Tại Dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT) mới nhất, Bộ Tài chính thay đổi nhiều đề xuất so với trước đó. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất, đơn hàng nhập khẩu qua TMĐT có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống sẽ được miễn thuế nhập khẩu, giảm một nửa so với mức 2 triệu đồng hiện hành.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân hoặc tổ chức chỉ được hưởng ưu đãi miễn thuế cho tổng giá trị hàng hóa không quá 48 triệu đồng/năm.
Dự thảo mới này cũng bỏ nội dung quy định mức miễn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu có giá trị theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng trước đây. Bộ Tài chính lý giải quy định này nhằm đảm bảo thuận lợi cho người khai hải quan và cơ quan hải quan trong theo dõi, thực hiện thủ tục hải quan.
Đề xuất nói trên ngay lập tức gây ra nhiều tranh luận, bởi nhiều ý kiến cho rằng như vậy tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm giá rẻ từ nước ngoài nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh cho cho doanh nghiệp trong nước.
Người dân lao đao vì chính sách thay đổi 'chóng mặt'
Trên thực tế, cách đây gần 15 năm, khi các sàn TMĐT chưa phát triển mạnh mẽ, Chính phủ đã có Quyết định 78/2010 quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Sau đó, đến đầu năm nay, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành Quyết định 01/2025 bãi bỏ toàn bộ Quyết định 78, theo đó hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Quy định có hiệu lực từ ngày 18-2, tức cách đây gần 1 tháng rưỡi.
Trao đổi với PV, chị Văn Thị Hoài Sương – Giám đốc một công ty chuyên sản xuất giấy ăn, chế phẩm vệ sinh tại Hà Nội- bày tỏ sự khó hiểu khi chính sách miễn thuế và thu thuế thay đổi liên tục trong một thời gian ngắn.
Chị Sương cũng đặt ra câu hỏi: Doanh nghiệp trong nước phải chịu thuế nhập khẩu cho nguyên liệu, hàng hóa từ nước ngoài, vậy tại sao hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam qua sàn thương mại điện tử lại được miễn thuế?
Ngoài ra, chị Sương cho biết nếu đề xuất miễn thuế trên được thông qua thì hàng nội địa Việt sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng nhập khẩu giá rẻ, nhất là hàng từ Trung Quốc.
Nhiều người kinh doanh cho rằng miễn thuế nhập khẩu cho hàng dưới 1 triệu đồng qua thương mại điện tử khiến hàng nội địa khó có chỗ đứng. Ảnh: MINH TRÚC
Cùng suy nghĩ, chị Thu Quỳnh, chủ một kênh bán hàng về mỹ phẩm thuần chay trên sàn thương mại điện tử, cho biết khi hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ được miễn thuế, hàng giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn và cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước. Do đó, nếu chính sách chính thức được thông qua, bản thân chị và nhiều người kinh doanh hàng nội địa Việt sẽ phải tính toán lại chiến lược kinh doanh.
“Mặt hàng tôi kinh doanh đang là mỹ phẩm, mà mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc… đã luôn được ưa chuộng hơn các sản phẩm Việt rồi. Nếu miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá rẻ thì hàng Việt Nam sẽ rất khó có chỗ đứng”- chị Quỳnh nói.
Cần phải thu đúng thu đủ
Bà Đinh Thị Nho - Giám đốc vận hành nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn - cho rằng nếu đề xuất trên được thông qua, sự cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa sẽ có những thay đổi nhất định. Cụ thể là cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian vận chuyển và chi phí vận chuyển.
Dẫn dữ liệu từ Metric.vn, trong năm 2024, hơn 324 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt gần 38% và gần 43% so với năm trước.
Những mặt hàng này chủ yếu thuộc ngành làm đẹp, thời trang với giá trung bình chưa đến 44.000 đồng/sản phẩm.
Bà Nho cũng cảnh báo một số khách hàng có thể tìm cách chia đơn hàng nhỏ hơn để tận dụng chính sách miễn thuế.
