Kỳ vọng vào một 'siêu đô thị' đầu tiên của Việt Nam

Kỳ vọng vào một 'siêu đô thị' đầu tiên của Việt Nam
7 giờ trướcBài gốc
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh họa
Quy mô lớn chưa từng có
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), quy mô kinh tế sau hợp nhất của thành phố mới đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng - chiếm gần 1/4 GDP của cả nước. Thu ngân sách của thành phố mới cũng vượt trội, chiếm gần 1/3 cả nước với 682 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại trước khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh vẫn đóng vai trò là một đô thị trung tâm dịch vụ đóng góp trên 65% GRDP năm 2024 của địa phương. Sau sáp nhập, cơ cấu nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh mới sẽ thay đổi rất lớn khi tỷ trọng công nghiệp gia tăng nhờ thế mạnh của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng dịch vụ sẽ giảm xuống khoảng 51,82%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 22% lên 35%, còn lại đến từ nông - lâm - thủy sản, thuế sản phẩm.
TP. Hồ Chí Minh mới cũng sẽ sở hữu những thế mạnh, giữ vai trò dẫn dắt, kết nối hạ tầng với các tỉnh trong khu vực và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau sáp nhập, cả nước có 5 tỉnh, thành sở hữu hai sân bay đáp ứng mục đích dân dụng gồm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Đăk Lăk và An Giang. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo, tổng công suất khoảng 51 triệu khách mỗi năm, lớn nhất cả nước, đóng vai trò là động lực trong phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.
Trong tương lai, siêu đô thị này còn liên kết trực tiếp với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (công suất 50 triệu khách/năm), thông qua hệ thống cao tốc và đường sắt đô thị (metro).
Đồng thời, thừa hưởng hệ thống logistic từ Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh mới sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam với 89 bến cảng tại 3 hệ thống cảng, trong đó có cảng nước sâu thuộc top đầu thế giới tại Cái Mép - Thị Vải.
Sau khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ là "Siêu đô thị" đầu tiên của Việt Nam; GRDP TP. Hồ Chí Minh mới chiếm gần 1/4 GDP cả nước; có 10 xã phường có dân số đông nhất cả nước, trong đó có 6/10 đơn vị của TP. Hồ Chí Minh; thành phố cũng có 9/10 phường xã thuộc nhóm có mật độ dân cư đứng đầu toàn quốc.
Theo Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề Kinh tế và xã hội (UN DESA), những thành phố có hơn 10 triệu dân được xếp vào nhóm siêu đô thị. Như vậy, với dân số 14 triệu người sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới trở thành "siêu đô thị" đầu tiên của Việt Nam và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Bangkok Metropolitan Region (BMR, Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và Metro Manila (National Capital Region, Philippines).
UN DESA xếp hạng chung siêu đô thị và vùng siêu đô thị. Trong đó, vùng siêu đô thị hình thành dựa trên liên kết các thành phố liền kề nhau với hạt nhân là "thủ phủ" quốc gia. Ví dụ, Bangkok Metropolitan Region gồm Bangkok và 5 tỉnh kế cận, Metro Manila liên kết gần 20 thành phố có mức độ đô thị hóa cao.
Nhiều dư địa phát triển thành đô thị toàn cầu
Theo phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh những thuận lợi rất lớn, TP. Hồ Chí Minh mới sau sáp nhập cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. So với các vùng siêu đô thị của khu vực, quy mô kinh tế của TP. Hồ Chí Minh mới vẫn còn khoảng cách khi chỉ bằng khoảng 64% GRDP của Bangkok Metropolitan Region và 47% Jakarta Metropolitan Area. Dù vậy, mật độ dân cư của TP. Hồ Chí Minh mới thấp hơn so với khu vực.
Điểm chung của các vùng đô thị trên là đều phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết nối từ trung tâm đến vệ tinh. Đơn cử, Bangkok kết nối với 5 tỉnh kế cận bằng 3 tuyến BTS Skytrain với tổng chiều dài gần 70 km và hệ thống tàu điện ngầm (MRT), xe buýt nhanh (BRT), đường sắt liên kết sân bay.
Trong khi đó, dù có quy hoạch chung vùng Đông Nam Bộ, đến nay tính liên kết giữa vùng lõi TP. Hồ Chí Minh cũ với các thành phố vệ tinh của các tỉnh lân cận vẫn chưa tốt, từ đường bộ đến hệ thống giao thông công cộng đô thị.
Cảng biển Vũng Tàu. Ảnh: Minh họa
Theo TS. Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, dù đã có định hướng phát triển vùng, trước đây khu vực chưa phát huy được hết tiềm năng do tính liên kết yếu, các địa phương có cách làm khác nhau. Do vậy, việc hợp nhất sẽ đưa 3 tỉnh chung một hướng đi, khai thác hết tiềm năng mà trước đây bị hạn chế bởi địa giới hành chính.
Một trong những khó khăn thách thức đặt ra ngay sau sáp nhập là việc chuyển đổi mô hình chính quyền từ 3 cấp thành 2 cấp. Với 168 phường xã, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều đơn vị hành chính cơ sở lớn nhất sau sáp nhập, trong đó có 6/10 phường xã thuộc nhóm dân số đông nhất cả nước.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù trước sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu của cả nước, song sức ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế hiện vẫn còn hạn chế.
GS. TS Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TP HCM đánh giá, so với các thành phố toàn cầu đang hiện hữu trong khu vực và trên thế giới, TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn những khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, sau sáp nhập, lợi thế kinh tế của cả 3 địa phương hiện hữu sẽ được phát huy thông qua tầm nhìn quy hoạch chung. Từ đó, TP. Hồ Chí Minh mới có nhiều dư địa phát triển thành đô thị toàn cầu, thu hẹp khoảng cách với các đô thị trong khu vực, trước mắt là về quy mô kinh tế./.
Trong nhiều buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các địa phương Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Mục tiêu TP. Hồ Chí Minh mới phải trở thành một siêu đô thị quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và có ảnh hưởng toàn cầu. Đến năm 2035-2045, thành phố thuộc nhóm đô thị thu nhập cao hàng đầu châu Á, top 30 trung tâm tài chính và top 50 thành phố thông minh đáng sống nhất thế giới.
Gia Cư
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-vong-vao-mot-sieu-do-thi-dau-tien-cua-viet-nam-179228.html