Lại lo biến tướng dạy thêm

Lại lo biến tướng dạy thêm
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều giáo viên tại Hà Nội chia sẻ, tuy không dạy thêm trong nhà trường, nhưng họ đang trong những ngày rất bận rộn lo thủ tục đăng ký kinh doanh để được dạy thêm hợp pháp. Tại địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai cho thấy, những ngày qua nhiều giáo viên đã phải nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ kinh doanh để tổ chức dạy thêm, học thêm do chưa đảm bảo các điều kiện cần và đủ.
Tương tự, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT Hải Phòng thông tin, những ngày gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh trên lĩnh vực giáo dục tăng đột biến. Chỉ tính trong một tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý và cấp phép 278 bộ hồ sơ trên lĩnh vực giáo dục, bằng 86% của cả năm 2024, 185% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, bao gồm cả hồ sơ đăng ký mới, đăng ký chi nhánh trực thuộc, thay đổi nội dung đăng ký và đăng ký bổ sung. Hay tại Nghệ An, theo đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Vinh, sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29, ngay từ tuần trước số lượng người đến nộp hồ sơ thành lập hộ kinh doanh đã tăng đột biến với gần 300 hồ sơ…
Như vậy có thể thấy, đang có một cuộc chạy đua đăng ký kinh doanh để các giáo viên được dạy thêm theo đúng quy định của Thông tư 29 của Bộ GDĐT và các căn cứ pháp lý. Thực hiện Thông tư 29, thời điểm này đa số giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường đã ngưng dạy thêm để hoàn thiện thủ tục, một số tiếp tục dạy theo hình thức online. Trước đó học sinh các cấp phải học thêm tràn lan, học ở trường, học thêm ở các cơ sở do các giáo viên mở tại nhà riêng, học thêm tại các Trung tâm ôn luyện thi, Trung tâm tiếng Anh…
Trong khi lãnh đạo Bộ GDĐT cho hay, việc ban hành Thông tư 29 trên quan điểm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… giúp học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Lãnh đạo Bộ cũng kỳ vọng, quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên "kéo" học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Học thêm và dạy thêm là nhu cầu chính đáng. Chỉ có điều Thông tư 29 của Bộ GDĐT ít nhiều “đụng chạm” tới nguồn thu không nhỏ đến từ việc dạy thêm của nhiều giáo viên trong suốt nhiều thập niên qua. Đáng nói là bao lâu nay, việc dạy thêm ngoài nhà trường của các thầy cô giáo đã tránh được việc đóng thuế. Nay hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh, đóng thuế đầy đủ thì giáo viên có thể dạy thêm một cách minh bạch. Nhưng có ai dám chắc họ không tiếp tục “kéo” học sinh ra học thêm ở bên ngoài? Bởi những khái niệm giữa tự nguyện và ép buộc vẫn là ranh giới rất mong manh. Thực tế cũng cho thấy, có không ít giáo viên đã sẵn sàng cho học sinh kết quả rèn luyện ở mức “chưa đạt” khi phụ huynh không cho con đi học thêm ở lớp cô tổ chức.
Hiện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đang tổ chức lấy ý kiến dư luận xã hội về Thông tư 29 của Bộ GDĐT. Việc khảo sát này theo hình thức mở, người dân cả nước có thể tham gia khảo sát bằng hình thức trực tuyến. Rất mong có những đóng góp thật khách quan để hướng tới một nền giáo dục thực học - thực nghiệp, không nặng thành tích, theo đúng định hướng và mục tiêu của Chương trình GDPT mới 2018.
Minh Quang
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lai-lo-bien-tuong-day-them-10300406.html