Kỳ vọng quy hoạch tỉnh giúp Đồng Nai 'cất cánh'

Kỳ vọng quy hoạch tỉnh giúp Đồng Nai 'cất cánh'
3 giờ trướcBài gốc
Đồng Nai vừa tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với việc quy hoạch bài bản, chi tiết, khoa học, người dân kỳ vọng khi triển khai sẽ tạo bệ phóng vững chắc cho Đồng Nai “cất cánh”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Phạm Tùng
Định hướng cho sự phát triển toàn diện
Theo quy hoạch được phê duyệt, Đồng Nai xây dựng mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế.
Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại. Đồng Nai trở thành trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Quan điểm phát triển là “Phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, lấy khu vực Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sông Đồng Nai làm điểm nhấn, động lực mới cho phát triển đột phá”. Theo đó, đối với khu vực Sân bay Long Thành, sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối sân bay với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và liên vùng. Đồng thời phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Sân bay Long Thành. Tại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ tập trung các chuỗi đô thị, dịch vụ, công nghiệp.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD.
Đối với khu vực sông Đồng Nai, lấy khu vực này làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương…
Ngoài ra, Đồng Nai xác định các nhiệm vụ đột phá trong thời gian tới, gồm: khai thác hiệu quả Sân bay Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. Hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu…
Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam Bộ. Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận Sân bay Long Thành; khu đô thị - du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai (ưu tiên khu vực thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch)…
Tăng cường quản lý, hiện thực hóa quy hoạch
Bày tỏ sự phấn khởi khi xem thông tin quy hoạch được công bố, ông Lê Văn Lanh (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) chia sẻ, ngoài các số liệu, chỉ tiêu về kinh tế ra, ông nhất trí với quan điểm của quy hoạch là phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực và là mục tiêu quan trọng nhất của sự phát triển.
“Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đã nhấn mạnh ý này. Mọi sự phát triển không có mục đích nào khác là nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Tỉnh quy hoạch trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, những không gian phúc lợi, quy hoạch những con đường kết nối phát triển… cuối cùng cũng để phục vụ cho nhân dân. Tôi thấy rất tâm đắc với ý kiến của bí thư và vững tin bản quy hoạch sẽ là nền tảng để Đồng Nai định hướng, phát triển bền vững” - ông Lanh nói.
Một khu đô thị mới ở huyện Nhơn Trạch. Ảnh: TL
Với kỳ vọng Đồng Nai sẽ phát triển trở thành thành phố “đáng sống”, ông Trần Thành (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) bộc bạch, lần đầu tiên ông được tiếp cận một quy hoạch quy mô “đồ sộ” với nội dung trải dài trên nhiều lĩnh vực: hạ tầng giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục, du lịch…
“Nếu Đồng Nai đạt được các mục tiêu xây dựng phát triển đề ra thì quá tuyệt vời. Để làm được tỉnh cần xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đưa quy hoạch trở thành động lực để Đồng Nai phát triển”- ông Thành nói.
Đồng quan điểm, chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần ông Nguyễn Văn Lực (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) bày tỏ, đây là đồ án quy hoạch lớn và quan trọng nhất của tỉnh. Do đó, quá trình thực hiện để hiện thực hóa quy hoạch chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. “Để có thể xây dựng, triển khai thành công quy hoạch của tỉnh vào thực tế phát triển thì trước hết phải quản lý được quy hoạch” - ông Lực nói.
Ngoài tăng cường vai trò quản lý, ông Nguyễn Phan Thái Hòa (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Với đồ án quy hoạch quy mô như hiện tại, đòi hỏi nguồn lực lớn về nhân lực, tài lực cho việc thực hiện. Để triển khai thành công tôi nghĩ tỉnh cần có chiến lược cụ thể để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay để thực hiện quy hoạch”.
Kim Liễu
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/ky-vong-quy-hoach-tinh-giup-dong-nai-cat-canh-7187f2a/