Người Cơ Tu làm du lịch sinh thái

Người Cơ Tu làm du lịch sinh thái
8 giờ trướcBài gốc
Bản sắc từ làng quê đến núi rừng
Hòa Vang là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu với các thôn bản tập trung ở xã Hòa Bắc và Hòa Phú (phường Hải Vân và Hòa Vang hiện nay).
Trong nhịp sống hiện đại hóa, cộng đồng này vẫn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống quý báu như nhà Gươl, trang phục dệt thổ cẩm, các lễ hội mừng lúa mới, lễ dựng cây nêu, các điệu múa tâng tung da dá và âm nhạc dân gian từ cồng chiêng đến đàn dây.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu là động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo
Những nét văn hóa ấy không chỉ tạo nên bản sắc riêng biệt mà còn là tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tính trải nghiệm, khám phá, gắn với thiên nhiên và con người vùng cao.
Nhiều homestay, tour du lịch cộng đồng do chính người dân bản địa vận hành đã bắt đầu được triển khai tại thôn Tà Lang (Hòa Bắc) hay thôn Giàn Bí (Hòa Khương), trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Với hơn 70% diện tích là rừng, trong đó có một phần Vườn quốc gia Bà Nà – Núi Chúa, huyện Hòa Vang sở hữu hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, các thác nước, suối tự nhiên, rừng nguyên sinh và khí hậu mát mẻ quanh năm ở vùng cao.
Đây là điều kiện lý tưởng để hình thành các tuyến du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, trekking, khám phá rừng xanh.
Người Cơ Tu ở Đà Nẵng vẫn lưu giữ được các điệu múa với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình
Một số dự án du lịch sinh thái tại Hòa Bắc như Khu du lịch sinh thái Pơmu Farmstay, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nghệ đã được đầu tư theo hướng thân thiện môi trường, tận dụng nguyên vật liệu địa phương, đảm bảo sinh kế cho người dân và thu hút sự tham gia của cộng đồng.
Ngoài ra, những trải nghiệm như hái rau rừng, chế biến món ăn Cơ Tu, tắm suối, đi bộ xuyên rừng, đạp xe giữa thung lũng xanh mướt… đang được nhiều đơn vị khai thác nhằm mang đến cảm giác “sống chậm”, trở về thiên nhiên cho du khách.
Đồng hành cùng cộng đồng, giữ gìn văn hóa
Một trong những thành công của du lịch cộng đồng ở Hòa Vang là sự chủ động của người dân trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc và vận hành dịch vụ. Nhiều hộ dân đã được tập huấn kỹ năng làm du lịch, học cách đón tiếp khách, trình diễn văn hóa truyền thống, giới thiệu ẩm thực địa phương.
Đà Nẵng triển khai Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu giai đoạn 2022-2030, tạo điều kiện để người dân phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống
Đặc biệt, mô hình "Cộng đồng làm du lịch" tại thôn Tà Lang đã được ghi nhận như một điển hình của việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bà Alăng Thị Siu, người dân tộc Cơ Tu, chia sẻ: "Làm du lịch không chỉ là kiếm tiền, mà còn là cách để giữ lại tiếng chiêng, điệu múa, món ăn của ông bà cho con cháu mai sau."
Các chương trình hợp tác giữa chính quyền thành phố, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp du lịch cũng giúp xây dựng kế hoạch phát triển bài bản, tránh tình trạng thương mại hóa hay làm mất đi vẻ nguyên bản của làng bản.
Việc quy hoạch điểm đến được gắn với bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức bảo tồn di sản.
Nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thôn Tà Lang - Giàn Bí được nâng cấp, sửa chữa trở thành nơi sinh hoạt của người Cơ Tu
Trong định hướng phát triển không gian đô thị của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hòa Vang được xác định là vùng sinh thái phía Tây, đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng giữa đô thị hóa với bảo tồn tự nhiên.
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng tại Hòa Vang không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân mà còn là một giải pháp để giải tỏa áp lực phát triển ở khu vực trung tâm thành phố.
Thông qua du lịch, những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được lan tỏa, trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển vùng cao một cách tự chủ và bền vững.
Với sự quan tâm từ chính quyền, nỗ lực từ cộng đồng và đồng hành của các doanh nghiệp, Hòa Vang hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu của một đô thị sinh thái, nơi con người sống hài hòa với thiên nhiên, gìn giữ văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế du lịch một cách nhân văn và lâu dài.
HÒA XUÂN; ảnh: TIÊU DAO
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/nguoi-co-tu-lam-du-lich-sinh-thai-152426.html