Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng ngày 15/5/2025, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" cho kinh tế tư nhân
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày trước Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều. Trong đó, mục tiêu Nghị quyết là thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân. Qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.
Dự thảo thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực và Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo Nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Theo đó, đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Về nội dung hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh gồm có quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, cụ thể là hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.
Đối với hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ quy định hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn…; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Đối với nội dung: Hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này; nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất 2 chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong: bao gồm đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia. Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Cân đối nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất. Nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên để bảo đảm hiệu quả thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và cân đối nguồn lực thực hiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết như ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh. Bên cạnh đó, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành; đồng thời, trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều này sau khi Nghị quyết được ban hành, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại các luật liên quan để nâng cao hiệu lực pháp lý và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của quy định.
Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cũng đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng: Để bảo đảm chính sách hỗ trợ lãi suất tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết và Nghị quyết số 68-NQ/TW, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị rà soát các nội dung mang tính tổ chức thực hiện, có khả năng phải thay đổi thường xuyên theo tình hình thực tế, không thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định; hiện nay, các cơ quan của Chính phủ vẫn đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung; đề nghị quy định tại văn bản của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW và Kết luận số 119-KL/TW.
Việt Hằng