TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (TP.HCM mới) có quy mô dân số chiếm gần 14% dân số cả nước (khoảng 13,5 triệu người) nhưng diện tích chỉ chiếm 2% cả nước (6.772,65 km2).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng diện tích này khá "chật chội" so với quy mô phát triển của TP.HCM mới khi các chỉ số đóng góp đều trên 20%. Và doanh nghiệp TP.HCM mới phải làm ăn gấp rưỡi, nỗ lực gấp đôi cho sự phát triển mới.
Tính toán tăng trưởng GRDP của TP.HCM mới ít nhất 8,5%
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết sau sáp nhập, nếu tính con số của năm 2024, quy mô GRDP 3 địa phương chiếm gần 24% cả nước; thu ngân sách cũng gần 30%; tỷ trọng xuất khẩu cũng chiếm gần 22%...
Những con số này cho thấy quy mô nền kinh tế mở rộng của TP.HCM là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp làm ăn.
Không gian phát triển rộng lớn của TP.HCM mới là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đặc biệt lĩnh vực sản xuất công nghiệp, logistics, dịch vụ... (Ảnh: H. Linh)
"Chúng tôi đang xem xét, tích hợp các thế mạnh trong quy hoạch kinh tế xã hội 3 địa phương để xác định các danh mục ưu tiên. Đồng thời, xem xét các dữ liệu để tính toán cụ thể tốc độ tăng trưởng của TP.HCM mới năm nay, ít nhất mức tăng trưởng GRDP là 8,5%. Các doanh nghiệp cũng nên tính toán hướng phát triển là phát triển TP.HCM mới, chứ không chỉ có TP.HCM hiện tại hay Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu", ông Bình An nói.
Ông cho rằng TP.HCM mới với thế mạnh gộp rất lớn của 3 địa phương mà doanh nghiệp cần khai thác, tận dụng các cơ hội. Động lực tăng trưởng chính và tiềm năng của TP.HCM mới vẫn là khu vực dịch vụ. Trong đó khu vực TP.HCM hiện hữu có thế mạnh nổi bật là dịch vụ, tài chính, khoa học công nghệ. Nhưng du lịch thì các doanh nghiệp có thể khai thác từ lợi thế của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ở mảng logistics, thế mạnh nghiêng hẳn về Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây, sau sáp nhập kết hợp với các cụm cảng hiện có của TP.HCM, cơ hội cũng rất lớn.
Đây sẽ là khu vực phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao với lợi thế sẵn có. Doanh nghiệp nên chú ý cơ hội các ngành công nghiệp mới như hóa dầu, chế tạo thiết bị điện gió và năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học... Đồng thời tận dụng lợi thế kinh tế biển của Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, kinh tế số...
Trong khi đó, Bình Dương vốn là trung tâm công nghiệp lớn. Hiện khu vực này đang có khoảng 39 khu công nghiệp, trong đó 80% hàng hóa sản xuất từ các khu công nghiệp này phục vụ xuất khẩu. Đây là khu vực mà các doanh nghiệp nên sớm tận dụng lợi thế để mở rộng cả thị trường xuất khẩu và nội địa.
Tỷ trọng đóng góp của TP.HCM mới so với các thành phố trực thuộc TW. (Nguồn: Viện ĐTNC BIDV)
"Trước đây, TP.HCM với hạn chế diện tích phát triển công nghiệp, dịch vụ, rất nhiều doanh nghiệp phải đặt trụ sở giao dịch ở TP.HCM nhưng cơ sở sản xuất ở Bình Dương, ở Bà Rịa - Vũng Tàu và họ đi lại, vận chuyển không thuận lợi, bây giờ trở thành 1 địa bàn, việc sản xuất kinh doanh sẽ về một nhà, không còn gì cản trở", Phó Viện trưởng Viện phát triển TP.HCM nhấn mạnh.
Doanh nghiệp TP.HCM phải làm ăn gấp rưỡi so với cả nước
Ông Lê Như Thạch - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons, cho rằng với không gian rộng lớn của TP.HCM mới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội đầu tư hơn so với việc bó gọn ở TP.HCM hay Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu hiện hữu. Cộng với Nghị quyết 68 càng tiếp thêm sức để doanh nghiệp mạnh dạn làm ăn.
"Tôi cho rằng không còn giới hạn thì việc đi lại, làm việc của người dân, doanh nghiệp sẽ khác hơn. Các doanh nghiệp đầu tư ở Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu việc tuyển dụng hoặc đưa lao động từ TP.HCM đến làm việc cũng dễ hơn. Người lao động khi đó không ngại đi xa kiểu 'qua tỉnh khác làm việc' nữa.
Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không phải 'chạy đi chạy lại' 3 nơi, mà thực hiện các thủ tục kinh doanh, nghĩa vụ thuế đơn giản hơn", ông Thạch nói.
Với riêng thị trường bất động sản, doanh nhân này nói ông thấy cơ hội lớn nhất, vì quỹ đất mở rộng, khách hàng mở rộng, nguồn lực phong phú rất nhiều. Khách mua nhà không còn rào cản Bình Dương, Vũng Tàu là "đất tỉnh" nữa. Người trẻ sẽ không ngại đi xa hơn một chút, ra ngoại thành mua nhà, chuyển ra ngoại thành sinh sống để có không gian rộng mở hơn. Dù có thể giá đất TP.HCM mới sẽ cao hơn một chút tại các vùng trước đây thuộc Bình Dương, Vũng Tàu.
