lý và vận hành tuyến đường sắt ngắn nhất Việt Nam, chỉ 7 km. Tuyến đường này phục vụ du khách di chuyển từ trung tâm Đà Lạt đi Trại Mát. Đây cũng là đoạn đường sắt duy nhất còn sót lại từ tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang Tháp Chàm - Đà Lạt năm xưa
Tàu lửa du lịch di chuyển với vận tốc khá chậm chỉ 15 km/h, giúp du khách ngắm được trọn vẹn vẻ đẹp của TP Đà Lạt, nhất là khi thành phố lên đèn
Tháng 4/2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khai trương Đoàn tàu du lịch “Hành trình đêm Đà Lạt” nối từ Ga Đà Lạt đến Ga Trại Mát thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm
Người dân và du khách thích thú ngắm nhìn đoàn tàu hỏa du lịch đi từ Ga Đà Lạt đến Ga Trại Mát
Trong chuyến công tác tại Lâm Đồng vào cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Ga Đà Lạt và kiểm tra một đoạn đường sắt răng cưa còn lại, Thủ tướng bày tỏ: Trong quá khứ, chúng ta đã không giữ các đầu máy hơi nước, đường sắt răng cưa, đó là một điều đáng tiếc. Do đó, nếu cần thiết có thể khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt”
Tháng 7/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức đối tác công - tư PPP. Đồng thời, giao Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn các thủ tục hồ sơ đề xuất dự án để trình thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật
CHÍNH THÀNH
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/ky-uc-va-ky-vong-ve-tuyen-duong-sat-rang-cua-9aa0e3b/