Những kỷ vật này không chỉ là vật dụng cũ, từng được sử dụng từ cách đây mấy chục năm, mà còn chứa đựng những ký ức sống động về tuyến đường huyền thoại Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện về sự sáng tạo, tinh thần quả cảm, vượt khó, những kỷ niệm khó quên, hay sự vất vả, hy sinh vì Tổ quốc của người lính Trường Sơn năm xưa. Trong 4 ngăn tủ tại kho lưu trữ của Bảo tàng tỉnh, các kỷ vật Trường Sơn được cất giữ, bảo quản cẩn thận, mỗi hiện vật được sắp xếp ngăn nắp, đánh số và ghi rõ tên gọi, cũng như địa chỉ người hiến tặng.
Trong ngăn tủ đựng các hiện vật bằng kim loại, tôi chú ý tới các hiện vật ghi tên ông Phạm Văn Long, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên hiến tặng. Ông Long là một trong những người đã hiến tặng nhiều nhất, với 12 kỷ vật. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện đầy ý nghĩa, gắn bó với ông trong suốt những năm tháng trong chiến trường gian khổ. Đặc biệt, có bộ đĩa gồm 7 chiếc, được ông tự tay chế tác từ ống bom bi của Mỹ. Trong chiến tranh, khi mọi thứ đều khan hiếm, những vật dụng cần thiết như đĩa đựng thức ăn cũng là một thứ gì đó xa xỉ.
“Những chiếc đĩa này tôi gò từ ống bom bi của Mỹ. Để làm được, tôi phải cắt, mài và tạo hình từng chút một. Mỗi ống bom lớn bằng bắp đùi người, để làm được những chiếc đĩa, tôi phải dùng cánh bom bi mài thành dao để cắt ống bom, lấy cạnh hòm đạn làm khuôn gò, rồi dùng cánh bom bi đập xuống tạo thành rãnh, cuối cùng là dùng đá mài dũa xung quanh để tạo độ nhẵn, mịn cho các cạnh. Trong chiến trường gian khó với muôn vàn hiểm nguy, hy sinh nhưng những chiến sĩ Trường Sơn không ai nản lòng mà luôn sát cánh bên nhau vượt qua gian khó, chiến đấu vì Tổ quốc”- ông Long bồi hồi kể lại.
Trong số những kỷ vật Trường Sơn tại Bảo tàng tỉnh, chiếc bình tông nhôm màu xanh do ông Hoàng Xuân Vinh, xã Bản Lầu (Mường Khương) hiến tặng cũng là một hiện vật đầy cảm xúc. Chiếc bình với thiết kế đơn giản nhưng hữu ích, nó đã cùng ông vượt qua những ngày hành quân mệt mỏi, tiếp sức cho ông và đồng đội trên chiến trường gian khổ. Ông Vinh chia sẻ: Chiếc bình này gắn bó với tôi từ ngày nhập ngũ (năm 1971) đến suốt những chặng đường gian nan sau đó. Mỗi lần nhìn lại, tôi đều nhớ về quãng thời gian sống và chiến đấu bên đồng đội, những người luôn sẵn sàng chia sẻ từng giọt nước, động viên nhau bằng nụ cười chứa đựng niềm tin.
Câu chuyện của ông Trần Văn Hồi, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai và chiếc chăn dù màu xanh lá cây - chiến lợi phẩm mà ông và đồng đội thu được sau trận chiến cam go ở Play Cần (Kom Tum) năm 1973 cũng mang một chiều sâu lịch sử. Chiếc chăn thực ra là chiếc dù thả hàng của Mỹ. Do chiếc dù có kích thước lớn nên các anh, em trong đơn vị đã chia nhau mỗi người một mảnh để làm kỷ niệm. Theo ông Hồi, mảnh dù này đã được ông dùng làm vỏ chăn để đắp trong suốt quá trình phục vụ trong quân ngũ. Nó chứa đựng bao ký ức khó quên và là bạn đồng hành với ông trong nhiều đêm dài chiến đấu. Năm 2019, ông đã tặng lại chiếc chăn dù màu xanh cho Bảo tàng tỉnh.
Những kỷ vật tuy đơn sơ, giản dị, có phần cũ kỹ theo thời gian nhưng ẩn chứa giá trị lịch sử không thể đong đếm. Chúng là minh chứng cho sự hy sinh và tinh thần bất khuất của thế hệ cha ông để đất nước có được hòa bình, thịnh vượng hôm nay.
Tôi là người trực tiếp tiếp nhận nhiều kỷ vật Trường Sơn từ các cựu chiến binh của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại Lào Cai. Lắng nghe và ghi chép câu chuyện về từng kỷ vật của các bác, các ông, tôi không khỏi xúc động và thầm cảm ơn những hy sinh, vất vả của thế hệ đi trước. Tôi cố gắng để hiểu, ghi nhớ và truyền tải đầy đủ cảm xúc về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các kỷ vật để lan tỏa giá trị to lớn của các kỷ vật ấy.
Chị Bùi Bích Ngọc, Phòng Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày (Bảo tàng tỉnh Lào Cai).
Là người đã có gần 30 năm làm công việc lưu trữ, bảo quản các hiện vật tại kho của Bảo tàng tỉnh, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản luôn nâng niu và yêu quý các hiện vật, dù đơn giản, nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều giá trị lịch sử to lớn với quê hương, đất nước.
Ngay sau khi tiếp nhận các tài liệu, hiện vật từ cán bộ phòng nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày, chúng tôi đã nhập kho và đưa vào các tủ bảo quản cẩn thận, duy trì nhiệt độ ở mức 18 - 25 độ C theo quy định và thường xuyên kiểm tra, vệ sinh không gian, các ngăn tủ để đảm bảo an toàn cho các hiện vật.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Kiểm kê (Bảo tàng tỉnh Lào Cai).
Không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẳng định: Chúng tôi đã đưa các hiện vật vào hệ thống kho dữ liệu quốc gia. Ngoài việc thực hiện lưu giữ, bảo quản theo đúng quy định, chúng tôi còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, trưng bày, triển lãm kỷ vật Trường Sơn và mời cựu chiến binh đến để trực tiếp chia sẻ những câu chuyện với thế hệ sau. Chúng tôi muốn các kỷ vật không chỉ nằm yên trong các ngăn tủ, mà còn trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, mỗi kỷ vật là một ngọn lửa, giữ cho ký ức lịch sử không bao giờ bị lãng quên.
Những kỷ vật Trường Sơn không đơn thuần chỉ là những vật dụng cũ kỹ, mà còn là câu chuyện về một thế hệ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp; là niềm tự hào, cầu nối đưa quá khứ gần hơn với hiện tại, nhắc nhở chúng ta: Hòa bình hôm nay được xây từ biết bao hy sinh của thế hệ đi trước, là ngọn lửa mãi cháy trong tim mỗi người Việt Nam.
Hoàng Thương