Tình hình mua sắm ở trung tâm thương mại Hà Nội

Tình hình mua sắm ở trung tâm thương mại Hà Nội
20 giờ trướcBài gốc
Ghi nhận tại một trung tâm thương mại (TTTM) ở Hà Nội lúc 16h30 ngày 25/1 (tức 25 tháng Chạp), lượng khách ra vào TTTM chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Số khách ít ỏi TTTM hầu như không ghé các quầy hàng bán đồ xa xỉ như đồng hồ, nước hoa, túi xách… một số quầy hàng treo biển giảm giá 50 - 70% có vài ghé khách ghé thăm nhưng lại rời đi ngay.
Không chỉ các quầy hàng xa xỉ, tầng siêu thị TTTM cũng rơi vào tình cảnh “vắng như chùa bà đanh”.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Hạnh Ngân (nhân viên quầy hàng mỹ phẩm tại TTTM) cho biết, chưa năm nào quầy hàng của chị lại “ế khách” như dịp Tết Nguyên đán năm nay, trong cả ngày 24/1, chỉ có 3 khách ghé xem mỹ phẩm tại quầy nhưng không mua.
Tương tự quầy hàng của chị Hạnh Ngân, anh Tùng (nhân viên cửa hàng giày tại TTTM) chán nản nói: “Mọi năm nhân viên còn phải thay phiên nhau tăng ca dịp Tết vì khách mua hàng quá đông, nhưng từ đầu tháng 1 đến giờ, số khách mua hàng tại cửa hàng rất ít, nhiều ngày không có doanh thu”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Thu (Hà Nội) cho biết, chị chỉ đến TTTM chơi, ăn uống rồi đi về chứ không có nhu cầu mua sắm do giá quá cao.
Tình trạng “ế ẩm” cũng diễn ra tại TTTM Aeon Mall Long Biên trên đường Cổ Linh (quận Long Biên).
Anh N.Đ. (nhân viên bán hàng tại Aeon Mall Long Biên) cho biết, từ sáng đến chiều 24/1 anh mới bán được 1 đơn hàng. “Lượng mua năm nay giảm hẳn so với năm ngoái, khách hàng thưa vắng. Hàng hóa ế ẩm, dù giảm sâu cũng không có người hỏi”, anh Đ. nói.
Nhân viên cửa hàng chăn ga, gối đệm tại Aeon Mall Long Biên ngao ngán nói rằng, thời điểm này năm trước khách hàng xem và mua hàng đông, thậm chí có lúc quá tải, không đủ nhân sự tư vấn, bán hàng. Tuy nhiên, năm nay khách ghé cửa hàng rất ít.
“Từ đầu tháng 1, số lượng khách tới mua sắm rất ít. Cửa hàng có nhiều chính sách giảm giá, bổ sung phân khúc hàng trung cấp, cao cấp hay mua hàng tặng quà nhưng cũng không cải thiện doanh thu. Không chỉ chúng tôi, lượng mua bán tại các quầy hàng trong trung tâm cũng đều giảm chung, ai ai cũng mòn mỏi đợi khách”, nhân viên cửa hàng chăn ga, gối đệm nói.
Do lượng khách ra vào TTTM ít, nên không còn cảnh xếp hàng dài đợi thanh toán như mọi năm.
Không chỉ các TTTM, nhiều cửa hàng thời trang trên những con phố đắc địa tại Hà Nội như Bà Triệu, Tràng Tiền, Chùa Bộc cũng “ế ẩm” dịp Tết. Thậm chí nhiều nơi đã trả mặt bằng trước Tết vì vắng khách nên không thể kham nổi chi phí thuê nhà.
Theo nhiều chuyên gia, trên thực tế thời gian qua sức mua tại các TTTM cũng như cửa hàng tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã sụt giảm, chứ không phải dịp áp Tết Nguyên đán. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc sức mua sụt giảm là do trong năm 2024 tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của các cơn bão như Yagi, khan hiếm việc làm khiến thu nhập của nhiều người không được dồi dào như trước, nên chi tiêu có phần “thắt lưng buộc bụng” dịp Tết.
Báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam chỉ ra, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online - cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị và TTTM. Do đó lượng khách đến TTTM mua sắm giảm là điều dễ hiểu.
Ông Regis Delesque, Giám đốc vận hành MM Mega Market Việt Nam nhận định, giá cả đang là mối quan tâm hàng đầu của đa số người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, việc bình ổn giá là điều quan trọng, tác động đến quyết định mua hàng của người dân, nhất là dịp cao điểm Tết ở các TTTM…
Lộc Liên - Nga Vũ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/trung-tam-thuong-mai-vang-tanh-hang-tet-giam-gia-sap-san-van-e-post1712197.tpo