Lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nhưng lại nằm biệt lập tại 1 sườn đồi ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách trung tâm Lam Kinh khoảng 4 km. (Ảnh: Tuấn Minh)
Xót xa những vụ đào mộ cổ
Vào ngày 3/5/2025 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa phát hiện dấu hiệu xâm phạm tại lăng mộ Vua Lê Túc Tông. Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã ngay lập tức phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc và các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một hố đào trái phép sâu 1,6m, rộng 90cm x 52cm, tại khu vực lăng mộ. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 14 mảnh bia đá khắc chữ Hán cổ, trong đó có dòng chữ “Đại Việt Túc Tông Nhượng…” thể hiện miếu hiệu của Vua Lê Túc Tông.
Các mảnh bia có hình rồng trang trí theo phong cách thời Lê, chữ khắc theo lối Khải. Ngoài ra còn có 15 mảnh gạch cổ màu xám đen. Tất cả hiện vật đã được niêm phong và bảo quản tại kho của Khu di tích Lam Kinh để phục vụ điều tra.
Qua điều tra bước đầu, đã xác định được hai đối tượng là thủ phạm thực hiện hành vi đào trộm và đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ. Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, Thứ trưởng Bộ VH,TT& DL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn số 2096/BVHTTDL-DSVH, gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại tại lăng mộ Vua Lê Túc Tông, kiểm tra hiện trạng các di tích trên địa bàn để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, đồng thời đề xuất phương án xử lý phù hợp.
Phúc đáp công văn, ngày 13/5/2025, Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 2171/SVHTTDL-DSVH gửi Bộ VH,TT&DL, báo cáo chi tiết vụ việc đào bới trái phép lăng mộ Vua Lê Túc Tông - một phần của Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Văn bản cũng đề cập đến các biện pháp khẩn trương đang được triển khai để bảo đảm an ninh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.
Trước đó, ngày 5/1/2025, thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng cho biết, lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm. Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Đây không phải lần đầu tiên lăng mộ Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị xâm hại. Khu lăng mộ này từng bị kẻ xấu đào trộm dưới thời chiến tranh để tìm kiếm vàng bạc, châu báu.
Vì sao nạn đào trộm mộ cổ lại hoành hành?
Những món đồ tùy táng trong mộ vua chúa thường là vật phẩm cực kỳ quý hiếm như gươm ngọc, bình gốm triều đại, trang sức bằng vàng, đá quý, sách cổ viết tay, tượng đồng… Không ít cổ vật bị đánh cắp từ mộ cổ Việt Nam đã “lưu lạc” sang nước ngoài, nằm trong các bộ sưu tập tư nhân hoặc được rao bán công khai tại các nhà đấu giá quốc tế. Vấn nạn này đã làm “chảy máu” di sản, khiến nhiều vật chứng quan trọng của lịch sử khó có thể quay trở lại quê hương.
Một trong những hệ lụy lớn nhất của nạn đào trộm mộ là cản trở công tác khảo cổ và phục dựng lịch sử. Mỗi ngôi mộ cổ là một “tư liệu sống” mang nhiều lớp thông tin - từ cấu trúc chôn cất, vật liệu xây dựng, đồ tùy táng đến DNA người được chôn cất - tất cả đều có giá trị khoa học to lớn. Ngoài thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều tỷ đồng, những tổn thất giá trị tinh thần, nghệ thuật khó có thể đo đếm bởi hầu hết cổ vật đều là linh vật đối với mỗi di tích, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, thẩm mỹ cao...
Cơ quan Công an cũng đã triệt phá, bắt giữ một số đối tượng đào trộm mộ cổ nhưng đáng ngại là thực trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Một số địa phương còn thiếu lực lượng chuyên trách về bảo vệ di tích, thiếu kinh phí và công nghệ giám sát.
Theo ngành Văn hóa, bên cạnh việc pháp luật tăng chế tài xử phạt thì các địa phương lập danh mục và hồ sơ chi tiết về các di tích, cổ vật và mộ cổ. Tăng cường áp dụng công nghệ như GPS, camera giám sát để bảo vệ di tích; Phối hợp với cảnh sát và các tổ chức quốc tế để truy tìm, thu hồi cổ vật bị đánh cắp; Tham gia các công ước quốc tế như Công ước UNESCO về chống buôn lậu di sản văn hóa; Tăng mức phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các đối tượng tổ chức hoặc tiêu thụ cổ vật trái phép. Đưa các vụ việc điển hình ra xét xử công khai nhằm răn đe và giáo dục cộng đồng.
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu là giáo dục ý thức cộng đồng. Người dân địa phương cần được phổ biến kiến thức về giá trị của di sản, được khuyến khích tố giác hành vi đào trộm, bảo vệ những chứng tích thiêng liêng của lịch sử.
Thùy Dương