Kỳ vọng hạ tầng giao thông được đồng bộ, nhất là các tuyến metro, xe buýt mở rộng để người dân ở xa trung tâm đi lại dễ dàng hơn, rút ngắn khoảng cách trung tâm TP và khu vực ngoại thành, nhất là các vùng chưa phát triển tương xứng với một đại đô thị.
Động lực tăng trưởng chính và tiềm năng của TP.HCM mới vẫn là dịch vụ mà khu vực TP.HCM hiện hữu có thế mạnh nổi bật. (Ảnh: Lương Ý)
"Tôi nghĩ người mua nhà không quá lo giá nhà đất tăng khi TP.HCM mở rộng, vì nguồn lực sẽ được bổ sung nhiều hơn. Bcons đầu tư nhiều dự án ở vừa túi tiền ở Thủ Đức, ở Dĩ An, tôi cũng không mong muốn và không ủng hộ giá nhà đất trong thời gian tới sẽ tăng.
Doanh nghiệp nào lợi dụng đẩy giá kiếm lời là chụp giựt, không thể phát triển bền vững, mà hãy đầu tư tốt hơn về hạ tầng, các dịch vụ tiện ích ở khu vực mình phát triển dự án, để kéo khách về thì mới bền vững được. Thị trường rộng lớn thì cạnh tranh cũng sẽ lớn, khắc nghiệt hơn, sẽ không có cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn thiếu chuyên nghiệp", Chủ tịch Bcons nói thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO cà phê Meet and More, cho rằng công ty ông chưa có dự định mở rộng ra các khu vực mới, nhưng không gian rộng lớn của TP.HCM mới sẽ rất thuận lợi để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất mở rộng nhà xưởng, đầu tư vùng sản xuất hiện đại.
Ông mong muốn hạ tầng kết nối sẽ đồng bộ để việc vận chuyển hàng hóa từ vùng sản xuất về các bến cảng, kho bãi, về vùng kinh doanh sẽ nhanh chóng, dễ dàng. Hạ tầng đồng bộ cũng dễ thu hút người lao động ở khu trung tâm TP.HCM hiện nay về các vùng sản xuất mới, hay người lao động từ Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu dễ dàng lên trung tâm TP.HCM làm việc.
Chính sách thu hút đầu tư cũng phải đồng bộ. Ví dụ trước đây, Bình Dương có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hơn, thì TP.HCM mới sẽ thông thoáng, cởi mở như vậy; tránh những lăn tăn của nhà đầu tư so sánh với Bình Dương cũ và TP.HCM mới.
Ngoài ra, doanh nhân này cho rằng, sẽ có nhiều lo ngại, áp lực ban đầu khi giá dịch vụ, giá đất đai và các khung, mức đầu tư sẽ tăng lên khi Bình Dương, Vũng Tàu trở thành một phần của TP.HCM.
Ông lo ngại chuyện giá đất, giá dịch vụ sẽ thay đổi khiến hạn mức đầu tư, chi phí đầu tư tăng lên làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Nên có chính sách hợp lý hỗ trợ, ưu đãi cho từng vùng, điều này cũng thuận lợi để tiến đến có thể di chuyển các nhà máy, khu vực sản xuất ở nơi đông đúc của TP.HCM hiện tại ra ngoài nhằm cân đối phát triển hơn.
Doanh nghiệp mong muốn TP.HCM mới có các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đồng bộ, cởi mở để không xáo trộn kế hoạch làm ăn. (Ảnh: H. Linh)
Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói rằng TP.HCM mới diện tích chỉ 2% nhưng dân số gần 14% cả nước, đồng nghĩa với việc không gian phát triển của TP sẽ chật chội hơn. Nhưng các đóng góp của TP.HCM mới cho cả nước đều trên 20%, từ GRDP đến thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu so với 6 thành phố trực thuộc Trung ương mới, tỷ lệ đóng góp của TP.HCM đều chiếm gấp đôi, gấp ba...
Với hình hài mới, các đóng góp lớn, ông Lực cho rằng vai trò đầu tàu của TP.HCM càng thể hiện rõ ràng. Và doanh nghiệp TP phải nỗ lực gấp đôi, làm ăn gấp rưỡi so với cả nước. TP.HCM mới phải tăng trưởng gấp 1,3 lần so với cả nước.
Chuyên gia kinh tế Trần Quang Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng TP.HCM mới thành một siêu đô thị sẽ có nhiều lợi thế để doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn lực và khách hàng mới.
Tuy nhiên, ở thị trường rộng lớn, cạnh tranh sẽ mạnh hơn, doanh nghiệp yếu thế càng khó khăn khi đối mặt với các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, chi phí vận hành có thể tăng, do giá bất động sản và dịch vụ tăng lên. Nên doanh nghiệp cần sớm tăng cường năng lực quản lý, tận dụng mạng lưới kết nối để mở rộng kinh doanh trong môi trường mới. Đặc biệt chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường, cũng như tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, phúc lợi tốt hơn để giữ và thu hút nhân tài.
Ông Thắng cũng nói thêm sự phát triển hạ tầng và mở rộng đô thị sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là ở các khu vực ven đô và gần các khu công nghiệp. Các khu vực như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có thể trải qua việc định giá lại bất động sản, khi tâm lý người mua chuyển từ nhà ở tỉnh sang “nhà ở siêu đô thị”.
Hà Linh