Thông thường, giò heo chỉ là thực phẩm xuất hiện trong các món canh, món kho hay hầm. Tuy nhiên, khi kết hợp kiểu nấu lẩu thì giò heo cũng có những điểm nhấn ẩm thực mới lạ. Đặc biệt, khi giò heo ngày hôm nay biến tấu cùng chao đỏ.
Qua tìm hiểu, chao đỏ là gia vị có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Hoa, tên gọi là Fermented Tofu. Loại chao này có cách làm ra như như chao trắng, chỉ khác là trong nước ngâm có thêm “cơm gạo đỏ”, tạo cho chao màu đỏ sậm, đặc và có mùi vị đặc trưng.
Thông thường, Chao đỏ được sử dụng để dùng xốt gia vị, làm nước chấm cho các món rau luộc, nướng hoặc lẩu, vịt nấu chao, chao kho giò heo hay món lẩu giò heo chao đỏ giới thiệu hôm nay.
Với giò heo, đây là phần thịt gồm một đoạn chân heo và móng heo. Do giò heo dễ còn sót lông nên công đoạn sơ chế khá quan trọng, là yếu tố đánh giá một quán ăn bán ngon hay không? Thông thường, người nấu chia giò heo thành hai phần bắp giò và móng, rửa qua nước muối. Có nơi kỳ công hơn thì đem giò heo thui để da săn lại, ăn giòn hơn; có nơi thì rút xương để thực khách dễ thưởng thức.
Sau khi có giò heo sơ chế sạch thì đem ướp cùng gia vị nêm nếm, tiếp tục xào giò heo cùng gia vị còn lại và quan trọng nhất không thể thiếu là chao đỏ. Khi giò heo săn chắc, cho nước lọc hoặc nước dùng hầm từ xương heo và nấu đến chín.
Đối với các món lẩu, kết cấu một phần ăn gồm nồi lẩu, rau xanh và sợi bánh ăn kèm. Theo đó, rau ăn kèm lẩu giò heo chao đỏ thường là xà lách son có vị thơm và nhẫn đắng, kích thích vị giác khi hòa quyện cùng nước dùng chao đỏ.
Thành phẩm nồi lẩu giò heo chao đỏ có nước dùng màu đỏ đẹp mắt, thực khách chỉ cần chọn bún tươi, mì gói hay sợi hủ tiếu và bắt đầu thưởng thức một món lẩu mới lạ trong trưa cuối tuần.
Theo blognauan, monngonmoingay, shopeefood
Gia Hân