Có 106 dự án điện gió được Bộ Công thương tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt được nhắc là thiếu căn cứ về quy hoạch
Chờ văn bản cụ thể
Tại cuộc họp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ là cương quyết xử lý, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo; nghiêm cấm chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng. Mục tiêu được đặt ra là nỗ lực hoàn thành trước ngày 31/1/2025 nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã phát sinh một số sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu tại Kết luận số 1027/KL-TTCP tháng 12/2023. Các sai phạm được liệt kê liên quan đến hàng trăm dự án.
Cụ thể, 14 dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP và Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019. 20 dự án chồng lấn với quy hoạch khoáng sản; 5 dự án chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới và 1 dự án chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng. 40 dự án gặp vấn đề về trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai.
Khẳng định, kết luận của Thanh tra Chính phủ về năng lượng tái tạo không sai, nhưng ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho rằng, đã có sự đánh đồng giữa cái sai của quản lý nhà nước và doanh nghiệp; giữa lỗi và tội của doanh nghiệp.
“Có chồng lấn các quy hoạch như khoáng sản hay vùng tưới… thì đó là trách nhiệm của địa phương. Địa phương có chấp thuận, doanh nghiệp mới vào làm được. Nếu chúng ta chưa khai thác khoáng sản thì vẫn còn đó, giờ hãy ưu tiên cho năng lượng tái tạo để hướng tới xanh và có thêm nguồn cung cho an ninh năng lượng”, ông Thịnh chia sẻ.
Nghiên cứu nội dung cuộc họp và 6 nhóm giải pháp được đưa ra nhằm xử lý các vướng mắc, các chuyên gia về năng lượng tái tạo cho hay, Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Như vậy, sẽ cần có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước ghi rõ những dự án không vi phạm quy định về quy hoạch.
Các chuyên gia còn cho rằng, Kết luận 1027/KL-TTCP có nhắc tới việc 168 dự án điện mặt trời được phê duyệt đầu tư là không có pháp lý về quy hoạch. Cũng có 106 dự án điện gió được Bộ Công thương tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt và trực tiếp phê duyệt 17 dự án được nhắc là thiếu căn cứ về quy hoạch.
Vì vậy, cũng cần có văn bản công nhận là các dự án này đủ điều kiện pháp lý.
Chủ đầu tư nóng ruột
Sau khi được công nhận và nằm trong quy hoạch, việc tiếp theo là phải có hướng dẫn xử lý thực tế các dự án đang được hưởng giá FIT trong khi chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT để xác định lại giá mua bán điện theo quy định.
Hiện các nhà đầu tư quan tâm tới kết luận sai phạm liên quan tới 173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư.
Theo thống kê, quy mô các Dự án đã đầu tư sơ bộ lên tới 308.409 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD, chiếm tỷ trọng công suất gần 13% và chiếm tỷ trọng sản lượng điện khoảng 6,06% toàn hệ thống điện. Vì vậy, việc chậm trễ đưa các Dự án vào khai thác sử dụng không chỉ gây lãng phí, mà còn có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cùng với đó là 413 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà có tổng công suất khoảng 507 MWp được đầu tư trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại.
Giải pháp được đưa ra là thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng và cách thức cụ thể được nhắc tới là “thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện”. Các doanh nghiệp cho rằng, sẽ rất nặng nề cho các dự án điện đang được hưởng giá FIT1 là 9,35 UScent/kWh phải xuống FIT2 là 7,09 UScent/kWh hay xuống thẳng mức 1.184,90 đồng/kWh theo Quyết định 21/2023/QĐ-TTg cho các dự án chuyển tiếp như giải pháp đưa ra.
Chia sẻ câu chuyện này, ông Thịnh nhận xét, việc hầu hết các dự án không có xác nhận nghiệm thu tại thời điểm vận hành thương mại (COD) mong được Chính phủ xem xét là “lỗi”, không phải “tội”. Gần như toàn bộ các dự án điện mặt trời tập trung đều vi phạm vì quy định này nằm trong Luật Xây dựng, nên không ai để ý, còn hiện giờ thì ai làm dự án điện năng lượng tái tạo cũng đều hiểu rõ quy định này.
Với 413 dự án điện mặt trời mái nhà dạng trang trại, nếu đất chưa phù hợp làm trang trại mà có vi phạm, thì sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi tương đương 9,35 UScent/kWh (trước ngày 1/7/2019) hay 8,38 UScent/kWh (từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020).
Tuy nhiên, hiện Bộ Công thương cũng không công bố giá mua điện mặt trời mái nhà cho các dự án COD từ ngày 1/1/2021, nên cũng không biết sẽ xử lý ra sao hay chỉ duy nhất là không được hưởng.
Trao đổi về lộ trình tiếp theo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - bên mua điện của các dự án năng lượng tái tạo, một lãnh đạo của EVN cho hay, theo các giải pháp được đưa ra, thì các dự án không đáp ứng được yêu cầu hưởng giá FIT1, FIT2 sẽ phải tiến hành đàm phán lại hợp đồng mua bán điện (PPA). Tuy nhiên, EVN hiện mới thống kê tình trạng cụ thể của các dự án và sẽ chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng nhà nước để thực hiện các bước tiếp theo. Với các dự án liên quan đến điện mặt trời mái nhà, EVN sẽ giao các tổng công ty điện lực triển khai.
Thanh Hương