Tại tỉnh biên giới Lai Châu, từ mái nhà của những cựu chiến binh năm xưa, góc phố thân quen, đến nhà văn hóa, người dân như cùng lặng đi, lắng nghe và sống lại thời khắc hào hùng của dân tộc.
Lai Châu.
Tại con ngõ nhỏ ở thành phố Lai Châu, căn nhà mang đậm dấu ấn thời gian của thương binh, cựu chiến binh chống Pháp - Phạm Ngọc Toan đầy ắp những tấm huân, huy chương. Khi nhạc chương trình tường thuật Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên, ông Toan ngồi lặng im bên chiếc radio đã gắn bó suốt nhiều thập kỷ. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn xúc động.
Trong khi tôi đang làm việc tại Bệnh viện huyện Tuần Giáo, hôm đó đúng vào ngày thứ 4 thì bất ngờ nghe tin Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin quân giải phóng đã gải phóng hoàn toàn miền Nam. Tất cả mọi người ở bệnh viện đã ùa ra chỗ loa phát thanh của bệnh viện nghe. Ai cũng rất phấn khởi, bàng hoàng vì vui quá, không ngờ mình lại giải phóng miền Nam nhanh thế.
Cách đó không xa, tại một quán cà phê nhỏ trên đường 30/4, thành phố Lai Châu, người dân vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa hướng về chiếc loa phường đang phát sóng trực tiếp từ Đài. Trong tiếng nhạc hào hùng và lời dẫn trang trọng từ chương trình, ai cũng rưng rưng xúc động.
Chị Nguyễn Trần Hải Hà, cán bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: "Được nghe tường thuật trực tiếp Lễ Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong lòng tôi cảm thấy rất là từ hào và vô cùng xúc động. Nền hòa bình vô cùng tươi đẹp mà hôm nay chúng ta đang có được đánh đổi bằng xương máu và khát vọng cháy bỏng của những thế hệ đi trước. Là thế hệ trẻ của đất nước, chúng tôi hiểu rằng bản thân mình cần phải tiếp nối tinh thần bất khuất ấy bằng cách phát huy trí tuệ, bản lĩnh; bằng sự đổi mới, khát vọng sáng tạo để góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường".
Nhà văn hóa tại các tổ dân phố, thôn bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng tổ chức theo dõi chương trình tường thuật trực tiếp lễ kỷ niệm qua sóng phát thanh, truyền hình để người dân hiểu thêm về lịch sử dân tộc.
Chị Bùi Thị Trang, ở tổ 7, phường Đoàn Kết chia sẻ: "Ở Tây Bắc xa xôi, chúng tôi cũng luôn hướng về ngày đại lễ của dân tộc, những thông tin, những hình ảnh về màn diễu binh, diễu hành ngày đại lễ, càng xem chúng tôi cảm thấy mình rất là may mắn và tự hào vì là người dân Việt Nam. Là thế hệ trẻ, không phải trải qua những năm tháng chiến tranh, nhưng chúng tôi được giáo dục lịch sử, thấu hiểu những hy sinh của các thế hệ cha anh. Chúng tôi luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng những giá trị của lịch sử dân tộc; nguyện sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với những hy sinh mà các bác, các chú, các anh đã cống hiến cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay".
Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để nhìn lại quá khứ hào hùng, mà còn là cơ hội để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm trong từng thế hệ.
Ở nơi rẻo cao biên giới Lai Châu, âm thanh và hình ảnh tường thuật trực tiếp từ Đài Tiếng nói Việt Nam là nhịp cầu gắn kết những trái tim cùng chung nhịp đập, một niềm tự hào dân tộc vô hạn.
Khắc Kiên/VOV Tây Bắc