Kyoto chứng kiến đà "bùng nổ" du lịch trong những năm gần đây và nhiều tập đoàn khách sạn cao cấp đã mở cơ sở kinh doanh ở thành phố. Để giảm tải áp lực từ du lịch, chính quyền thành phố dự định tăng thuế lưu trú tới 10.000 yen mỗi đêm (khoảng 1,6 triệu đồng).
Từ năm 2018, Kyoto đã áp dụng hệ thống thuế lưu trú ba bậc cho từng phân khúc khách sạn. Nếu phòng giá dưới 20.000 yen, thuế lưu trú là 200 yen một người mỗi đêm; phòng giá 20.000-50.000, thuế lưu trú là 500 yen; phòng giá trên 50.000, có thuế lưu trú 1.000 yen.
Hệ thống thuế mới sẽ chuyển từ ba bậc sang năm bậc, cập nhật từ tháng 3/2026. Với phòng có giá từ 100.000 yen, thuế lưu trú lên tới 10.000 yen - gấp 10 lần hiện tại. Với hai khách thuê phòng, số tiền cần trả thêm ít nhất là 20.000 yen, chưa tính 10% thuế tiêu thụ hoặc 10% phí dịch vụ tại nhiều khách sạn.
Hiện tại, thuế lưu trú đóng góp cho Kyoto khoảng hơn 5 tỷ yen mỗi năm và con số này ước tính tăng lên hơn 10 tỷ yen mỗi năm theo đề xuất mới. Dự kiến, hội đồng thành phố sẽ thảo luận đề xuất vào tháng 2.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân chia làm hai luồng ý kiến trước kế hoạch. Masaru Takayama, Chủ tịch công ty lữ hành Spirit of Japan Travel có trụ sở tại Kyoto, cho biết mức thuế mới không tốt cho những nhà điều hành khách sạn và sẽ không có hiệu quả trong việc giảm lượng khách.
Theo Masaru, khách nước ngoài sẽ sớm nhận ra họ có thể ở lại thị trấn lân cận và ghé thăm Kyoto trong ngày thay vì ngủ đêm. Tuy nhiên, khách nội địa sẽ cân nhắc khi chọn Kyoto làm điểm dừng chân.
"Nhật Bản là điểm đến giá rẻ với người nước ngoài vì đồng yen yếu nhưng số tiền đó với người Nhật lại khá cao", ông nói, đồng thời dự báo khách nội địa có thể bỏ qua Kyoto để tìm điểm đến khác.
Avi Lusagi, chủ công ty du lịch Windows to Japan trụ sở ở Kyoto, nói kẽ hở của đề xuất này ở chỗ mức thuế tăng cao nhất chỉ dành cho những phòng đắt tiền nhất trong thành phố. Với những người sẵn sàng chi hơn 100.000 yen mỗi đêm phòng, họ sẽ khó thay đổi quyết định chỉ vì tăng thêm 10.000 yen.
Bảo Long/Travel Voice