Kỳ vọng thúc đẩy cho vay tiêu dùng

Kỳ vọng thúc đẩy cho vay tiêu dùng
14 giờ trướcBài gốc
Tín dụng tiêu dùng dần phục hồi
Sau một thời gian dài trầm lắng vì "chật vật" trong thu hồi nợ, tín dụng tiêu dùng đang cho thấy tín hiệu khởi sắc trở lại. Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ với tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế tính đến giữa năm qua.
Với nỗ lực kích cầu tín tiêu dùng nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, các ngân hàng và công ty tài chính kỳ vọng dư nợ tín dụng phân khúc này sẽ tăng trưởng mạnh, khi môi trường vĩ mô cải thiện, nhu cầu tiêu dùng và thu nhập của hộ gia đình khởi sắc.
Theo báo cáo ngành Ngân hàng của Chứng khoán MBS, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 có thể đạt từ 17 - 18%, trong đó tín dụng bán lẻ, đặc biệt là cho vay tiêu dùng sẽ giữ vai trò dẫn dắt. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mức nền tăng trưởng thấp của các năm trước, cùng với sự phục hồi dần của chi tiêu hộ gia đình trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát được kiểm soát và các chính sách kích cầu có hiệu lực. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các cải cách trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích việc đi vay.
Cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong thời gian tới
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán VNDIRECT dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể lên tới 19,9%, với tỷ trọng đáng kể đến từ các khoản vay phục vụ mục đích cá nhân như chi tiêu sinh hoạt, học tập, mua sắm hoặc cải thiện điều kiện nhà ở.
Theo đánh giá của VNDIRECT, ba yếu tố chính sẽ tạo động lực cho sự hồi phục này bao gồm: xu hướng gia tăng thu nhập hộ gia đình, niềm tin tiêu dùng được cải thiện và chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng, điển hình là gia hạn giảm thuế VAT cũng như các ưu đãi cho lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, làm tiền đề cho tăng trưởng cao hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng (Đầu tư - Tiêu dùng - Xuất nhập khẩu) trong đó có tiêu dùng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thực tế tại Việt Nam, dư địa để tăng tỷ trọng cho vay tiêu dùng vẫn đang rất lớn với 100 triệu dân và đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Nền kinh tế đang hồi phục, nhu cầu chi tiêu của người dân cao hơn cũng là một cơ hội cho các ngân hàng, công ty tài chính tăng cường cho vay.
Mặt khác, thời gian qua, NHNN cũng đã ban hành nhiều chính sách mở đường cho việc cho vay tiêu dùng một cách đơn giản hơn. Đơn cử như theo Thông tư số 12/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/7/2024, khách hàng vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ.
Theo bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng như kể trên giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, góp phần kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường.
Bên cạnh đó, bản thân các nhà băng cũng tích cực áp dụng công nghệ số, tăng cường cho vay online đối với những khoản vay nhỏ nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân. Tất cả những nỗ lực này giúp người dân khi có nhu cầu vay tiêu dùng trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hóa giải khó khăn
Dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên theo VIS Rating, rủi ro vĩ mô, đặc biệt là việc Mỹ tăng thuế quan, có thể phủ bóng lên triển vọng ngành tài chính tiêu dùng trong 12-18 tháng tới. Các chuyên gia cảnh báo, việc gia tăng thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của người tiêu dùng.
Để hóa giải thách thức này, các ngân hàng cũng như công ty tài chính tiêu dùng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa các sản phẩm, tiết kiệm chi phí để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển ứng dụng di động, chatbot hỗ trợ 24/7 và các tiện ích tài chính tích hợp, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi và quản lý khoản vay. Công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… được ứng dụng rộng rãi để cá nhân hóa sản phẩm vay, giảm thiểu rủi ro tín dụng. Công nghệ cũng giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng thuận tiện hơn.
Chuyển đổi số cũng giúp các công ty tài chính tiêu dùng mở rộng mạng lưới phục vụ, đặc biệt tại khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, nơi dịch vụ tài chính truyền thống còn hạn chế.
Về phía các ngân hàng, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong thời gian qua, do chưa có đủ thông tin để đánh giá, xác định đối tượng cho vay nên quy trình giải ngân tại các ngân hàng còn chậm. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu dân cư, định danh điện tử được đưa vào vận hành, đây sẽ là một “mỏ vàng” để ngành Ngân hàng khai thác và đẩy nhanh quá trình giải ngân, ra đời các sản phẩm cho vay online, vay tín chấp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống.
Thực tế cho thấy, các TCTD cũng đã tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư vào các hoạt động của mình. Nhiều NHTM đã kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư để tăng khả năng cấp tín dụng đối với khách hàng. Trong thời gian tới, các ngân hàng cần tiếp tục khai thác, tận dụng sức mạnh của dữ liệu, điều này không chỉ giúp người dân tiếp cận vốn nhanh chóng hơn mà còn tiết kiệm chi phí cho chính bản thân các nhà băng trong quá trình hoạt động.
Quỳnh Trang
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/ky-vong-thuc-day-cho-vay-tieu-dung-167370.html