Lá thư chia tay hé lộ góc nhìn hiếm hoi về môi trường làm việc tại OpenAI

Lá thư chia tay hé lộ góc nhìn hiếm hoi về môi trường làm việc tại OpenAI
5 giờ trướcBài gốc
Theo French-Owen, OpenAI có một văn hóa làm việc "từ dưới lên" (bottoms-up), đặc biệt trong các phòng ban nghiên cứu. Điều này khiến công ty trở nên "rất công bằng" (meritocratic), nơi mọi người được thăng tiến dựa trên khả năng đưa ra ý tưởng và thực thi chúng. Anh nhận xét, những người giỏi nhất tại đây thường không quá xuất sắc trong các bài thuyết trình toàn công ty hay các "chiêu trò chính trị".
Lá thư chia tay hé lộ góc nhìn hiếm hoi về môi trường làm việc tại OpenAI
Mặc dù từng có những tiết lộ về phong cách lãnh đạo của CEO Sam Altman trong vụ việc ông bị tạm thời cách chức vào năm 2023 - cùng với những lời bàn tán về xung đột văn hóa giữa các nhóm mang tính học thuật và nhóm thiên về doanh nghiệp trong công ty - French-Owen cho rằng OpenAI vẫn trung thành với nguồn gốc phi lợi nhuận.
"Càng ở đó lâu, bạn càng có xu hướng nhìn mọi thứ qua lăng kính của một 'phòng thí nghiệm nghiên cứu' hoặc 'tổ chức phi lợi nhuận vì lợi ích chung'", French-Owen chia sẻ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công ty không quan tâm đến lợi nhuận. Theo French-Owen, thành công chủ yếu được đo lường bằng số lượng đăng ký mà một công cụ hoặc bản cập nhật mới mang lại – một con đường quan trọng để đạt được lợi nhuận.
French-Owen cũng cho biết OpenAI không vận hành như một tổ chức lớn hay một gã khổng lồ công nghệ. Công ty đưa ra quyết định nhanh chóng, các đội nhóm linh hoạt và "rất bí mật". Anh chia sẻ rằng mình hiếm khi biết chi tiết về những gì các nhóm khác đang làm.
Một đặc điểm khác của văn hóa khởi nghiệp nhanh chóng tại OpenAI là hầu hết giao tiếp diễn ra trên Slack. French-Owen tiết lộ trong suốt thời gian làm việc, anh chỉ nhận được khoảng 10 email.
Nhưng tốc độ nhanh đôi khi cũng phản tác dụng. "Mọi thứ đều có thể sụp đổ khi bạn mở rộng quy mô quá nhanh: cách giao tiếp trong công ty, cơ cấu báo cáo, cách đưa sản phẩm ra thị trường, cách quản lý và tổ chức con người, quy trình tuyển dụng", French-Owen nói.
Giờ làm việc tại OpenAI khá dài, đặc biệt khi gần đến ngày ra mắt sản phẩm. Một số kỹ sư của OpenAI từng chia sẻ với truyền thông rằng họ kiệt sức vì làm việc 80 giờ mỗi tuần, và công ty đã cho họ nghỉ một tuần vào đầu tháng này.
Khi thời điểm ra mắt Codex đến gần, French-Owen cho biết anh làm việc từ 7 giờ sáng đến nửa đêm hầu hết các ngày, kể cả cuối tuần. "Cảm giác áp lực rất lớn. Một mặt, bạn hướng tới mục tiêu xây dựng AGI – điều này đòi hỏi phải làm đúng rất nhiều thứ. Mặt khác, bạn đang cố gắng tạo ra một sản phẩm mà hàng trăm triệu người dùng sẽ sử dụng", French-Owen cho biết.
Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) được định nghĩa là AI có khả năng suy luận ngang bằng hoặc vượt trội hơn con người. Đây là mục tiêu mà hầu hết các công ty AI hàng đầu đang chạy đua để đạt được đầu tiên.
Nhân tài là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang chi hàng triệu USD để thu hút một số ít nhà nghiên cứu hàng đầu, nhằm giành chiến thắng trong cuộc đua AGI.
Meta đang dẫn đầu trong cuộc chiến nhân tài này. Gần đây, CEO Mark Zuckerberg đã tuyển dụng Alexandr Wang, CEO của Scale AI, để dẫn dắt các nỗ lực AI của Meta, đồng thời chiêu mộ một số nhà nghiên cứu AI hàng đầu từ các công ty khác.
Một trong những nơi Meta đang "săn" nhân tài chính là OpenAI. Jason Wei, người từng làm việc với mô hình o1 và các dự án nghiên cứu sâu của OpenAI, cùng đồng nghiệp Hyung Won Chung, đều đã rời OpenAI để gia nhập Meta trong tuần này.
Cuối cùng, French-Owen nói rằng anh có thể sẽ quay lại OpenAI. "Chất lượng công việc hoàn toàn có thể khiến tôi trở lại. Thật khó tưởng tượng việc xây dựng một thứ gì đó có tác động lớn như AGI, và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) rõ ràng là sáng tạo công nghệ của thập kỷ, French-Owen bộc bạch.
Đức Bình
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/la-thu-chia-tay-he-lo-goc-nhin-hiem-hoi-ve-moi-truong-lam-viec-tai-openai-192250718164037047.htm