Lạc giữa rừng trúc Mồ Dề

Lạc giữa rừng trúc Mồ Dề
8 giờ trướcBài gốc
Con đường ngoằn ngoèo từ trung tâm xã Mù Cang Chải đến rừng trúc Mồ Dề chỉ khoảng hơn 3 cây số, nhưng cũng đủ làm chậm bước chân du khách.
Dọc hai bên là núi rừng tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió chạm vào tán lá và tiếng bánh xe lạo xạo trên nền đá vụn. Càng đi sâu vào trong, bầu không khí như chuyển mình: mát hơn, thơm mùi đất ẩm, tĩnh lặng đến độ người ta có thể nghe thấy cả tiếng tim mình.
Bên trong khu rừng trúc Mồ Dề.
Rừng trúc hiện ra vươn mình cao vút, đón lấy từng vạt nắng xuyên qua vòm lá. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu rừng này đã hơn 80 năm tuổi, lưu giữ nhiều câu chuyện cuộc sống gần rừng của người Mông.
Trúc được trồng khắp triền đồi để làm nhà, làm rào chắn, máng dẫn nước từ suối về tưới nương. Những bụi trúc không phải tự mọc mà là công sức vun trồng qua nhiều năm tháng của người Mông nơi đây. Giữa núi non khắc nghiệt, họ biết khai thác hợp lý, biết lấy vừa đủ để rừng có thể xanh mãi.
Những lối đi trong rừng hôm nay từng in dấu chân người già, trẻ nhỏ. Đến bây giờ, khi trở thành điểm du lịch, rừng trúc Mồ Dề vẫn được giữ nguyên, không chỉ tạo cảnh quan mà còn là minh chứng cho cách sống tôn trọng và biết ơn thiên nhiên.
Trong rừng trúc Mồ Dề, ánh sáng lặng lẽ len vào từng kẽ lá, gió không thổi ào ạt mà khe khẽ chạm vai. Không gian ấy khiến người ta buộc phải đi chậm lại để ngắm, để hít thật sâu và nghe rừng thì thầm chuyện xưa.
Du khách nước ngoài đến với rừng trúc Mồ Dề.
Trong khoảng một giờ tham quan, du khách có thể dạo trên con đường đất trong rừng trúc, chụp ảnh, ngồi thư giãn trên ghế tre giữa vòm xanh, hay đơn giản là ngẩng nhìn bầu trời qua tán trúc.
Anh Giàng Hạnh Phúc, chủ rừng trúc Mồ Dề chia sẻ: Mình dùng điện thoại, flycam để ghi lại cảnh đẹp, ánh nắng xuyên qua tán trúc, khoảnh khắc khách đến đây thư giãn, vui chơi trong rừng. Mình còn quay đường đi, chỗ dốc, chỗ dễ lạc, sau đó đăng lên Facebook, Zalo, TikTok để nhiều người cùng biết. Mình muốn du khách không chỉ chụp ảnh mà còn hiểu thêm cuộc sống của người Mông, thương rừng, cùng bà con giữ gìn rừng.
Anh Nguyễn Tiến Duy, du khách đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: "Khi đến đây, bọn em cảm thấy rất thích và thấy rằng việc bỏ thời gian cùng mọi thứ để đến trải nghiệm khu rừng này là hoàn toàn xứng đáng. Thứ nhất, không khí ở đây trong lành, xanh mát, yên tĩnh nên bọn em rất thích. Với những người sống ở Hà Nội, nơi có nhiều tiếng ồn, thì khi lên đây, mọi thứ dường như trở nên rất dễ chịu và đáng trải nghiệm".
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, du khách đến từ Thanh Hóa chia sẻ: Rừng trúc thật sự rất đẹp, xanh mát. Khi đi vào bên trong, hoàn toàn không cảm thấy nóng chút nào. Cây trúc cao vút, khiến tôi không nghĩ rằng ở Việt Nam lại có một khu rừng trúc đẹp đến như vậy.
Không ít du khách từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí cả nước ngoài, đã tìm đến Mồ Dề chỉ để... thở, để tránh xa những ồn ào nơi phố thị, được sống những giây phút thật yên ả, êm đềm với thiên nhiên xanh mát. Còn với người bản địa, họ đón khách bằng ánh mắt thật thà, nụ cười mộc mạc.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cang Chải cho biết: Rừng trúc Mồ Dề không chỉ đẹp mà còn mang bản sắc văn hóa của người Mông. Định hướng của địa phương sẽ phát triển du lịch gắn với văn hóa, khuyến khích người dân làm du lịch dựa trên nguyên tắc tôn trọng và gìn giữ cảnh quan.
Những chiếc ghế tre thay vì bàn nhựa, bảng chỉ dẫn viết tay bằng tiếng Mông, tất cả tạo nên bức tranh du lịch chân thật và khác biệt.
Tại vùng đất Mù Cang Chải, nếu Tú Lệ là gam vàng rực rỡ, đèo Khau Phạ là đường cong của đất trời, thì rừng trúc Mồ Dề là mảng xanh dịu mát, âm thầm mà đầy sức sống, giữ chân du khách bằng cách riêng lặng lẽ, chân thành và nguyên sơ.
Lê Lý
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/lac-giua-rung-truc-mo-de-post648811.html