Lãi suất tiết kiệm sẽ biến động sau chỉ đạo của Thủ tướng

Lãi suất tiết kiệm sẽ biến động sau chỉ đạo của Thủ tướng
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 25/2, BVBank công bố biểu lãi suất huy động tiền gửi mới, với việc điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trước đó, BVBank là một trong hai ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống dành cho tiền gửi thông thường (không tính các mức lãi suất đặc biệt cho số tiền gửi lớn).
Theo biểu lãi suất mới nhất, đối với tiền gửi trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ - sản phẩm có lãi suất cao nhất tại BVBank, kỳ hạn gửi 1-3 tuần được áp dụng lãi suất 0,3%/năm, không thay đổi so với trước đó. Kỳ hạn 1 tháng được BVBank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 3,95%/năm; kỳ hạn 2 tháng ở mức 4,0%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,15%; kỳ hạn 4 tháng được áp dụng lãi suất 4,2%/năm; kỳ hạn 5 tháng có mức lãi suất huy động không thay đổi ở mức 4,25%/năm.
Nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Đáng chú ý, BVBank giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức điều chỉnh dao động trong khoảng 0,1 - 0,35%/năm. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng được BVBank giảm từ 5,45%/năm xuống 5,35%/năm. BVBank giảm lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 5,75%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,05%/năm xuống 5,8%/năm; kỳ hạn 18 tháng giảm từ 6,35%/năm xuống 6,0%/năm.
Tuy vậy, BVBank vẫn nằm trong nhóm có lãi suất huy động cao hàng đầu hệ thống. Hiện, mức lãi suất cao nhất được BVBank áp dụng là 6,05%/năm dành cho các khoản tiền gửi 24 tháng.
Động thái điều chỉnh giảm lãi suất của BVBank diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 19 ngày 24/2/2025 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong thời gian qua và việc công bố, thực hiện lãi suất huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong 6 tuần (từ 6/1/2025 đến 14/2/2025), bảng lãi suất của 36 ngân hàng ghi nhận 7/36 ngân hàng tăng lãi suất, 3 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn. Trong đó, Eximbank tăng 0,9% kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy và online lên mức 5,2% và 5,4%/năm (lãi suất online vào 2 ngày cuối tuần). Các kỳ hạn từ 12-36 tháng online cũng tăng mạnh từ 0,4-1,0%/năm lên mức 5,6-6,6%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 6,6%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online.
Các ngân hàng tăng lãi suất còn lại với chỉ từ 0,1-0,3%/năm, gửi tại quầy và online bao gồm: BaoVietBank, Vietbank, KienlongBank, VietABank, BIDV. Ngược lại, 3 ngân hàng giảm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn từ 1-36 tháng, tại quầy và online, gồm: BacABank, NCB và TPBank. Bên cạnh đó, có 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất với chỉ 0,1-0,2% các kỳ hạn 1-12 tháng, cả tại quầy và online, gồm: ABBank và Techcombank.
Nhìn chung, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng tiếp diễn mạnh hơn trong những tháng đầu năm 2025... nhằm đón đầu cầu tín dụng được kỳ vọng tăng trong các quý tới. Lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục trước đến nay.
Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 11/2024 tăng, vượt 7 triệu tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, tăng 7,16% so với cuối năm 2023. Riêng trong tháng 11/2024, các cá nhân đã gửi thêm vào hệ thống các tổ chức tín dụng 22.000 tỷ đồng, nâng lượng tiền gửi lên hơn 7 triệu tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, tăng 7,16% so với cuối năm 2023.
Các ngân hàng đã huy động hơn 468.000 tỷ đồng từ khách hàng cá nhân trong 11 tháng đầu năm 2024. Con số tăng trưởng này cao hơn lượng tiền gửi của khối khách hàng tổ chức kinh tế, tăng 428.000 tỷ đồng, lên 7,269 triệu tỷ đồng. Các tổ chức kinh tế gửi tiền vào hệ thống ngân hàng tăng đều những tháng cuối năm 2024 thay vì sụt giảm như những tháng đầu năm, ghi nhận mức tăng trong năm thêm 6,26%. Tuy nhiên, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng thêm 8,14% so với cuối năm 2023, lên 17,301 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi của tổ chức, cá nhân vào ngân hàng thấp hơn dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng lên đến 907.000 tỷ đồng.
Mặc dù lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng kỷ lục, song tốc độ huy động vốn chậm hơn so với tín dụng khiến chênh lệch giữa dư nợ cho vay và số dư tiền gửi duy trì ở mức cao. Điều này được cho sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các nhà băng quy mô nhỏ.
Hiện một số ngân hàng niêm yết lãi suất đặc biệt 7-9%/năm, nhưng đòi hỏi khoản tiền gửi giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. PVcomBank hiện là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất, lên tới 9%/năm cho kỳ hạn từ 12-13 tháng. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng. HDBank cũng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh, với 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện để tham gia chương trình này là khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Với kỳ hạn 18 tháng, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 6%, phù hợp với khách hàng có nhu cầu gửi dài hạn.
MSB đưa ra lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là khách hàng phải gửi tối thiểu 500 tỷ đồng vào sổ tiết kiệm mở mới hoặc tự động gia hạn kể từ ngày 1/1/2018.
Vikki Bank (trước đây là DongA Bank) cũng triển khai mức lãi suất khá hấp dẫn, với 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, yêu cầu số tiền gửi tối thiểu 200 tỷ đồng. Ngoài ra, kỳ hạn 24 tháng tại ngân hàng này có lãi suất 6,1%/năm.
VCBS kỳ vọng, xu hướng lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so giai đoạn trước Covid-19. Lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ và khả năng sẽ đi ngang trong năm 2025.
Vân Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/lai-suat-tiet-kiem-se-bien-dong-sau-chi-dao-cua-thu-tuong-d248995.html