UBND TP HCM vừa gửi tờ trình đề nghị HĐND thành phố xem xét thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng theo các chương trình, đề án của Thành ủy và UBND thành phố.
Trở ngại
Theo UBND TP HCM, thời gian qua Thành ủy - UBND TP HCM ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc triển khai gặp một số khó khăn khi sử dụng ngân sách thực hiện thanh - quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Cán bộ, công chức tại TP HCM trong giờ làm việcẢnh: HOÀNG TRIỀU
Như tại Đề án 04/2001 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, một trong các nhiệm vụ đề ra là tổ chức đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, khoản 1 điều 5 Nghị định 101/2017 quy định đối tượng, điều kiện được đào tạo trình độ đại học là "Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn". Do không thuộc đối tượng theo Nghị định 101 nên khi triển khai Đề án 04, thành phố không có cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành về "dân tộc - tôn giáo" đối với các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, thành phố cũng gặp vướng mắc trong hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng đối với viên chức và một số đối tượng khác.
Cụ thể như trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 01/2021 (của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM liên quan hỗ trợ kinh phí cho cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ), Đề án 04 và các chương trình, đề án, kế hoạch khác của thành phố thì tham gia không chỉ cán bộ, công chức mà còn có viên chức, người làm trong trong cơ quan của Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy thế, theo quy định hiện nay, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, nguồn kinh phí dành cho đào tạo được bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có).
Điều này ít nhiều dẫn đến khó khăn cho các cơ quan, đơn vị khi nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế. Việc chi trả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức (nhất là các trường hợp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình, kế hoạch chung của thành phố) của các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Phù hợp và cần thiết
Từ những khó khăn trên, UBND TP HCM cho biết việc nghiên cứu, trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết để sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ, khuyến khích, phát triển các tài năng trẻ, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu phát triển là phù hợp và cần thiết.
Theo UBND TP HCM, nếu được thông qua, nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý để bố trí ngân sách thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong khả năng cân đối của ngân sách thành phố.
Sau khi nghị quyết được thông qua, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan có liên quan lập dự toán kinh phí, thực hiện chi và quyết toán hằng năm theo quy định.
Điều này hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao, năng lực tốt, có khả năng thích ứng cao trong môi trường hội nhập sâu rộng; vừa thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ vừa có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt; có đủ năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại.
Dự kiến, Đề án 01/2021 cần 36 tỉ đồng cho giai đoạn 2022 - 2025, 9 tỉ đồng/năm. Đề án 04/2021 tổng kinh phí hơn 15,2 tỉ đồng, phân kỳ theo từng năm... Cũng theo tờ trình, bồi dưỡng dành cho cán bộ các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp TP HCM, cấp huyện và cán bộ cấp xã khoảng 6 tỉ đồng/năm; bồi dưỡng cho viên chức khoảng 25 tỉ đồng/năm, bồi dưỡng ở nước ngoài cho viên chức khoảng 7 tỉ đồng/năm.
Đối với các đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng khác của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM và UBND TP HCM trong thời gian tới, kinh phí sẽ dự toán trong khả năng cân đối của ngân sách khi xây dựng và triển khai thực hiện.
Tăng năng lực, giảm áp lực
Vừa qua, TP HCM tổ chức khảo sát với quy mô 12.869 phiếu đối với đối tượng công chức và 76.601 phiếu đối với đối tượng viên chức. Khảo sát nhằm thu thập thông tin về quan điểm, cảm nhận và thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với nền công vụ thành phố.
Kết quả cho thấy áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công. Theo đó, hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Ngoài ra, trên 43% công chức sẵn sàng rời bỏ công việc khi có cơ hội, gần 22% còn đang phân vân...
Khảo sát cũng chỉ ra áp lực công việc tập trung ở cấp cơ sở khi gánh nặng quá tải công việc tập trung ở nhóm công chức ở phường, xã, thị trấn. Có đến 80,48% công chức ở nhóm này đánh giá khối lượng công việc ở mức "nhiều" và "rất nhiều"...
Những con số trên cho thấy đối tượng công chức, viên chức đang chịu nhiều áp lực. Do đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ về thu nhập, nhà ở..., việc UBND TP HCM đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng theo các chương trình, đề án của Thành ủy và UBND thành phố là một chiều kích tích cực.
Điều này giúp nâng cao trình độ, phát huy năng lực, qua đó công việc được tiến hành nhẹ nhàng, trôi chảy hơn. Động lực nâng cao kiến thức, gắn bó công việc cũng vì thế mà tăng lên… Do vậy, hiện thực hóa đề xuất sớm chừng nào, thành phố lợi chừng nấy.
Nguyễn Phan
NGUYỄN PHAN