Kỳ vọng doanh nghiệp 'xanh hóa' giúp hóa giải lãng phí hàng triệu tấn phụ phẩm rau quả

Kỳ vọng doanh nghiệp 'xanh hóa' giúp hóa giải lãng phí hàng triệu tấn phụ phẩm rau quả
10 giờ trướcBài gốc
Vào cuối tháng 6/2025 vừa qua, một doanh nghiệp (DN) nội địa ở Tp.HCM có tên gọi là Faslink cùng các đối tác chuyên môn đã sản xuất thành công dòng vải tự nhiên cao cấp được chiết tách từ phụ phẩm rau quả là lá dứa.
Áp dụng chiến lược tái chế thông minh
Theo đó, từ phế phẩm rau quả từng bị bỏ đi sau thu hoạch, lá dứa được DN nêu trên ứng dụng thành nguồn sợi tự nhiên cao cấp, không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang đậm chất bản địa. Nhất là loại sợi mới có tính ứng dụng cao trong thời trang, may mặc và nội thất.
Thay vì đổ bỏ gây lãng phí, hàng triệu tấn phụ phẩm rau quả cần được tận dụng thành nguồn nguyên liệu xanh cung ứng cho nhu cầu “xanh hóa” sản xuất của các DN.
Xét về cây dứa (thơm) trong nước hiện có diện tích trồng hơn 42.000 ha. Đáng chú ý, lượng lá dứa sau thu hoạch mỗi năm hơn 1,6 triệu tấn, phần lớn sẽ bị đốt bỏ sau các vụ thu hoạch dứa vừa là một lãng phí lớn vừa gây ô nhiễm đất, nước và không khí (tạo ra đến 17 tấn khí CO2) ở các tỉnh trồng dứa.
Và nay, nguồn phụ phẩm này trở thành nguyên liệu mới và dồi dào, là một lời giải mới cho sản xuất xanh trong ngành may mặc Việt Nam vốn vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 25–30%.
Không chỉ vậy, việc tận dụng 100% nguồn lá dứa phế phẩm không chỉ hạn chế rác thải nông nghiệp mà còn thúc đẩy mô hình sản xuất tuần hoàn. Lá dứa cũng mang lại giá trị kinh tế mới, với mỗi ha trồng dứa, nông dân có thể tăng thêm khoảng 60 triệu đồng thu nhập.
Hơn nữa, việc tận dụng phụ phẩm từ cây dứa để sản xuất thành dòng vải tự nhiên cao cấp cũng là một công cụ quan trọng giúp DN thời trang đạt được lợi thế cạnh tranh. Để làm được điều đó, bản thân DN phải có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tìm ra những cách sản xuất nguyên liệu vải mới và bền vững hơn. Ngoài ra, họ còn áp dụng thông lệ kinh doanh tuần hoàn và cải thiện nguồn cung ứng nguyên liệu từ phụ phẩm rau quả.
Và đây cũng là xu hướng của nhiều DN Việt trên con đường “xanh hóa” sản xuất trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường. Việc sử dụng các phụ phẩm rau quả được ví như “chìa khóa” giúp cho các DN chuyển đổi xanh mà không phải tốn kém nhiều chi phí khi tận dụng nguồn nguyên liệu xanh trong nước.
Ngoài việc tận dụng nguồn phụ phẩm lá dứa nêu trên, Ts. Trương Thục Tuyền, chuyên gia kỹ thuật và công nghệ, cho rằng Việt Nam lãng phí hàng triệu tấn trái cây và rau củ mỗi năm. Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết là cần các giải pháp bảo quản để giảm thiểu thất thoát, đồng thời áp dụng các chiến lược tái chế thông minh nhằm biến lượng rác thải không thể tránh khỏi thành những tài nguyên giá trị.
Cụ thể, Việt Nam lãng phí tới 7,3 triệu tấn phụ phẩm trái cây và rau củ (với thiệt hại trên 3 tỷ USD), chủ yếu do bảo quản kém, xử lý sau thu hoạch không đúng cách và chưa tận dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp. Từ vỏ trái cây đến rau củ bị bỏ đi, hầu hết các phụ phẩm này thường bị coi là rác thải.
