Kỳ vọng gì cho chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán?

Kỳ vọng gì cho chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán?
một ngày trướcBài gốc
Từ tháng 2, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ, sẽ tạo động lực cho thị trường. Ảnh tư liệu
Chứng khoán thường tích cực sau kỳ nghỉ Tết
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025, cũng là giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với diễn biến không mấy tích cực.
VN-Index ghi nhận nhiều phiên giảm điểm, kết thúc tháng ở mức gần 1.230 điểm, giảm gần 3% so với đầu năm. Thanh khoản giảm, với nhiều phiên giao dịch có giá trị thấp, thậm chí có phiên chỉ đạt hơn 6.600 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 21 tháng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tâm lý "nghỉ ngơi" trước kỳ nghỉ lễ kéo dài, đồng thời sự thận trọng cũng chiếm ưu thế do lo ngại căng thẳng thương mại tái diễn. Một yếu tố khác cũng tạo áp lực cho thị trường là động thái bán ròng từ khối ngoại. Trong tháng 1/2025, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, tiếp nối xu hướng bán ròng mạnh từ năm 2024, khi tổng giá trị bán ròng vượt hơn 90.000 tỷ đồng.
Thị trường diễn biến tích cực hơn sau Tết
Theo thống kê, VN-Index có xu hướng giảm trước kỳ nghỉ lễ do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và dòng tiền tạm thời rút ra để chuyển vào các kênh an toàn. Chẳng hạn, năm 2021, VN-Index giảm 4,5% trong 22 phiên trước Tết - mức giảm đáng kể khi xét đến biên độ biến động cả năm của thị trường chỉ khoảng 12 - 14%.
Tuy nhiên, sau Tết, thị trường thường có diễn biến tích cực hơn. Trong 5 năm gần đây, có 3 năm VN-Index tăng sau Tết, trong đó 2 năm tăng mạnh trên 4%.
Dù vậy, nếu xét theo tính chất lịch sử, kịch bản thị trường có thể trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang chiếm ưu thế hơn. "Sau Tết, nhà đầu tư thường có tâm lý tương đối tích cực, với nhiều thông tin hỗ trợ từ thị trường" - ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận xét.
Theo chuyên gia này, từ tháng 2, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ, sẽ tạo động lực cho thị trường. Ngoài ra, mùa đại hội đồng cổ đông (tháng 3 - 5) cũng mang đến nhiều kỳ vọng mới, giúp thanh khoản dần cải thiện.
"Tuy nhiên, xét về biến động ngắn hạn, những dự báo nghiêng về khả năng thị trường sẽ còn rung lắc. “Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi chỉ số VN-Index tiến vào vùng kháng cự 1.278 - 1.283 điểm" - nhóm phân tích từ Chứng khoán Yuanta nhận xét.
Theo Yuanta, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh, nhưng theo chiều hướng tích cực, cho nên nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết và rủi ro vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng và rủi ro tâm lý vẫn ở mức thấp.
Diễn biến gần đây, với dòng tiền luân chuyển sang các nhóm vốn hóa thấp như khoáng sản, cảng biển, theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cho thấy tính chất đầu cơ hơn khi nhà đầu tư cá nhân đang gia tăng giao dịch ở các mã chưa tăng nhiều. Tuy nhiên thị trường được dự báo sẽ phân hóa mạnh hơn khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm.
Nền tảng từ yếu tố vĩ mô
Bất chấp những diễn biến có phần kém tích cực, từ cả chỉ số và thanh khoản, triển vọng thị trường chứng khoán năm nay vẫn không có nhiều thay đổi, theo cập nhật mới từ các công ty chứng khoán.
Theo nhóm phân tích MBS, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt 7,1% nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và hoạt động sản xuất sôi động.
Thêm vào đó, mức tăng trưởng cao hơn dự kiến của Mỹ hoặc Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. MBS cho rằng tăng trưởng có thể đạt 9% - 10% trong năm 2025, với thặng dư cán cân thương mại ở mức 27 tỷ USD.
Trong đó, Ngân hàng Thế giới dự báo thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 3,4% vào năm 2025, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Các dấu hiệu tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại. Đặc biệt, Việt Nam đang tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua việc tham gia các hiệp định khu vực như CPTPP và RCEP, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như UAE thông qua việc ký kết FTA vào tháng 10/2024.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu cũng có thể phải đối mặt với nhiều thách thức như: nhu cầu về linh kiện điện tử yếu trong ngắn hạn, căng thẳng và xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu.
GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TĂNG TỐC
Hơn 4,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong tháng 1/2025. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 282 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,29 tỷ USD, giảm 6,6% về số dự án và giảm 43,6% lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê trong năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 9,4% lên 25,35 tỷ USD, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, công nghiệp chế biến và chế tạo thu hút 20,6 tỷ USD (chiếm khoảng 81,4% tổng vốn đầu tư), trong khi hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút 1,84 tỷ USD (chiếm khoảng 7,2%).
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt 661.300 tỷ đồng, hoàn thành 84,6% kế hoạch năm và tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Minh Tuấn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-vong-gi-cho-chung-khoan-sau-ky-nghi-tet-nguyen-dan-170033-170033.html