'Lá rừng hóa vàng' giữa đại ngàn Lâm Bình

'Lá rừng hóa vàng' giữa đại ngàn Lâm Bình
11 giờ trướcBài gốc
Lâm Bình – huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang không chỉ được thiên nhiên ưu ái với núi non trùng điệp, hồ nước trong xanh và những bản làng yên bình, mà còn là nơi sản sinh ra những mô hình kinh tế độc đáo, đánh thức tiềm năng từ chính đất đai và tri thức bản địa.
Đất rừng thức giấc
Từ vùng đất từng gắn bó với cuộc sống du canh du cư, giờ đây, những cánh rừng tại xã Bình An được phủ xanh bởi dược liệu quý dưới tán rừng. HTX thuốc Đông y Tân Hoa – ra đời năm 2021 – là minh chứng sống động cho sự đổi thay ấy.
Với 13 thành viên cùng canh tác hơn 20 ha các loài cây dược liệu bản địa như khôi nhung, kim tuyến, bảy lá một hoa..., HTX Tân Hoa không chỉ gìn giữ tri thức y học cổ truyền mà còn biến “lá rừng” thành nguồn thu ổn định, mang lại cuộc sống ấm no cho thành viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Cây dược liệu đang mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở Lâm Bình.
Anh La Văn Dũng – Giám đốc HTX, người con dân tộc Dao – chia sẻ: “Trước kia, người Dao chúng tôi thường lên rừng hái thuốc, nhưng khai thác như vậy không bền. Giờ thì chúng tôi trồng dưới tán rừng, vừa bảo vệ rừng, vừa có thu nhập ổn định”.
Với 7 ha dược liệu, riêng gia đình anh Dũng đã thu lãi hơn 40 triệu đồng/tháng từ việc chế biến và bán bài thuốc. Các thành viên khác cũng có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng, một con số không nhỏ giữa vùng cao.
Điểm đặc biệt của HTX Tân Hoa là không bán dược liệu thô mà chế biến theo bài thuốc cổ truyền. Việc nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và giữ vững thương hiệu đang giúp bà con yên tâm bám đất, bám rừng – đúng như tinh thần “sống chung với rừng để sống khỏe từ rừng”.
Không riêng dược liệu, chăn nuôi cũng là một hướng đi mới đem lại hiệu quả vượt trội. Gia đình anh Lý Văn Nam (xã Thổ Bình) bắt đầu từ hai con trâu giống.
Qua nhiều năm tích lũy, nay đàn trâu của anh Nam đã lên đến 30 con, mỗi năm xuất bán 10 con, thu về hơn 500 triệu đồng. Phân trâu được tận dụng làm phân hữu cơ, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Thời gian qua, anh Nam còn đang triển khai nuôi trâu vỗ béo, xây dựng chuỗi liên kết để phát triển bền vững, hướng tới tiêu thụ thịt trâu chất lượng cao.
Đánh thức du lịch cộng đồng
Câu chuyện từ dược liệu đến chăn nuôi tại Lâm Bình cho thấy tư duy mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình – lấy lợi thế bản địa làm nền tảng, kết hợp với khoa học kỹ thuật để tạo ra giá trị gia tăng, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Nếu như nông nghiệp là “gốc rễ” giúp người dân Lâm Bình thoát nghèo, thì du lịch cộng đồng lại là “cánh tay nối dài” để quê hương vươn xa, từng bước khẳng định tên tuổi trên bản đồ du lịch miền núi phía Bắc nói riêng và trên cả nước nói chung.
Điển hình, từ cuối năm 2016, mô hình homestay manh nha được triển khai tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can của huyện Lâm Bình. Khi mới bắt đầu, mô hình chỉ có 15 hộ tham gia. Đến nay, hơn 50 hộ đã biến những ngôi nhà sàn truyền thống thành nơi đón khách du lịch, trải rộng ra các xã Phúc Yên, Hồng Quang, Thổ Bình...
