Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, đặc biệt là nhiều giáo viên phổ thông ở các nhà trường.
Nhiều giáo viên phấn khởi vì Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT sẽ ngăn chặn được tình trạng bất cập trong dạy thêm, học thêm những năm qua và hướng đến môi trường dạy thêm, học thêm đàng hoàng, nâng tầm vị thế giáo viên dạy thêm.
Nhưng, cũng không ít giáo viên đang dạy thêm tỏ ra lo lắng vì thông tư hướng đến việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm cho học sinh tiểu học, học sinh chính khóa nên sau ngày 14/2/2025 – khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thu nhập hằng tháng đối với những giáo viên đang tham gia dạy thêm học sinh chính khóa ở bên ngoài trường, thậm chí là dạy ở nhà của thầy cô.
Là giáo viên Ngữ văn phổ thông, người viết nhận thấy Thông tư thể hiện đúng như tinh thần Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu là chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học. Và khách quan, nhiều ngày nay, người viết lắng nghe chia sẻ của nhiều phụ huynh và theo dõi trên rất nhiều diễn đàn, đa số phụ huynh đều rất đồng tình với những quy định trong Thông tư này.
Ở góc độ là giáo viên, người viết xin chia sẻ tại sao bản thân lại thấy Thông tư "mở đường" cho giáo viên dạy thêm đàng hoàng.
Anhr minh họa trên giaoduc.net.vn
Thông tư số 29 đã khắc phục được những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm
Theo hướng dẫn của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, thông tư quy định: việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Thông tư cũng đã hướng dẫn khá cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm.
Bên cạnh đó, thông tư mới cũng ràng buộc trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lí của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định rất cụ thể: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Với hướng dẫn như thế này và nếu được giám sát, quản lý chặt chẽ sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm một cách tràn lan như hiện nay và các năm học vừa qua.
Thông tư 29 chỉ cấm giáo viên dạy thêm tiêu cực
Không ít giáo viên đang dạy thêm tỏ ra băn khoăn vì thông tư mới dễ dẫn đến việc giáo viên vi phạm- nếu dạy thêm cho học sinh chính khóa, có người còn cho rằng thông tư mới cấm giáo viên dạy thêm. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Giáo viên giỏi vẫn có thể dạy thêm một cách đàng hoàng bằng chính khả năng, uy tín của mình.
Không dạy thêm cho học sinh chính khóa ngoài nhà trường có thu tiền là chủ trương đúng bởi nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa rất dễ dẫn đến việc gà bài, mớm bài và nâng khống điểm trong quá trình đánh giá, kiểm tra cho học sinh.
Lâu nay, không ít giáo viên chỉ chăm chăm dạy thêm cho học sinh chính khóa càng nhiều càng tốt. Trong quá trình dạy, họ có thể dạy trước chương trình; không ít trường hợp làm khó với những học sinh đang học chính khóa với mình mà không đi học thêm.
Bên cạnh đó, tình trạng dạy thêm cho học sinh trong nhà trường trên tinh thần “tự nguyện” cũng được nhiều trường áp dụng đại trà cho học sinh nhằm tăng thu nhập cho giáo viên thì nay cũng sẽ không còn nữa.
Việc lành mạnh môi trường dạy thêm, học thêm là rất cần thiết nhằm tạo sự công bằng cho học sinh học thêm và không học thêm với giáo viên đang dạy chính khóa.
Nếu học sinh có nhu cầu học thêm, các em có thể đăng ký với các cơ sở dạy thêm; với giáo viên khác trong trường, hoặc trường khác, chứ không phải với thầy cô đang dạy chính khóa của mình.
Nếu giáo viên giỏi, chứng minh được năng lực của mình thì không dạy thêm cho học sinh chính khóa vẫn có thể dạy thêm cho học sinh lớp khác, trường khác để tăng thu nhập; hoặc đăng ký dạy thêm ở các trung tâm gia sư.
Các giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và báo cáo với hiệu trưởng và tất nhiên phải đóng thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm. Lâu nay, nhiều giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa có mức thu nhập hằng tháng cao chót vót nhưng lại không mất đồng tiền thuế nào. Bởi thầy cô thu tiền của phụ huynh và không phải kê khai thu nhập này với bất cứ đơn vị nào. Giáo viên dạy tháng 30 triệu đồng hay 50 triệu đồng thì chỉ có thầy cô biết mà thôi. Chưa kể, giáo viên dạy thêm có thu nhập tốt chủ yếu là thầy cô chủ nhiệm tiểu học, giáo viên một số môn như Ngữ văn, Toán, tiếng Anh...không phải là tất cả giáo viên đều có thu nhập từ dạy thêm.
Vì thế, chúng tôi cho rằng Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã đáp ứng cơ bản những mong mỏi của nhiều bậc phụ huynh và học sinh lâu nay. Thông tư mới không cấm giáo viên dạy thêm nhưng dạy thêm phải tuân thủ theo hướng dẫn, giáo viên được dạy đàng hoàng chứ không phải lo sợ ai tố cáo, tố giác…nếu thực hiện đúng các quy định tại Thông tư.
Đặc biệt, giáo viên không dạy thêm cho học sinh chính khóa sẽ nâng cao được vị thế của người thầy, không còn mang tiếng o ép học sinh. Sau mỗi lần kiểm tra thường xuyên, định kỳ không lo phụ huynh, học sinh thắc mắc, thị phi là bạn này, bạn kia đi học thêm nên giáo viên cho biết đề hay được giáo viên mớm đề trước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
KIM OANH