Với thực tiễn đó, bà Nho cho rằng doanh nghiệp nội địa phải có chiến lược rõ ràng để duy trì sức cạnh tranh. Việc nâng cao giá trị thương hiệu trở thành yếu tố then chốt, đặc biệt, các doanh nghiệp nội địa có lợi thế về dịch vụ hậu mãi và bảo hành để tạo niềm tin cho khách hàng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ tràn vào nước ta qua TMĐT tương đối nhiều, vì vậy, cần phải thu đúng thu đủ. Theo vị chuyên gia này, nếu không làm như vậy, doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh, bị thất thế ngay trên sân nhà. Và như vậy là đi ngược lại quyết tâm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Việc đánh thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với hàng có giá trị nhỏ bán qua sàn thương mại điện tử là hợp lý”, ông Thịnh nói.
Mới đây, trang cá nhân của Shark Bình (tên thật là Nguyễn Hòa Bình) là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech - một tập đoàn sở hữu nhiều nền tảng công nghệ như Ngân Lượng (cổng thanh toán trực tuyến), Giao Hàng Nhanh, Boxme (dịch vụ logistics), và TopCV (tuyển dụng công nghệ)... đã chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về việc miễn thuế hàng nhập khẩu qua TMĐT.
Theo ông, một số ý kiến cho rằng miễn thuế đơn hàng bán lẻ xuyên biên giới giá trị dưới 2 triệu đồng (96 triệu/năm) sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt, thì đây là vấn đề cần tính đến. Bởi, hàng nhập khẩu chính thức và hàng sản xuất trong nước phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn hợp quy, và đảm bảo tiêu chí kiểm định chất lượng sản phẩm...
Khi nhóm hàng hóa xuyên biên giới giá rẻ được miễn thuế cũng đồng thời được miễn các nghĩa vụ trên. Tức là người mua có thể sẽ dùng phải hàng kém chất lượng, hàng độc hại, mà nếu để lại hậu quả nghiêm trọng cũng không biết bắt đền ai, không được tổ chức, đơn vị nào bảo vệ.
"Không có đại diện thương mại chịu trách nhiệm ở Việt Nam thì cũng như 'kẻ không có tóc', làm sao mà nắm?", ông Bình đặt vấn đề và cho hay ông không đồng tình với ý kiến miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa xuyên biên giới.
Miễn thuế là phù hợp thông lệ quốc tế
Trong khi đó, chuyên gia về thuế, TS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng đề xuất này của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý. Bởi theo thông lệ quốc tế, nhiều nước hiện nay đang miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Theo ông Tú, việc áp dụng ngưỡng tổng giá trị nhập khẩu không quá 48 triệu đồng/năm cũng sẽ hạn chế việc người mua lợi dụng chính sách, nhập hàng về để kinh doanh. Tuy nhiên, ông Tú khuyến cáo cần đánh giá để đảm bảo số thuế thu cân bằng với khoản đầu tư hệ thống, hạ tầng hải quan... tránh trường hợp đầu tư lớn nhưng thu không hiệu quả.
Cũng theo vị này, việc giảm trị giá đơn hàng được miễn thuế nhập khẩu là cần thiết, bởi vừa đảm bảo hài hòa quan hệ thương mại, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, vừa góp phần bảo vệ hàng sản xuất trong nước và đảm bảo công bằng cho nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, ông Tú cảnh báo số lượng đơn hàng có giá trị nhỏ nhập vào Việt Nam rất lớn. Do đó, Cục Hải quan cần chuẩn bị tốt về hạ tầng hải quan điện tử để thuận lợi cho việc khai báo hải quan khi áp dụng chính sách này.
Miễn thuế nhập khẩu với các đơn hàng giá trị nhỏ là phù hợp thông lệ quốc tế và giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, hải quan... Ảnh: MINH TRÚC
Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Phạm Ngọc Hùng cho biết hiện nay nhiều nước không thu thuế nhập khẩu với hàng có giá trị nhỏ.
Việt Nam có nền kinh tế mở, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương và cũng có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu có thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Chính vì vậy, theo vị này, Việt Nam nên theo xu hướng phổ biến của thế giới là không thu thuế các đơn hàng nhập khẩu có giá trị thấp.
Nói thêm, ông Hùng cho hay nếu tổ chức bộ máy thu thuế các đơn hàng có giá trị nhỏ sẽ gây khó khăn lớn cho cơ quan hải quan, thuế… do lượng đơn hàng mỗi ngày rất lớn. “Đây sẽ là một thách thức rất lớn về thủ tục hành chính và hạ tầng công nghệ”- theo ông Hùng.
MINH TRÚC