Một điều đáng chú ý là sự thành công của du lịch cộng đồng tại Lâm Bình có sự đóng góp không nhỏ của các HTX dịch vụ du lịch, với cách làm sáng tạo, chuyên nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số địa phương.
Du lịch cộng đồng là thế mạnh được huyện Lâm Bình chú trọng phát triển, với những đóng góp tích cực từ các HTX.
Điển hình như HTX Du lịch cộng đồng Nặm Đíp (xã Lăng Can), nơi quy tụ hơn 20 hộ dân, chủ yếu là người Dao, người Mông tham gia khai thác dịch vụ lưu trú, ẩm thực và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Từ những ngôi nhà sàn truyền thống, các thành viên HTX đã cùng nhau đầu tư, chỉnh trang, vừa giữ gìn nét cổ truyền vừa bổ sung tiện nghi hiện đại phục vụ khách du lịch. Chỉ tính riêng năm 2024, HTX đã đón hơn 10.000 lượt khách, doanh thu tăng 25% so với năm trước.
Hay như ở xã Thượng Lâm, HTX Du lịch sinh thái và Dịch vụ nông nghiệp Thượng Lâm cũng đang khẳng định vai trò đầu tàu phát triển du lịch của địa phương. HTX tổ chức các tour du lịch trải nghiệm như chèo thuyền kayak trên hồ Na Hang - Lâm Bình, tham quan thác Khuổi Nhi, thưởng thức các món ăn đặc sản như cá nướng, thịt lợn đen, rượu men lá.
Việc liên kết các hộ dân làm du lịch giúp HTX Thượng Lâm tạo nên chuỗi dịch vụ khép kín, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, nhiều hộ đã vươn lên thu nhập khá.
Nỗ lực trở thành điểm sáng kinh tế
Điểm nổi bật trong cách làm của các HTX ở Lâm Bình là sự chủ động áp dụng công nghệ thông tin, quảng bá hình ảnh qua mạng xã hội, website du lịch và sàn thương mại điện tử. Nhiều HTX còn phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao để thu hút du khách như lễ hội Lồng Tông, lễ hội Then Kin Pang, giải đua thuyền kayak…
Theo thống kê, chỉ trong vòng 5 năm qua, toàn huyện Lâm Bình đã hình thành hơn 10 HTX và tổ hợp tác làm du lịch cộng đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương.
Dễ nhận thấy, sự hỗ trợ tích cực từ ban ngành địa phương, cùng Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế hợp tác, HTX tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Lâm Bình.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ toàn diện trong việc thành lập mới và củng cố các HTX hiện có tại huyện Lâm Bình. Nhờ đó, số lượng và chất lượng HTX ngày càng tăng, với nhiều HTX mới đi vào hoạt động hiệu quả như HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình, HTX Quang Minh, HTX Toàn Dũng, HTX Nhật Minh…
Liên minh HTX Việt Nam thường xuyên phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, cùng các ban ngành chức năng tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các HTX, trong đó có HTX tại Lâm Bình, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ sự hỗ trợ toàn diện và hiệu quả từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang và các ngành liên quan, phong trào HTX tại huyện Lâm Bình đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Có thể thấy, từ những cánh rừng dược liệu đến những mái nhà sàn đón khách phương xa, Lâm Bình đang dần chuyển mình – từ một vùng đất nghèo, trở thành điểm sáng kinh tế – du lịch của Tuyên Quang.
Với bước đi bài bản, chính sách hỗ trợ thiết thực và sự đồng hành của người dân, Lâm Bình hứa hẹn sẽ trở thành hình mẫu phát triển “xanh và bền” ở vùng cao – nơi mỗi tấc đất, mỗi nếp nhà đều thấm đẫm tinh thần làm chủ, sáng tạo và khát vọng vươn lên.
An Chi
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//business-cooperative/la-rung-hoa-vang-giua-dai-ngan-lam-binh-1106433.html