Ở xã biên giới Tr'hy (cũ) - nay thuộc xã Hùng Sơn (mới) có HTX nông dược và du lịch Lộc Trời là đơn vị chủ lực trong việc tạo chuỗi liên kết sản xuất cho hơn 20 hộ dân (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số). Năm vừa qua, HTX đã phát triển thêm 5ha ba kích, nâng tổng diện tích dược liệu của HTX lên 20ha.
Có HTX giúp bà con yên tâm
Ông Bling Miêng, một người dân tộc thiểu số và là giám đốc HTX, cho biết HTX đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trồng ba kích dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế, vừa bảo vệ rừng.
Trên địa bàn xã Hùng Sơn (mới) đang phát triển mô hình HTX liên kết trồng cây dược liệu giúp bà con dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế.
Theo ông Bling Miêng, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương sẽ yên tâm phát triển, siêng năng lao động để thoát nghèo khi không còn lo lắng đầu ra cho dược liệu từ khả năng liên kết chuỗi của HTX. Vài hộ dân trong chuỗi liên kết còn chủ động thay thế diện tích trồng keo, sắn sang trồng quế kết hợp dược liệu.
Cách đây 2 năm, trên địa bàn xã Tr'hy (cũ) chỉ có 2 hộ đăng ký tham gia triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, với tổng diện tích 2,5ha. Bằng nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương và HTX, đến năm 2024 đã có 10 hộ đăng ký tham gia thực hiện, với tổng diện tích trồng 10ha. Các hộ này đã trồng trong phạm vi đất sản xuất của gia đình, chủ động đầu tư hệ thống tưới tiêu, tích cực chăm sóc loại cây chủ lực là ba kích bản địa.
Ngoài khí hậu, đất đai thuận lợi thì việc tham gia mô hình trồng dược liệu của HTX giúp cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng có khát vọng vươn lên, thoát nghèo. Chính quyền địa phương và HTX đang tích cực hướng dẫn kỹ thuật để người dân nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại dược liệu.
Không chỉ ở Tr'hy (cũ), các địa bàn khác của xã Hùng Sơn (mới) như Axan, Ch'ơm, Gari cũng ngày càng chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu của HTX nhằm cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới.
Chị Bh’ling Thị Đôi, một người dân tộc thiểu số ở thôn Cha Lăng, xã Ch’Ơm (cũ), đang trồng 3ha đẳng sâm xen gừng dưới tán rừng, nói rằng trước đây khi bán cho thương lái từ nơi khác đến thì thường xuyên bị ép giá. Họ viện cớ chi phí vận chuyển cao, tiền chở mấy tấn gừng từ núi xuống đồng bằng tốn vài triệu đồng, rồi trừ vào tiền hàng thì cuối cùng không lời được bao nhiêu. Công trồng, chăm sóc, đi hái từ núi về nhà tập kết cộng lại không bằng tiền xe.
Niềm tin tăng thu nhập
Còn hiện nay, theo chị Bh’ling Thị Đôi, nhờ có HTX trên địa bàn huyện Tây Giang (cũ) thu mua tận nơi với giá ổn định nên rất yên tâm. Việc tham gia liên kết trồng cây dược liệu cùng HTX được bà con địa phương đặt nhiều niềm tin để tăng thu nhập và thoát nghèo, không phải rủi ro khi bán cho thương lái.
Bà con dân tộc thiểu số ở xã Hùng Sơn (mới) tăng thu nhập nhờ tận dụng nguồn dược liệu bản địa.
Ở vùng biên giới như xã Hùng Sơn (mới) việc hình thành những HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh dược liệu rất đáng để khích lệ và nhân rộng. Chẳng hạn như ngoài HTX nông dược và du lịch Lộc Trời thì có thể kể đến HTX Nông nghiệp Ch’Ơm ở địa bàn xã Ch’Ơm (cũ) hay HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh ở xã Gari (cũ).
