Ngày 15/5, nhiều doanh nghiệp thép trong nước điều chỉnh tăng giá bán với mức tăng cao nhất là 200 đồng/kg.
Cụ thể, Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức (VGS) thông báo điều chỉnh tăng 200 đồng/kg đối với thép cây và 150 đồng/kg đối với thép cuộn tại thị trường miền Bắc và miền Trung. Mức giá mới được áp dụng từ ngày 15/5.
Đợt điều chỉnh giá thép lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường thép đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước. (Ảnh: Hòa Phát).
Theo VGS, nguyên nhân tăng giá là do giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng dù doanh nghiệp đã rất nỗ lực nhằm ổn định giá bán trên thị trường.
Cùng ngày, Tập đoàn Hòa Phát cũng phát đi thông báo tăng 200 đồng/kg với thép cây và 150 đồng/kg với thép cuộn, chưa bao gồm VAT. Việc tăng giá áp dụng tại thị trường miền Bắc.
Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam cũng điều chỉnh tăng 200 đồng/kg với thép cây các loại; 150 đồng/kg với thép cuộn và thép rút dây các loại. Phạm vi áp dụng trên toàn quốc.
Ngày 14/5, Công ty Thép Pomina (POM) công bố tăng 100 đồng/kg cho cả thép cây và thép cuộn. Trước đó, ngày 9/5, các doanh nghiệp cũng đã có một đợt tăng giá thép với mức tăng cao nhất là 150 đồng/kg.
Theo chuyên gia thị trường nhận định, đợt điều chỉnh giá lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường thép đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Trên thị trường châu Á, giá thép HRC chủ yếu tăng sau thỏa thuận thương mại của Mỹ, Trung Quốc. Giá phôi thép và cốt thép cũng đã tăng trong bối cảnh giảm căng thẳng thuế quan.
Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Trần Bá Việt cho biết, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lạm phát nên các nhà sản xuất buộc phải tăng giá thép. Việc này sẽ góp phần làm tăng suất vốn đầu tư công trình, nhất là các công trình cầu, cống trong hạ tầng giao thông vận tải. Nếu các dự án đã đấu thầu, thì nhà thầu bị giảm lợi nhuận hoặc bị lỗ, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm.
Tiến Hào