Như lưu ý của Ts. Tuyền, phụ phẩm nông nghiệp không phải là rác thải, chúng là nguồn tài nguyên chưa được khai thác. Và việc tái chế phụ phẩm và áp dụng các giải pháp bảo quản thông minh sẽ tạo nên một hệ sinh thái thực phẩm tuần hoàn – nơi mọi phụ phẩm đều được tái chế và tái sử dụng hiệu quả.
“Nếu chúng ta có thể thành công chuyển hóa phụ phẩm thành tài nguyên, ngành thực phẩm Việt Nam sẽ có cơ hội tăng giá trị sản phẩm, giảm lãng phí và giảm áp lực lên môi trường”, Ts. Tuyền nói.
Mặt khác, xét về tình hình sản xuất xanh hiện nay, thông tin đưa ra tại diễn đàn tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) tổ chức ở Hà Nội hôm 2/7 cho rằng đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các DN.
Nhất là chi phí đầu tư ban đầu khổng lồ, cùng với quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều đơn vị còn e ngại. Do vậy, không ít DN chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu.
Chờ những giải pháp sáng tạo
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu phong phú tại chỗ để phục vụ cho sản xuất xanh như các phụ phẩm rau quả thì các DN vẫn chưa tận dụng hiệu quả. Đây là điều cần khắc phục. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là làm sao để các DN tận dụng phụ phẩm bằng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm xanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh trong và ngoài nước.
Để làm được điều này, Ts. Tuyền nhấn mạnh cần có sự hợp tác giữa các DN, chính phủ và các tổ chức nghiên cứu nhằm mở rộng việc ứng dụng công nghệ tái chế và bảo quản đối với phụ phẩm nông nghiệp. Với sự đồng lòng từ các bên liên quan, những giải pháp này có thể được nhân rộng, tạo nên một chuỗi giá trị bền vững.
Giới chuyên gia đánh giá việc tận dụng phụ phẩm rau quả trong sản xuất xanh là một giải pháp hiệu quả để tạo ra giá trị kinh tế. Các phụ phẩm từ trái cây, rau củ có thể được tái chế và sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, từ nguyên liệu cho ngành may mặc, sản xuất mỹ phẩm, cho đến sản xuất năng lượng, vật liệu xây dựng…
Không chỉ vậy, phụ phẩm rau quả còn được xem là nguồn nguyên liệu sinh học đầy tiềm năng để phục vụ cho việc “xanh hóa” sản xuất của các DN. Chẳng hạn các vật liệu từ vỏ trái cây có thể được tận dụng để sản xuất nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ, nhiên liệu sinh khối, và thức ăn chăn nuôi.
Như nhận định của ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch HĐQT Công ty IP Group, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nguồn nguyên liệu sinh học phong phú và chi phí sản xuất cạnh tranh, nhưng còn hạn chế về nhân lực chuyên môn cao, đầu tư R&D và cơ sở hạ tầng.
Đơn cử như việc hiện thực hóa sản xuất bao bì xanh từ nguồn nguyên liệu sinh học (được cung cấp từ các phụ phẩm rau quả), ông Thuần có lời khuyên các DN trong nước cần tăng cường đầu tư nhiều hơn vào R&D, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đào tạo và thu hút nhân tài, xây dựng hạ tầng hiện đại và tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
Xét chung, để hóa giải bài toán “lãng phí” hàng triệu tấn phụ phẩm rau quả đang kỳ vọng rất nhiều vào các DN trước xu thế sản xuất xanh từ việc tận dụng nguyên liệu xanh ngay từ trong nước thay vì nhập khẩu. Điều quan trọng là cần nỗ lực nhiều hơn từ phía DN để tìm kiếm giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng các phụ phẩm này.
Thế Vinh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/ky-vong-doanh-nghiep-xanh-hoa-giup-hoa-giai-lang-phi-hang-trieu-tan-phu-pham-rau-qua-1107871.html