Ông Alăng Lơ – người Cơ Tu, Trưởng thôn A Choong (xã Ch’Ơm cũ), Giám đốc HTX cho biết, HTX có kế hoạch trồng 12ha đảng sâm trong những năm tới. Trồng cây dược liệu và có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, không chỉ là hướng đi giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai ở vùng miền núi này.
Thời gian qua, HTX Nông nghiệp dịch vụ Ch’Ơm đã hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở địa phương có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Với vai trò là giám đốc HTX, ông Alăng Lơ đã giúp người dân thay đổi nhận thức và tư duy trong phát triển cây dược liệu như đẳng sâm, góp phần phát triển kinh tế bằng sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho chính bản thân và người dân miền núi.
Nhờ có HTX và sự năng động của ông Alăng Lơ mà diện tích trồng cây dược liệu ở xã Ch’Ơm (cũ) ngày càng tăng lên. Đến nay, địa bàn này có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn A Choong (nơi tập trung đông đảo bà con người Cơ Tu) chiếm gần một nửa.
Việc liên kết cùng HTX để phát triển các vùng trồng cây dược liệu giúp cho đồng bào có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống nên nhiều hộ dân ở Ch’Ơm phấn khởi tham gia. Nhất là tham gia liên kết trồng cây đẳng sâm - một loại cây dược liệu dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ…, chỉ sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch.
“Đánh trúng” nhu cầu thị trường
Riêng với HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh ở xã Gari (cũ) cũng đang nỗ lực để cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc Cơ Tu tại địa phương từ việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu và các loại cây bản địa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thông qua chuỗi liên kết, HTX này giúp bà con tiêu thụ dược liệu và các đặc sản rừng, “đánh trúng” nhu cầu thị trường trong việc tiêu thụ sản phẩm phục vụ cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Liên kết cùng HTX trồng cây dược liệu giúp bà con dân tộc thiểu số ở xã Hùng Sơn (mới) mở ra “cánh cửa” thoát nghèo bền vững.
Đây được xem là mô hình HTX tiêu thụ nông sản vùng cao của đồng bào Cơ Tu miền núi ở vùng biên giới xã Hùng Sơn (mới), mở ra một hướng mới cho đồng bào Cơ Tu có cơ hội tiêu thụ cây dược liệu và đặc sản rừng, an toàn, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Việc phát triển kinh tế hợp tác thông qua mô hình liên kết trồng cây dược liệu ở vùng cao tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số là mối quan tâm lớn của Liên minh HTX Việt Nam. Với xã biên giới Hùng Sơn (mới) cũng vậy, thời gian qua Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam (cũ) nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng (mới) đã có những hoạt động hỗ trợ cụ thể để giúp hình thành và phát triển ổn định các HTX trong mô hình liên kết chuỗi trồng cây dược liệu trên các địa bàn xã cũ như Tr'hy, Axan, Ch'ơm, Gari.
Nhất là Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng (mới) đã và đang hỗ trợ cho các HTX ở xã Hùng Sơn (mới) tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên HTX nhằm hình thành các vùng chuyên canh dược liệu lớn. Bên cạnh đó là việc đề xuất tháo gỡ những khó khăn về đất đai, chính sách, cơ chế liên kết nhằm tạo thuận lợi cho phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa và đưa sản phẩm dược liệu của các HTX ở địa phương cạnh tranh trên thị trường.
Do nguồn lực để các HTX ở xã Hùng Sơn (mới) phát triển dược liệu vẫn còn khiêm tốn, cho nên thời gian tới rất cần đẩy mạnh việc tập huấn cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dược liệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng dược liệu.
Tin rằng với sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng thì mô hình liên kết trồng cây dược liệu của các HTX sẽ giúp cho bà con dân tộc thiểu số ở xã Hùng Sơn (mới) có được cuộc sống ấm no và thoát cảnh nghèo khó.
Thanh Loan